Chuyển nợ xấu thành vốn góp: Có còn phù hợp
Chuyển nợ xấu thành vốn góp là hình thức đã được một số TCTD áp dụng để thu hồi nợ, và hiện đang là một trong các phương án nằm trong giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Nhưng chỉ với một vài trường hợp thực hiện cho thấy đây chưa phải là phương án được ưa chuộng. Hơn nữa, trong thời điểm Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, cho phép Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam và các NHTM được thu hồi, bán tài sản đảm bảo (TSĐB) đối với các khoản nợ xấu, thì phương án hoán đổi nợ xấu thành vốn góp lại càng không phù hợp.
Vẫn chưa rõ ràng
Tháng 6-2007, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC-thuộc Bộ Tài chính) đã xử lý tài chính và nắm giữ 50% cổ phần Sadico Cần Thơ sau khi công ty thua lỗ nặng nề, mất khả năng thanh toán nợ. 4 năm sau khi DATC chuyển nợ xấu thành vốn góp để tái cấu trúc, hoạt động kinh doanh của Sadico Cần Thơ đã khôi phục và tăng trưởng trở lại. DATC cũng tham gia tái cấu trúc nợ và chuyển đổi sở hữu tại một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là CTCP Mía đường Kon Tum vào tháng 7-2008, giúp tình hình tài chính của công ty cải thiện về chất và lượng.
Chủ trương tái cơ cấu nợ xấu thông qua việc chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu cũng là một trong những giải pháp để xử lý nợ xấu nhưng vấn đề là có thực hiện được giải pháp hay không. Vì giải pháp này đòi hỏi các NH phải có năng lực tài chính rất lớn. Hơn nữa, nếu tình trạng nợ lớn và quá xấu, NH không thể chuyển nợ xấu thành vốn góp cho DN được vì cổ đông sẽ không đồng ý để NH đầu tư vào DN đó.
TS. TRẦN DU LỊCH
Ngoài ra, VietinBank cũng chuyển số nợ vay 5.000 tỷ đồng của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần tại các cảng thành viên khi tiến hành cổ phần hóa. Tương tự, ACB mua lại 12,6 triệu cổ phần của CTCP vận tải biển Việt Nam, đơn vị thành viên của Vinalines.
Tuy nhiên, quy định chuyển nợ xấu thành vốn góp vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn, nên năm 2016 NHNN đã lấy ý kiến để xây dựng những quy định cụ thể chuyển đổi nợ xấu thành vốn góp.
Cụ thể, dự thảo hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các TCTD đã thiết kế một mục riêng quy định về việc hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần của các TCTD tại DN đối với nợ thuộc nhóm 5, hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro; tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của NH. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin mới về hướng dẫn thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp.
Thế nhưng, trong các phương án xử lý nợ xấu được nêu trong Đề án cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020: Đối với nợ xấu của DNNN, đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm xác định định hướng hoạt động của DN để có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó xử lý dứt điểm TSĐB của khoản nợ (nếu có); trường hợp tiếp tục duy trì hoạt động thì cho phép TCTD chuyển nợ thành vốn góp, hoặc bổ sung nguồn vốn cho DN để có nguồn trả nợ TCTD.
Trong công văn trả lời chất vấn đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng vào ngày 10-1-2018, Chính phủ cũng nhắc lại, trường hợp DNNN kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ, NH thực hiện thu nợ/siết nợ sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có các giải pháp xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ thành vốn góp, bổ sung nguồn vốn để có nguồn trả nợ TCTD… như Đề án 1058 đã nêu.
Đầu tháng 3 năm nay, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN thông tin, trong một dự thảo mới đây, NHNN cũng lấy ý kiến về việc cho phép các TCTD hoán đổi nợ xấu thành cổ phần tại DN.
Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C sẽ đưa ra đấu giá công khai theo Nghị quyết 42.
Ngày càng khó khả thi
Ngày 29-3, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã chính thức thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản công trình cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (Sài Gòn One Tower) địa chỉ tại 34 Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM. Đây là TSĐB đầu tiên bị thu hồi để xử lý nợ xấu theo trình tự quy định tại Điều 7 Nghị quyết 42.
Trước đó, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ từ một số TCTD đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: CTCP Sài Gòn One Tower (trước đây là CTCP Địa Ốc Sài Gòn M&C), CTCP Đầu tư Liên Phát, CTCP Tư vấn đầu tư và xây dựng Minh Quân, CTCP Tân Superdeck M&C, tổng dư nợ bao gồm gốc và lãi của nhóm khách hàng này trên 7.000 tỷ đồng. Hiện giá khởi điểm đấu giá dự kiến được VAMC đưa ra 6.110 tỷ đồng.
Năm 2017, trong quá trình bán 3 tài sản khủng là các lô đất tại Long An để thu hồi khoản nợ liên quan đến nhóm ông Trầm Bê, Sacombank rao giá bán ban đầu 10.000 tỷ đồng, nhưng không tìm được người mua sau đó đã giảm về mức 9.200 tỷ đồng và đã bán thành công. Đầu năm nay, Sacombank đã thu hồi và xử lý hàng loạt tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng của ông Phạm Công Danh và vợ là bà Quách Kim Chi. Tại các NH khác, hoạt động thu hồi và bán đấu giá TSĐB cũng diễn ra rầm rộ.
Từ trường hợp bán TSĐB của Sacombank và chuẩn bị bán đấu giá TSĐB của VAMC cho thấy, Nghị quyết 42 đã thẩm thấu nhanh, các đơn vị đã mạnh tay áp dụng để thu hồi nợ xấu nhanh nhất. Từ đó, lãnh đạo một số NHTM nhận định, hoán đổi nợ xấu thành cổ phần tại các DN là giải pháp bất đắc dĩ trước đây của các NH để thu hồi nợ, và hiện nay càng không phải là giải pháp phù hợp để lựa chọn khi các NH đang xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, thu hồi và bán TSĐB để thu nợ nhanh nhất. Hơn nữa, NHNN hiện nay quy định khắt khe về tỷ lệ an toàn vốn, nên các NH chú trọng tìm nguồn tăng vốn thay vì đầu tư ra bên ngoài.
Đáng chú ý, trong các trường hợp rơi vào nợ xấu, có rất nhiều trường hợp có TSĐB được định giá cao hơn giá trị thật, nếu hoán đổi tức là TCTD phải chịu nhận cổ phần với giá trị cao hơn giá trị thật. Như dự kiến của NHNN, NH chỉ được thực hiện đối với nợ nhóm 5, tức là khoản nợ mất khả năng chi trả, nếu hoán đổi tức là NH phải đầu tư vào những DN thua lỗ, tài sản bị cầm cố sẽ khó có sự đồng tình từ cổ đông và niềm tin của khách hàng.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM nhận định, đối với việc xử lý nợ xấu, mở rộng giải pháp là cần thiết, nhưng việc chuyển các món nợ khó đòi của NH thành cổ phần tại DN đó vẫn là giải pháp khó khả thi nhất. Bởi các NH đã tiến hành cho vay, khi vào tiếp quản thành cổ đông của DN đó chưa chắc đủ khả năng quản lý, vì không đủ sức am hiểu ngành hàng, từng lĩnh vực.
Sài Gòn Đầu tư