Chuyên gia Trần Du Lịch: Kinh tế TPHCM ‘từ đáy đang đi lên’
Chiều 29/6, phát biểu tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm, TS. Trần Du Lịch cho rằng, hiện kinh tế thành phố “từ đáy đang đi lên” và việc lên nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng rõ ràng là đang đi lên.
- 03-06-2023Những chính sách đặc thù vực dậy đầu tàu kinh tế TPHCM
- 02-06-2023Lý do kinh tế TPHCM tăng trưởng vượt bậc trong quý II
- 18-05-2023Thí điểm cơ chế đặc thù mới cho đầu tàu kinh tế TPHCM
-
Trên tổng thể, thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn và cần những quyết sách nhanh, mạnh để ổn định thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp
-
Thương hiệu Việt, hàng Việt muốn đứng vững được trên thị trường thế giới trước hết phải đứng được trong niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.
Dù kinh tế thành phố có tăng trưởng khả quan trong quý II vừa qua, tuy nhiên ông Lịch cho rằng cần lưu ý là lĩnh vực xây dựng vẫn còn giảm, thị trường bất động sản vẫn đang tăng trưởng âm. Muốn thúc đẩy trong những tháng cuối năm, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng khả dĩ thì phải tập trung vào các lĩnh vực then chốt.
Theo ông Lịch, tiềm lực kinh tế thành phố cực lớn với trên 250.000 doanh nghiệp, 450.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, lực lượng này chiếm 1/3 cả nước.
“Kinh tế thế giới có nguy cơ vừa trì trệ vừa lạm phát, hiện tượng rất đáng lo ngại, tác động rất khó lường. Doanh nghiệp trong nước đang trong tình trạng khó khăn và đang bị bào mòn dần nguồn lực. Thậm chí, tín dụng tăng cũng khó hấp thu. Nôm na có thể hiểu đó là một cơ thể yếu mà cho thức ăn cũng không ăn nổi” - ông Trần Du Lịch nêu thực tế.
Cũng theo ông Lịch, thị trường bất động sản hiện nay chưa có tín hiệu phục hồi cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Những nỗ lực của thành phố tháo gỡ điểm nghẽn với bất động sản là tích cực, tuy nhiên chưa tác dụng ngay trong quý II và đang kỳ vọng trong giai đoạn sau. Ngoài ra, nhìn vào thực tế, tâm lý sợ sai phạm của một bộ phận công chức trong bộ máy hành chính các cấp dẫn đến trì trệ trong thi hành công vụ chưa được cải thiện đáng kể.
Về trọng tâm nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đánh giá, nếu thành phố vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5-8% cả năm thì rất khó, tuy nhiên, ông cho rằng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường, còn những tác động về chính sách của chính quyền luôn luôn có độ trễ nhất định, do đó những giải pháp của thành phố trong 6 tháng cuối năm là hướng đến mục tiêu tăng trưởng tốt hơn ở năm sau.
Từ cơ sở này, ông Lịch dự báo kinh tế TPHCM có thể tăng khoảng 8% trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng vẫn chưa đủ sức để kéo tăng trưởng cho cả năm 2023.
Ông Lịch cho rằng, trong chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, thành phố đặt mục tiêu năm 2022 là phục hồi, năm 2023 là tăng tốc, tuy nhiên, dựa trên tình hình này thì phải lỡ hẹn một năm, tức là năm 2023 phục hồi và năm 2024 mới tăng tốc. “Lỡ hẹn một năm thôi, đừng để lỡ hẹn vài năm nữa”- ông Lịch nói.
TS. Trần Du Lịch cho biết, trong 6 tháng cuối năm, thành phố cần triển khai Nghị quyết 98 về thể chế, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực bộ máy hành chính các cấp ngang tầm với nhiệm vụ của nghị quyết này. Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ những dự án, công trình khu vực đầu tư công và tư nhân ngưng trệ trong nhiều năm qua, nhất là các dự án liên quan đến đất đai, nhằm tạo sức bật cho thị trường bất động sản thành phố ngay trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, về đầu tư tư nhân trong lĩnh vực bất động sản, thành phố cần tháo gỡ điểm nghẽn về điều chỉnh quy hoạch và định giá đất. Cùng đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lịch nói cần tập trung 3 nhóm nội dung về tín dụng thông qua cơ chế liên kết ngân hàng. Mặt khác, thành phố cần giải quyết thủ tục nhanh gọn về thuế, hải quan, vấn đề phòng cháy chữa cháy…
Tiền phong