MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện lạ khi nhà tuyển dụng nói về thế hệ nhân viên trẻ nhảy việc, có phải là bất lợi?

17-03-2022 - 14:34 PM | Sống

Thế hệ trẻ cực kỳ năng động và nhiệt huyết với công việc nhưng hiện tượng nhảy việc và thiếu trung thành có phải là lối sống tiêu cực của nhân sự 4.0 không?

Thế hệ trẻ hiện nay cực kỳ năng động và nhiệt huyết với công việc. Đây là nguồn nhân lực cốt lõi cho thị trường tuyển dụng. Chị Nguyễn Thái Hà, một tiktoker về hướng nghiệp đã chia sẻ một số lưu ý cho các nhân viên tuyển dụng, người phỏng vấn và cả ứng viên trong quá trình tuyển dụng - ứng tuyển. Chị Hà từng đảm nhiệm vị trí trưởng phòng thu hút nhân tài tại một số các công ty như: Langmaster Careers, HBR Holdings, Luyện thi Ielts LangGo. Không những thế, chị cũng là giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.

Chuyện lạ khi nhà tuyển dụng nói về thế hệ nhân viên trẻ nhảy việc, có phải là bất lợi? - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thái Hà hiện là trưởng phòng thu hút nhân tài của HBR Holdings và là chủ kênh tiktok với gần 183,000 follower. Các video của chị chủ yếu chia sẻ góc nhìn về ngành tuyển dụng và thị trường tuyển dụng rất thu hút cộng đồng.


Nhảy việc không phải là bất lợi

Mong muốn trải nghiệm tìm hiểu bản thân là như cầu chính đáng mà ai cũng cần có. Nếu như với thế hệ trước, quan niệm Một nghề cho chín còn hơn chín nghề, ý chỉ một người nên trung thành theo đuổi một công việc duy nhất để có được một cuộc sống ổn định. Tuy nhiên với thế hệ nhân viên trẻ hiện nay, mục tiêu công việc lại hoàn toàn khác. Đối với người lao động, một số tiêu chí cho một công việc như: Tiền bạc, Danh vọng, Tự do cá nhân, Sự ổn định và An toàn,...

"Các bạn nhân viên trẻ hiện nay không có gánh nặng tài chính quá lớn, các bạn cũng không có nhu cầu có một cuộc sống ổn định khi còn quá trẻ. Sau này khi mình nói chuyện, tiếp xúc và khảo sát nhiều em ứng viên thì mình càng thấy suy nghĩ trên có cơ sở." - Chị Hà chia sẻ.

Nếu nhìn vào tháp nhu cầu của Maslow, có thể thấy các bạn trẻ đã bảo đảm được nhu cầu ở tầng thấp nhất. Tuy nhiên, các bạn sẽ cần hướng tới những tầng cao hơn, mà đặc biệt là nhu cầu thể hiện bản thân. Mà để đạt được điều này, các bạn cần phải trải qua nhiều ngành nghề hoặc cọ sát trên nhiều lĩnh vực để kiếm tìm một công việc phù hợp.

Chuyện lạ khi nhà tuyển dụng nói về thế hệ nhân viên trẻ nhảy việc, có phải là bất lợi? - Ảnh 2.

Vì thế, các nhân viên tuyển dụng cũng cần có một góc nhìn thoáng hơn với những ứng viên trẻ. Đừng vì nhìn thấy ứng viên nào cứ vài tháng lại nhảy việc lại đánh giá thấp sự trung thành trong công việc của họ.

Ứng viên thế hệ 4.0 sẽ không ngại đưa ra quan điểm

Các nhân viên tuyển dụng thường sẽ nghĩ rằng các ứng viên sẽ luôn khép nép, lễ phép hoặc thậm chí nghe lời chỉ để được nhận vào công ty. Tuy nhiên, các bạn trẻ hiện nay có ý thức về tự do ngôn luận mạnh mẽ và sẵn sàng thể hiện quan điểm của bản thân. Các bạn sẽ sẵn sàng thẳng thắn đưa ra ý kiến nếu cần thiết cho tiến độ công việc hay sự phát triển của công ty.

"Cứ dạo 1 vòng group review công ty xem các bài ứng viên bóc phốt HR thì biết: "Được là chính mình" là khẩu hiệu và châm ngôn sống của rất nhiều bạn trẻ. Vậy nên cũng đừng ngã ngửa ra khi ứng viên "mạnh dạn" nhận xét là chưa hài lòng với công ty ở đâu, chưa cảm thấy vui vẻ và thẳng thắn bày tỏ mong muốn của mình. Thay vào đó, hãy coi đó là một lời góp ý để thay đổi (nếu có) hoặc chia sẻ lại nhẹ nhàng với ứng viên. Đừng cãi nhau, đừng đổ thêm dầu vào lửa." - Chị Hà gợi ý thêm.

