MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nông nghiệp châu Á: EVFTA với nông nghiệp là câu chuyện của nhiều người, hãy công bằng hơn với nông dân Việt Nam!

TS. Siang Hee Tan - Giám đốc điều hành CropLife châu Á cho biết: Nông sản xuất khẩu sang châu Âu của Việt Nam có 95% đạt chuẩn về mặt an toàn, chỉ có 5% bị trả về vì các vấn đề với thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc diệt cỏ.

Sau khi đã làm việc nhiều năm tại các quốc gia châu Á cũng như Đông Nam Á, ông đánh giá thế nào về trình độ phát triển của nông nghiệp Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực?

Tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn ở nông nghiệp Việt Nam, hãy cứ nhìn vào cách nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng trong vòng 10 năm, 15 năm trở lại đây thì sẽ thấy. Người ta vẫn nói Việt Nam đang là một "ngôi sao mới nổi" ở châu Á. 

Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, vươn lên mạnh mẽ so với khu vực về xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, và điều đó cũng thể hiện rõ trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và nhận thấy rằng Việt Nam hiểu rất rõ tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với phát triển kinh tế. 

Chuyên gia nông nghiệp châu Á: EVFTA với nông nghiệp là câu chuyện của nhiều người, hãy công bằng hơn với nông dân Việt Nam! - Ảnh 1.

Nhưng đằng sau đó, tôi cũng nhận thấy rằng Việt Nam cần phải nâng cao việc nghiên cứu đổi mới để ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Như bạn có thể thấy, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Việt Nam đang phát triển ngày càng đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp mới, muốn đẩy mạnh để có thể đạt sản lượng và chất lượng xuất khẩu thì cần phải có sự can thiệp của công nghệ. Tôi thấy điều này đang được cải thiện nhờ rất nhiều nỗ lực của Chính phủ.

Theo ông nông nghiệp Việt Nam có đủ khả năng để nắm bắt được đầy đủ những cơ hội mà EVFTA tới đây được ký kết mang lại không?

Đó là lý do tôi và công ty Croplife đang hợp tác với Chính phủ tìm ra giải pháp để làm thế nào nông sản Việt Nam có thể tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Đây không phải câu chuyện ngày mai nông sản cần phải tuân thủ ngay, cũng như có thể tuân thủ được ngay. Chúng ta cần xây dựng rất nhiều chương trình và hiện tại chúng tôi đang tập trung vào chè, cà phê,...

Đây là trách nhiệm của cả chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức nông nghiệp đa quốc gia như chúng tôi nữa. Chúng ta không thể để nông dân làm điều đó một cách đơn độc. 

Hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam đang rất được quan tâm. Làm sao để quản lý thật tốt để mang lại hiệu quả cao mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm?

Yếu tố cốt lõi ở đây là vấn đề giáo dục. Kể cả khi có ban hành luật cấm hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật thì cũng không thể đảm bảo được 100%. 

Cần giáo dục để nông dân hiểu, thuốc diệt cỏ cũng giống như thuốc dành cho con người. Lúc nào cây bệnh thì mới cần dùng, dùng đúng liều lượng và không lạm dụng. Các quốc gia khác họ cũng tập trung chủ yếu vào việc giáo dục nông dân.

Chuyên gia nông nghiệp châu Á: EVFTA với nông nghiệp là câu chuyện của nhiều người, hãy công bằng hơn với nông dân Việt Nam! - Ảnh 2.

Ông đánh giá thế nào về trình độ canh tác của nông dân Việt Nam hiện nay?

Tôi nghĩ cần phải thay đổi trong cách tư duy, không nên đổ lỗi cho nông dân về tất cả mọi thứ. Rất nhiều ý kiến cho rằng nông dân Việt Nam kém hiểu biết hay trình độ thấp, không tuân thủ các tiêu chuẩn,... như vậy sẽ tạo ra một hình ảnh rất xấu về nông sản Việt Nam chứ không giúp được gì cho sự phát triển. 

Thay vào đó, chúng ta cần ghi nhận những sự thay đổi tích cực của người nông dân và nông nghiệp Việt Nam nói chung, mang đến hình ảnh một nền nông nghiệp chủ động và tích cực đến với thế giới.

Trên thực tế, các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang châu Âu của Việt Nam có 95% đạt chuẩn về mặt an toàn, chỉ có 5% bị trả về vì các vấn đề với thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc diệt cỏ.

Rõ ràng 95% nông dân đã có sự quan tâm đến vấn đề an toàn rồi, nếu như chúng ta cứ tập trung vào các thông tin rằng tất cả các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đều sử dụng quá mức các chất bảo vệ thực vật hay dư lượng thuốc diệt cỏ thì sẽ tạo ra ảnh hưởng rất xấu đối với thương hiệu nông sản Việt Nam. Đó cũng là sự bất công với 95% nông sản đã tuân thủ được các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông đánh giá thế nào về ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có khoảng 30 nghìn cán bộ khuyến nông, họ cũng không thể tự đi đào tạo cho toàn bộ nông dân. Ngay cả công ty chúng tôi cũng không thể trực tiếp gặp gỡ và dạy hàng trăm nghìn nông dân được. 

Phải có sự phối hợp của tất cả các bên, chính phủ, các tổ chức, các doanh nghiệp làm việc trong chuỗi cung ứng, địa phương và nông dân. Và kênh thông tin chúng ta sử dụng chính là các công cụ số. Thông qua chúng, các bài học, kiến thức về nông nghiệp có thể đến với từng nông dân. 

Chúng tôi cũng đang xây dựng những chương trình để hỗ trợ người nông dân như gây giống nhanh, quản lý tại trang trại để giám sát được tốt hơn và có các biện pháp kịp thời hơn, hỗ trợ người dân có đủ khả năng đưa sản phẩm của họ từ trang trại đến tận thị trường.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên