MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện ở Daechi-dong: Khi sự học của con là mục tiêu cuộc đời của các bà mẹ trực thăng

28-02-2023 - 09:35 AM | Sống

Đặt chân đến Daechi-dong - mảnh đất màu mỡ ươm mầm ước mơ vào đại học cho con của cha mẹ Hàn Quốc, có lẽ bạn sẽ được trải nghiệm bộ phim 'Sky Castle' ngoài đời thật.

"Đang là kỳ nghỉ ở trường, nên cháu đến đây hàng ngày. Nếu sớm thì bắt đầu từ 9 giờ sáng, nếu muộn thì là 9 rưỡi sáng. Bao giờ xong ấy ạ, tùy từng ngày, nhưng phần lớn mọi ngày là 10 giờ đêm đến 12 giờ đêm (vào Chủ nhật là muộn nhất)".

"Ngày dài quá nhỉ?".

"Vâng đúng ạ. Phần lớn học sinh ở Daechi đều thế nên cháu cũng phải vậy".

Đó là đoạn hội thoại giữa Sang Woo, một học sinh trung học cơ sở ở Seoul với YouTuber iGoBart trên đường phố Daechi-dong, một khu của Gangnam (Seoul, Hàn Quốc), được mệnh danh là "thánh địa học tập" của xứ sở kim chi.

Chuyện ở Daechi-dong: Khi sự học của con là mục tiêu cuộc đời của các bà mẹ trực thăng - Ảnh 1.

Sang Woo trong một quán cà phê ở Daechi-dong.

Trừ đi thời gian nghỉ ngơi và di chuyển, học sinh ở Daechi dành từ 11 tới 12 tiếng/ngày cho việc học. Cũng theo chia sẻ của Sangwoo, việc học ở đây gần như không có ngày nghỉ nên cuộc chạy đua này còn cam go hơn cả áp lực làm việc mà dân văn phòng điển hình ở Hàn Quốc phải trải qua.

Với hơn 1.000 "hagwon" (từ tiếng Hàn chỉ những học viện tư chuyên luyện thi cho học sinh), "lò luyện gà" Daechi sản sinh ra nhiều sinh viên tiềm năng cho "SKY" - 3 trường đại học hàng đầu Hàn Quốc là Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei. Áp lực chạy đua ở Daechi-dong có một điểm độc đáo là ở chỗ không chỉ các em học sinh trực tiếp tham gia, mà các bà mẹ còn nhiệt tình không kém các con.

Cuộc đua "SKY" của các bà mẹ trực thăng

Năm 2021, tổng chi tiêu cho giáo dục tư nhân ở Hàn Quốc là hơn 23,4 nghìn tỷ won (gần 426 nghìn tỷ đồng), theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc và Bộ Giáo dục nước này. Có ý kiến cho rằng tổng chi tiêu thực tế có thể còn lớn hơn, bởi vì chi tiêu bằng tiền mặt không được ghi lại.

Trong một cuộc khảo sát của KEDI (Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc) vào năm 2020, 94,3% phụ huynh có con học tiểu học, trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông trả lời rằng họ cảm thấy gánh nặng tài chính khi gửi con đi học hagwon hoặc dạy kèm.

Nhưng không vì thế mà họ thấy nản hay dừng lại.

Sau hơn 2 thập kỷ thăng tiến trong công ty, Park, một bà mẹ 48 tuổi, đã từ bỏ vai trò điều hành 2 năm trước để ở nhà nội trợ.

Lý do rất đơn giản: Để quản thúc 2 cô con gái, một đang học cấp 2 và một học lớp 10 tại "chiến địa kiến thức" Daechi.

"Đó là nơi diễn ra 'Sky Castle'. Các bà mẹ từ bỏ thời gian và tiền bạc để con vào được trường đại học nổi tiếng bắt đầu từ tiểu học", bà Park nói, đề cập đến bộ phim truyền hình nổi tiếng nói về tham vọng tiến thân bằng học vấn cho các con của phụ huynh Hàn.

Chuyện ở Daechi-dong: Khi sự học của con là mục tiêu cuộc đời của các bà mẹ trực thăng - Ảnh 2.

"Một số gia đình thậm chí chuyển đến Daechi-dong chỉ vì mục đích giáo dục – đó là mức độ ám ảnh của các mẹ". Xác nhận thông tin này, một sinh viên của SNU nói với tờ JoongAng: "Gia đình tôi chuyển đến Daechi-dong khi tôi học cấp hai. Chỉ vì hagwon mà chúng tôi chuyển đến đó - sau khi em trai tôi học xong trung học, chúng tôi lại chuyển đi. Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người ở SNU đã từng đến hagwon ở Daechi-dong vào một thời điểm nào đó".

Việc chuyển đi không có gì khó hiểu vì Daechi có giá sinh hoạt thuộc dạng đắt nhất Hàn Quốc và nằm ngay trung tâm "khu nhà giàu" Gangnam, theo JoongAng.

