MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện người Việt mua hàng hiệu "xách tay" và cái khó của các thương hiệu xa xỉ dù coi Việt Nam là "mỏ vàng"

Ngay cả đối với những thương hiệu xa xỉ hàng đầu, việc kinh doanh ở Việt Nam cũng không thuận buồm xuôi gió. Nhiều người trong số họ đã thất bại.

Kể từ khi bắt đầu mở cửa hàng các cửa hàng đa thương hiệu cao cấp vào năm 2007, Giám đốc điều hành của GlobalLink Co. Ltd, Trần Thị Hoài Anh, đã mang Balenciaga, The Row và Celine đến với người Việt.

"Sự khao khát đối với hàng hiệu đang thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh", Hoài Anh nói. 

Việt Nam từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, cách đây chưa đầy 30 năm, nhưng mọi thứ đang thay đổi. GDP quý 3 năm 2019 là 7,31%, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. 

Chuyện người Việt mua hàng hiệu xách tay và cái khó của các thương hiệu xa xỉ dù coi Việt Nam là mỏ vàng - Ảnh 1.

Việt Nam cũng có quy mô dân số trẻ nhất và có giáo dục vào nhóm cao ở châu Á, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để trở thành một thị trường tiềm năng cho hàng hiệu.

Bên cạnh việc tập trung vào thị trường lớn như Trung Quốc và Nhật Bản, các thương hiệu châu Âu bắt đầu để mắt đến Việt Nam. Nhưng giống như bất cứ nơi nào khác, làm quen với thói quen mua sắm của người địa phương và các đặc điểm thị trường là rất quan trọng trong kinh doanh.

Theo Boston Consulting Group, 16% dân số Việt Nam sẽ giàu có vào năm 2030, so với chỉ 5% vào năm 2018. Công ty tư vấn này định nghĩa sự giàu có nói trên bằng sức mua của người dùng và xu hướng mua nhiều loại hàng hóa và dịch vụ cao cấp.

"Tầng lớp trung lưu mới rất có ý thức về vị thế kinh tế xã hội", Long Nguyễn - nhà tư vấn sáng tạo người Mỹ gốc Việt và đồng sáng lập tạp chí Flaunt nói. "Hàng hiệu giúp họ khẳng định vị thế xã hội của mình".

Ngân hàng Thế giới ước tính khoảng 60% dân số Việt Nam vẫn sẽ ở mức dưới 35 tuổi vào năm 2035 - trẻ hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào. Điều đáng chú ý là, giống như Thái Lan, người trẻ Việt Nam cũng đang đẩy mạnh thanh toán số, và điều đó có lợi cho các thương hiệu xa xỉ.

"Chúng tôi đã đạt được một bước ngoặt", Hoài Anh nói, "Chúng tôi bắt đầu thấy một thế hệ sinh viên Việt Nam xuất thân từ những gia đình giàu có, ra nước ngoài học tập, lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ và trở về Việt Nam. Họ có sức mua rất lớn và sắp đến tuổi bắt đầu kiểm soát công việc kinh doanh của gia đình. Các thương hiệu đã tìm ra những cách mới để khai thác nhóm nhân khẩu học này".

"Tôi có những khách hàng đã mua áo phông trơn giá 1.000 USD, chỉ vì họ thích" - Hoài Anh nói.

Chuyện người Việt mua hàng hiệu xách tay và cái khó của các thương hiệu xa xỉ dù coi Việt Nam là mỏ vàng - Ảnh 2.

Ngay cả đối với những thương hiệu xa xỉ hàng đầu, việc kinh doanh ở Việt Nam cũng không hẳn sẽ thuận buồm xuôi gió. Nhiều người trong số họ đã thất bại.

Giá cả là một nguyên nhân. Hầu hết người Việt vẫn mua hàng hiệu của họ khi đi nghỉ ở nước ngoài tại các thành phố như London và Paris, do thuế nhập khẩu tại quê nhà đã lên tới 30-45%. Hiện nay, Hoài Anh cho biết giá tại Việt Nam đắt hơn khoảng 10-15% so với các thành phố khác trên toàn cầu. 

"Hầu hết người giàu đều đi du lịch, hầu như mỗi tuần hoặc mỗi tháng", cô nói. "Những người kinh doanh thực thụ, những người làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, họ không mua hàng hiệu ở Việt Nam, họ mua nó ở nước ngoài".

Thậm chí đối với những người không có điều kiện đi du lịch nước ngoài, cũng sẽ mua hàng hiệu "xách tay" thay vì ra cửa hàng ở Việt Nam. Có nhiều người ra cửa hàng xem, chọn, thử,... rồi về nhà đặt mua hàng trên mạng.

Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi. Vào tháng 6, Ủy ban châu Âu và Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), điều này sẽ củng cố quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên. Các thương hiệu của châu Âu được hưởng lợi từ hàng nhập khẩu gần như miễn thuế khiến giá của một chiếc túi Dior ở Việt Nam rẻ ngang với Paris.

Hoàng An

Business of Fashion

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên