Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Đừng mặc cảm là ban đầu mình nhỏ bé quá!"
Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại buổi tọa đàm “Những hiểu biết về xu hướng việc làm trong tương lai”.
- 23-09-2017Đừng vội sợ hãi về những lời hù dọa Robot "cướp" việc trong kỷ nguyên 4.0! Chính Robot sẽ tạo ra nhiều việc làm mới với mức lương cao hơn
- 23-08-2017Mất việc làm sau tuổi 35: Thất nghiệp và gánh nặng an sinh xã hội
Toàn cầu hóa vẫn là xu hướng chính
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng toàn cầu hóa, tự do hóa vẫn là xu hướng lớn hơn rất nhiều so với xu hướng bảo hộ. Sự quay lưng của một vài nước với toàn cầu hóa chỉ mang tính cục bộ trong thời gian ngắn. Toàn cầu hóa là nhu cầu của sự phát triển.
“Đến bây giờ các chuyên gia kinh tế ở các nước khác nhau đều đã lần lượt tuyên bố: Toàn cầu hóa vẫn là xu hướng chi phối và nó sẽ tiếp tục phát triển, không gì ngăn nổi. Bởi vì nó là nhu cầu tất nhiên của con người, đặc biệt trong thời đại công nghiệp phát triển hiện nay. Không có thị trường thương mại tự do trên phạm vi toàn cầu thì công nghệ cũng không thể phát triển được” - bà Phạm Chi Lan nói.
Ảnh: Minh Châu. Thiết kế: Hương Xuân
Theo bà Lan, cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại những giá trị truyệt vời cho cuộc sống của con người, đẩy nhanh sự phát triển của quốc gia. Mặt khác, điều này cũng tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đặc biệt là vấn đề việc làm.
“Riêng ở Mỹ, ông Trump cứ đổ lỗi cho các nước khác khi những công ty Mỹ đặt hàng bên ngoài và lấy hết việc làm của người Mỹ. Nhưng không phải. Sự phát triển công nghệ ở Mỹ mới lấy nhiều việc làm nhất của người Mỹ trong tương lai. Người ta đã ước tính được khoảng 26% lực lượng lao động ở Mỹ sẽ mất việc làm khi phát triển máy tính và robot. Thậm chí, máy tính đang lấy đi việc làm của những công việc mang tính chất trí tuệ của 40% luật sư, 40% chuyên gia kinh tế” – bà Phạm Chi Lan dẫn số liệu.
Đừng mặc cảm khi mình quá bé nhỏ
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Thế Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Grant Thornton nhận định rằng lĩnh vực kế toán, kiểm toán cũng đang thay đổi với sự phát triển của công nghệ. Ông Việt cho biết ngành kế toán, kiểm toán đã từng phải tổ chức hội thảo nhằm trả lời câu hỏi rằng: Người làm việc trong ngành kế toán, kiểm toán ở Việt Nam có mất việc trong tương lai hay không?
Thực tế, phần mềm đọc sổ kế toán, phân tích và giải thích nghiệp vụ kế toán đã xuất hiện trên thế giới. Hơn thế, máy tính còn có thể chọn ra khoản tiền và nghiệp vụ cần phải kiểm tra. Việc kiểm kê tài sản bằng máy bay không người lái cũng được một số công ty sử dụng.
Xét ở tầm quốc gia, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng công nghệ có thể giúp một số lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đi tắt và bứt phá. Theo Michael Porter, các nền kinh tế đều trải qua 3 giai đoạn: Nền kinh tế dựa trên yếu tố đầu vào; Nền kinh tế dựa trên hiệu quả đầu tư; Nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, một số lĩnh vực có thể không cần đi tuần tự mà có thể bứt phá để nhảy sang giai đoạn 3.
Đi cùng với quá trình này, trong xã hội sẽ có những thay đổi. Theo bà Lan, giai tầng sáng tạo sẽ là lực lượng quyết định sự giàu có của Việt Nam, thay thế lao động giá rẻ. Kỳ vọng sự giàu mạnh trong tương lai cần trông cậy vào sự đóng góp của những người có trí tuệ. Sinh viên là những người có trọng trách và có khả năng tham gia vào quá trình này, không vì công việc mà xao nhãng chuyện học hành để tự nâng cấp bản thân.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng những người trẻ năng động, chịu khó học hỏi, biết cách thích nghi với cuộc sống mới và có tư duy sáng tạo hoàn toàn có thể khởi nghiệp, trở thành những doanh nhân doanh nghiệp. “Vài em cùng nhau chụm lại làm và có thể trở thành những tổ chức đóng góp tốt vào xã hội Việt Nam, trở thành những doanh nhân doanh nghiệp khởi nghiệp. Đừng mặc cảm là ban đầu mình nhỏ bé quá” – bà Phạm Chi Lan nêu rõ.