Chuyện lạ khi nhà tuyển dụng nói về thế hệ nhân viên trẻ nhảy việc, có phải là bất lợi? - Ảnh 3.

Từ đó, các nhân viên tuyển dụng cũng đừng choáng váng khi các bạn thẳng thắn chỉ ra những điểm chưa hài lòng ở công ty hay với đồng nghiệp. Đây cũng là một xu hướng làm việc mới nhằm hướng đến xây dựng một trường làm việc thẳng thắn và cởi mở. Các chuyên viên HR cũng nên rộng mở đón nhận một thế hệ người trẻ nhiều khác biệt nhưng cũng đầy tài năng này.

Tuy nhiên, ứng viên trẻ cần có một số lưu ý khi bước vào thị trường tuyển dụng:

Nhảy việc không khó nhưng phải có chiến lược

Đối mặt với sự chán nản trong công việc, bạn cũng nên nhìn ra được nguồn cơn cho những cảm xúc tiêu cực trong công việc. Nhảy việc không phải là để kết thúc mà là để tránh lặp lại sai lầm ở những công ty về sau.

Trước khi nhảy việc, bạn nên xác định lý do bản thân không thể gắn bó với công ty. Đó có thể là lý do nội tại như: năng lực của bản thân không phù hợp với công việc hay trình độ chuyên môn chưa đủ cao, hay thậm chí không hài lòng với mức lương hiện tại.

Lý do cũng có thể xuất phát từ những yếu tố ngoại tác như môn trường làm việc độc hại, đồng nghiệp không hoà hợp với bản thân, chế độ đãi ngộ không cao. Nếu đã cố gắng thay đổi bằng cách nỗ lực nâng cao trình độ hay ý kiến với sếp hoặc đồng nghiệp vẫn không có kết quả, lúc đó bạn hãy nghĩ đến phương án nghỉ việc.

Chuyện lạ khi nhà tuyển dụng nói về thế hệ nhân viên trẻ nhảy việc, có phải là bất lợi? - Ảnh 4.

Bạn cũng nên cân nhắc khả năng của bản thân và rủi ro khi xin việc. Không thể chắc chắn bản thân sẽ có được một công việc ngay sau khi nghỉ việc, vì vậy bạn cần chuẩn bị một khoảng tiền đủ chi phí trong khoảng thời gian tìm việc. Như vậy, bạn sẽ không có tâm lý nhận bừa một công việc khi nguồn tiền đã cạn để rồi lại rơi vào vòng lặp nhảy việc.

Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Thẳng thắn là một đức tính tốt, nhưng giao tiếp khéo léo là cả một nghệ thuật. Cách bạn đưa quan điểm phải luôn đặt tiêu chí cảm xúc người nghe lên hàng đầu. Michael Jordan, vận động viên vĩ đại của làng NBA đã từng nói: "Thiên tài sẽ là người thắng cuộc trong một trò chơi, nhưng chỉ có làm việc nhóm và thông minh mới có thể trở thành người vô địch. Thắng được lòng người xung quanh mới là chiến thắng vẻ vang nhất!".

Chuyện lạ khi nhà tuyển dụng nói về thế hệ nhân viên trẻ nhảy việc, có phải là bất lợi? - Ảnh 5.

Để đưa ra phản hồi hiệu quả, bạn có thể áp dụng phương pháp Sandwich. Hãy bắt đầu bằng một lời khen và công nhận với những thành quả của đối phương, sau đó nêu ra những điều thiếu sót cần cải thiện rồi chốt lại là một lời động viên khích lệ. Phương pháp này giúp người nói truyền đạt đủ thông tin còn người nghe cũng vui vẻ lắng nghe.

Cuối cùng chị Thái Hà cũng không quên nhấn mạnh với các nhà tuyển dụng và các bạn trẻ: "Suy cho cùng, phỏng vấn và đánh giá ứng viên là quá trình tìm tới sự phù hợp. Mà sự phù hợp cần đến từ cả hai phía."

https://afamily.vn/chuyen-la-khi-nha-tuyen-dung-noi-ve-the-he-nhan-vien-tre-nhay-viec-co-phai-la-bat-loi-20220308160203851.chn

Theo Nguyễn Khánh An

Trí thức trẻ

Trở lên trên