Chuyện khó quên của người lính xây nền móng cho Viettel thời kỳ đầu
Trước khi đổi tên, Viettel có tiền thân là Công ty điện tử thiết bị thông tin (Sigelco), với những người lính chuyển sang làm kinh tế. Và câu chuyện khởi tạo thực tại mới cho chính mình và cho cả đất nước sau này của những người lính ở Viettel đã trở thành lịch sử không chỉ của ngành viễn thông Việt Nam.
76 tuổi, khoác trên mình bộ vest lịch lãm, có mặt ở trụ sở Viettel từ sớm trước giờ hẹn, tác phong "người lính" năm nào đã ăn vào máu của ông Đinh Văn Đạt - nguyên Giám đốc Trung tâm kỹ thuật dịch vụ Sigelco (công ty tiền thân của Viettel).
"Tôi là một trong những người đầu tiên xây dựng Sigelco", ông mở đầu cuộc trao đổi bằng lời chia sẻ đầy tự hào. Câu chuyện của ông không chỉ mang dáng dấp cá nhân của một người lính chuyển sang làm kinh tế mà còn là câu chuyện của người Viettel khi khởi nghiệp phải tìm cách để tồn tại, tạo ra nền tảng mới để phát triển.
Những người lính Sigelco thời kỳ đầu tiên. Ông Đinh Văn Đạt là người ngồi đầu tiên phía bên trái.
Thế nhưng, những người lính đó không chỉ thay đổi nhanh để tồn tại, họ thậm chí còn tạo ra thực tại mới cho chính mình, cho tổ chức và đóng góp cho đất nước.
‘Có việc gì là làm và phải làm cho bằng được’
Công ty Sigelco ra đời vào năm 1989, khởi điểm có khoảng 40-50 người lính được lựa chọn từ nhiều đơn vị khác nhau. Từ những người lính mang quân hàm, nay họ có chức vụ mới là "trợ lý kỹ thuật".
"Chúng tôi chưa có nhiệm vụ rạch ròi cho từng người, cứ có việc gì là làm và phải làm bằng được. Ngày đó, anh em trong công ty đều có tinh thần cầu tiến và quan niệm càng làm ra nhiều tiền cho cơ quan càng tốt", ông Đạt nhớ lại.
Trong 6 tháng đầu tiên khi thành lập, công ty được hỗ trợ tiền lương. Sau thời gian này, họ phải tự lo. Nhận thức rõ gánh nặng đồng tiền trên vai, mục tiêu làm phải có lợi nhuận, một câu chuyện vui mà ông Đinh Văn Đạt vẫn nhớ như in đó là một kỹ sư nghiện thuốc lá trong cơ quan đã liên hệ với công ty thuốc lá Sông Cầu để nhập hàng về bán kiếm tiền cho cơ quan.
Ngay bản thân ông Đinh Văn Đạt cũng đem tiền về cho cơ quan bằng nhiều cách. Trong một lần đi công tác ở Thanh Hóa, khi Giám đốc Công ty Thương nghiệp Bỉm Sơn nhờ sửa tivi, ông Đạt đồng ý ngay. Đến nơi là ông Đạt lao vào sửa, cái lâu thì mất 30 phút cái nhanh thì chỉ 10 phút là xong. Thế nhưng, ông Đạt không lấy tiền sửa chữa cho riêng mình, thay vào đó công ty này đã ủng hộ Bộ Tư lệnh thông tin hàng chục tấn gạo, lạc, trứng.
"Một chuyến đi mà đơn vì phải cử hàng chục chuyến xe lên để lấy lương thực về. Số trứng, lạc nhiều không ăn hết chúng tôi đem bán lấy tiền về quỹ chung của cơ quan", ông tâm sự.
Tự nhận đặc thù của người lính thông tin "không biết gì về kinh tế", nhưng các chiến sĩ của Sigelco ngày ấy đã làm việc với tâm thế "không biết thì hỏi, không biết phải học, không được chủ quan. Người thầy là nhân dân" và "Cơ quan, công việc là trên hết".
