Chuyên gia VinaCapital nói gì về khả năng lương nhân công nhà máy Việt Nam theo kịp Trung Quốc?
Lương công xưởng của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, hay cả Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam được đánh giá sẽ vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh trong nhiều năm tới. Song, Việt Nam sẽ giữ được lợi thế cạnh tranh này trong bao lâu?
- 17-08-2021Điểm lại hơn 80 dự án điện gió từ Bình Thuận, Lâm Đồng, Cà Mau... trước nguy cơ không kịp hưởng giá ưu đãi trong chưa đầy 3 tháng tới
- 17-08-2021Điều gì đang xảy ra với mạng lưới vận tải biển Việt Nam và thế giới? Liệu sẽ xuất hiện hiệu ứng 'domino' khi hàng trăm container ùn ứ, giá cước tăng mạnh?
- 16-08-2021Dự án nâng cấp sân bay Điện Biên hơn 1.500 tỷ đồng dự kiến 'về đích' trước 4 tháng
Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari mới đây đã nhấn mạnh với Trí thức trẻ rằng Việt Nam đang đi theo mô hình kinh tế "Phát triển Đông Á - East Asian Development (EAD)". Đây là mô hình tập trung vào sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác trên thế giới.
Điều này được chứng minh rõ nét khi năm 2020, bất chấp sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 2,91%. Trong đó, hoạt động sản xuất tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Xét về ngành, hiện tại với lĩnh vực điện tử, khoảng trên 50% sản phẩm của Samsung Electronics trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Ngành may mặc cũng có tỷ trọng đặt hàng tại Việt Nam khá lớn, lên đến 50% tùy nhãn hàng. Như vậy, nếu làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 này sớm được kiểm soát, hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam.
Một trong những yếu tố để Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh hơn cả chính là lương công xưởng. Trao đổi với Trí thức trẻ, ông Michael Kokalari cho biết, mức lương công nhân Việt Nam đang thấp hơn so với Trung Quốc, trong khi tốc độ tăng lương ở Việt Nam và Trung Quốc tương đương nhau.
Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ còn rất lâu để chi phí nhân công nhà máy ở Việt Nam bắt kịp với Trung Quốc. Trong những năm gần đây, tính cả năm 2020, mức lương công nhân ở quốc gia này đã tăng 6-7%/ năm – gần như bằng tỷ lệ lạm phát tiền lương ở Việt Nam.
Dữ liệu: Tổng cục Thống kê
Dữ liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, tiền lương trung bình trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam giảm xuống ở mức 6,154 triệu đồng/tháng trong quý 2/2020, do tác động của đại dịch Covid-19.
Dữ liệu: Trading Economics
Theo dữ liệu của Trading Economics, diễn biến phức tạp của Covid-19 đã tác động đáng kể đến lương công nhân trong lĩnh vực sản xuất của các quốc gia. Cụ thể, tính đến tháng 3/2021, mức lương trung bình công nhân trong ngành sản xuất tại Thái Lan giảm 1,14%, xuống còn khoảng 9,3 triệu đồng/tháng/người.
Tại Malaysia, tính đến tháng 5/2021, mức lương trung bình công nhân trong ngành đạt khoảng 17 triệu đồng/tháng/người. Tại Indonesia, tính đến tháng 3/2021, con số này đạt khoảng 4,56 triệu đồng/tháng/người. Còn tại Trung Quốc, báo cáo cho thấy, tính đến tháng 12/2020, mức lương trung bình này đạt khoảng gần 25 triệu đồng/tháng/người.
Nhận định về lợi thế cạnh tranh trong chi phí hoạt động sản xuất, ông Michael cho rằng Việt Nam vẫn sẽ giữ được lợi thế này trong tương lai. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn là một rủi ro rất lớn đối với các công ty nước ngoài có nhà máy tại Trung Quốc. "Mối đe dọa này chắc chắn sẽ tiếp tục thúc đẩy các công ty đặt thêm nhà máy bên ngoài quốc gia này, nhất là khi đại dịch hoàn toàn được kiểm soát", ông khẳng định.
Theo một số cuộc khảo sát gần đây, Việt Nam là điểm đến được ưa thích nhất của các công ty FDI, trong cả hai trường hợp là dịch chuyển nhà xưởng hay đặt thêm cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh kéo dài đã khiến hoạt động sản xuất tại Việt Nam đang chậm trễ. Để gỡ khó, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã giao Bộ Y tế tổ chức khẩn trương đàm phán mua, tổ chức tiêm vaccine cho lao động ngành sản xuất theo đề xuất của 4 hiệp hội trong nước.