MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xử lý 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

15-08-2022 - 08:24 AM | Doanh nghiệp

Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xử lý 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương cho biết, các cơ quan chức năng vừa thống nhất chuyển hồ sơ 2 doanh nghiệp không nộp số dư quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách nhà nước sang Bộ Công an để xử lý theo quy định.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trước đó, ngày 30/6/2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 3705 gửi Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P (số 32 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) và Công văn số 3706 gửi Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (xóm Tân Phú, thôn Phú Thủy, xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) về việc đôn đốc nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước.

Công văn số 3705 chỉ rõ, qua nhiều lần đôn đốc bằng văn bản, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo, chứng từ của Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P về việc nộp số tiền hơn 21,7 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Với Công ty CP Dương Đông Hòa Phú, số tiền chậm nộp là hơn 3,7 tỷ đồng, theo Công văn số 3706.

Nhằm đảm bảo việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, Bộ Công Thương đề nghị 2 công ty khẩn trương chuyển nộp toàn bộ số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 2 công ty vào ngân sách nhà nước, đồng thời gửi báo cáo, bản sao chứng từ nộp tiền về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) trước ngày 10/7/2022.

Sau thời hạn nêu trên, Bộ Công Thương sẽ chuyển hồ sơ liên quan sang Bộ Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P và Công ty CP Dương Đông Hòa Phú là hai cái tên gây nhiều chú ý thời gian qua khi có liên quan đến vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) và vụ buôn lậu xăng dầu lớn nhất tại Bình Thuận, với tổng trị giá hơn 2.034 tỷ đồng từ Singapore về Việt Nam.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, một chuyên gia trong ngành Công thương cho hay, có nhiều hình thức, chiêu trò thu lời phía sau việc DN được cấp phép tham gia kinh doanh xăng dầu; đơn cử như: Lợi dụng giấy phép kinh doanh, cho DN, đại lý chưa đủ điều kiện thuê kho, bồn chứa; Ký hợp đồng mua bán xăng dầu số lượng lớn để vay vốn ngân hàng rồi tận dụng thời gian trả chậm để quay vòng vốn… Còn với những DN kinh doanh xăng dầu làm xăng giả, buôn lậu, thì lãi lên tới cả ngàn tỷ đồng/năm.

Tổng giám đốc một DN xăng dầu đầu mối cho hay, bên cạnh làm xăng giả, doanh nghiệp trong nước bắt tay với DN nước ngoài để buôn lậu xăng dầu cũng là vấn nạn. Vụ buôn lậu xăng dầu của Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (tỉnh Bình Thuận) trước đây cho thấy, nếu một vụ buôn lậu trót lọt, doanh nghiệp có thể kiếm tới cả trăm tỷ đồng chỉ riêng từ việc trốn khai báo hải quan 13.000 tấn xăng A92.

“Số tiền mà các doanh nghiệp làm giả và buôn lậu xăng dầu “chiếm đoạt” được của Nhà nước sẽ khiến ngân sách thất thu rất lớn. Chỉ một tàu nhỏ bán 10.000m3 xăng dầu trót lọt ra thị trường, doanh nghiệp ung dung đút túi 50 tỷ đồng”, vị này nói.

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong

Trở lên trên