‘Chúng tôi không được phép thất bại!’
"Là người lính đi làm kinh tế, tự nhận không biết gì, vậy chắc hẳn ông và những đồng đội gặp không ít khó khăn và thất bại?". Trả lời câu hỏi ấy, ông Đinh Văn Đạt khẳng định chắc nịch: "Chúng tôi chưa bao giờ thất bại. Chúng tôi không được phép thất bại".
Là người có công lớn khi lần đầu tiên đem về hợp đồng trị giá 500 triệu đồng cho Sigelco (một con số rất lớn với công ty này thời điểm đó), ông Đạt kể lại: "Nghe thông tin từ một người bạn, tôi biết được Công ty Apatit Lào Cai đang cần một tổng đài mới và sửa tổng đài cũ để đưa xuống đơn vị. Nhận thấy có thể kiếm hợp đồng lớn, tôi bàn với lãnh đạo xin đi một chuyến. Đầu những năm 90, đường xá đi lại còn khó khăn vất vả, cả cơ quan chỉ có một chiếc xe công, nhưng lãnh đạo đã ưu tiên cho tôi sử dụng".
Sau chuyến đi khảo sát, ông Đạt trở lại Apatit Lào Cai với kết hoạch làm việc chỉ 6 ngày, nhưng công việc cứ thế phát sinh nhiều hơn. Từ một hợp đồng theo thỏa thuận ban đầu, một mình ông Đạt tiếp quản 2 hợp đồng nữa, nâng tổng giá trị doanh thu lên 500 triệu đồng. Chuyến công tác ấy cũng kéo dài đến tận một tháng 20 ngày.
"Ngày ấy, kế toán trưởng nói với tôi, chưa bao giờ công ty có tài khoản như thế này. Cảm xúc của tôi lúc đó rất vui vì đem tiền được về cho cơ quan", ông Đạt chia sẻ.
Đặt câu hỏi về mức lương thưởng khi thực hiện được hợp đồng "khủng", ông Đạt cười lớn và nói: "Tôi được thưởng 1,5 triệu đồng. Nhưng ngày đó, không ai nghĩ đến việc cá nhân, từ sếp đến nhân viên đều làm việc vì cơ quan, vì tổ chức chung. Ai cũng vậy cả".
Với mục tiêu đặt ra "lương cho cán bộ phải cao hơn Bộ Tư lệnh cho", những người lính thông tin ở Sigelco luôn hết mình vì công việc. Kết quả, tháng lương đầu tiên của họ cao hơn thời còn nhận được trợ cấp 30%.
"Đi làm được bao cấp như bố mẹ cứ mãi lo cơm ăn áo mặc cho con. Đó là vấn nạn. Cuộc đời dạy cho tôi là nếu sống mà được nuôi thì không biết gì, mà phải làm, phải tự lập. Nếu không chuyển sang làm kinh tế, chúng tôi có lẽ vẫn như con gà được nuôi dưỡng", ông Đạt nhận định.
Kinh nghiệm học hỏi được từ sự va chạm trên thương trường cùng với tinh thần chiến đấu quên mình của người lính đã tạo nên thế hệ tinh hoa đầu tiên cho Sigelco và cho Tập đoàn Viettel sau này. Thế hệ đó đã khẳng định người lính hoàn toàn có thể làm kinh tế giỏi.
Họ không chỉ tạo ra giá trị cho công ty mà còn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó để góp phần thay đổi đất nước sau này. Và câu chuyện về cuộc cách mạng trong lĩnh vực viễn thông và việc mở đường với những thành công lớn khi đầu tư ra nước ngoài của Viettel… là những ví dụ điển hình. Những thế hệ đầu tiên tại Sigelco là nhân tố quan trọng cho việc khởi tạo thực tại mới sau này của thế hệ Viettel tiếp đó.