Park tâm sự rằng bà nghỉ việc vì "cảm giác tội lỗi của một người mẹ đi làm" khiến bà không thể quan tâm đầy đủ đến việc học hành của các con gái. Trong nhiều năm, bà từng nghĩ mình sẽ không bao giờ là một trong những "bà mẹ Daechi" từ bỏ sự nghiệp vì con cái, vì cuộc sống doanh nghiệp của bà cũng rất quan trọng.

Tuy nhiên, khi các con lớn lên và bắt đầu đối mặt với thực tế cạnh tranh tuyển sinh khắc nghiệt, bà nói rằng niềm tự hào của bà với tư cách là một giám đốc điều hành trong thế giới kinh doanh do nam giới thống trị đã phai nhạt mỗi khi bà thấy các con mình phải vật lộn.

Và bây giờ, với tư cách là một người mẹ toàn thời gian, lịch trình mỗi ngày của bà Park là lịch trình của các con.

Chuyện ở Daechi-dong: Khi sự học của con là mục tiêu cuộc đời của các bà mẹ trực thăng - Ảnh 3.

Bà thức dậy lúc 6:30 sáng để đưa con đến trường và làm việc nhà vào buổi sáng. Vào buổi chiều, bà chuẩn bị bữa ăn cho họ khi họ trở về nhà, đưa họ đến hagwon vào khoảng 4 hoặc 5 giờ chiều. và đón họ lần nữa lúc 10 giờ tối. Trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, bà lái xe đưa các con đến một hagwon học thêm rồi chuẩn bị 3 bữa ăn. Một ngày của Park chỉ kết thúc khi các con đi ngủ.

Những lúc rảnh, Park đi dự các hội thảo giáo dục và giao lưu cùng các bà mẹ đồng cảnh.

Theo Park In-yeon, giảng viên tại kênh truyền hình giáo dục EBS và là người đứng đầu một học viện giáo dục địa phương, cơ hội để trẻ em vào các trường đại học hàng đầu là rất thấp nếu không có mẹ ở bên cạnh. Ông nói thêm, bên cạnh việc giáo dục con cái, các bà mẹ cũng phải tạo ra một hồ sơ xét tuyển đại học tốt.

"Vì nhiều bà mẹ ở Daechi-dong là những bà mẹ trực thăng, những người quá tập trung vào việc học hành của con cái, nên các bà mẹ có xu hướng chọn con cái hơn là công việc", Park nói.

Oh Myeong-jin, mẹ của hai cô con gái học lớp 7 và lớp 10, cũng đi theo con đường tương tự Park vào năm ngoái.

Chuyện ở Daechi-dong: Khi sự học của con là mục tiêu cuộc đời của các bà mẹ trực thăng - Ảnh 4.

Gác công việc nghệ nhân thủy tinh sang một bên, người phụ nữ 42 tuổi này chọn cách xây dựng hồ sơ cá nhân vững chắc để con gái mình được tuyển vào đại học. Cô dự định cho con gái vào đại học thông qua tuyển sinh sớm, chỉ dựa trên hồ sơ mà học sinh xây dựng từ điểm số và các hoạt động ngoại khóa.

"Trước đây tôi từng là học sinh và tôi biết việc chuẩn bị vào đại học khó khăn như thế nào. Đó là điều mà trẻ em không thể làm một mình. Nếu một người mẹ không ở đó vì con cái của họ, thì ai sẽ giúp chúng đây?", Oh nói.

"Có một sự thật phũ phàng rằng bằng đại học quyết định địa vị xã hội ở Hàn Quốc. Để các con có cơ hội bước vào giới thượng lưu và có những công việc văn phòng – đó là điều mà các bà mẹ ở Daechi-dong đang phấn đấu.

Đó là một trò chơi thắng thua. Bạn thắng nếu con bạn vào SKY. Bạn thua nếu con bạn không làm được".

Ít nhất là ở Daechi-dong, nuôi dạy con cái có thể là một công việc căng thẳng nhưng có tác động rất lớn đến giá trị cá nhân của phụ huynh, đó là lý do tại sao các bậc cha mẹ sẵn sàng từ bỏ công việc của mình, Oh lưu ý.

"Bạn sống ở đâu, bạn tốt nghiệp trường nào hay công việc của bạn không quyết định thành công của bạn, nhưng thành tích học tập của con bạn thì có. Xuất sắc ở trường mang lại cho mẹ vinh quang và niềm tự hào".

Tại sao lại là Daechi-dong?

Từ một vùng nông thôn của tỉnh Gyeonggi, Daechi-dong, giống như những khu vực lân cận tại Gangnam trở thành một khu vực đô thị phát triển phần lớn nhờ chính sách của chính phủ Hàn Quốc.

Theo Korea Herald, vào những năm 1960, bờ bắc sông Hán của Seoul gặp tình trạng "bùng nổ dân số" do người dân đổ xô tới làm việc trong quá trình công nghiệp hóa thần tốc. Để giảm bớt áp lực dân số cho khu vực này, chính quyền Seoul xây dựng hàng loạt khu phức hợp chung cư ở phía Nam sông Hán - một phần là Gangnam ngày nay trong thập niên 70.

Chuyện ở Daechi-dong: Khi sự học của con là mục tiêu cuộc đời của các bà mẹ trực thăng - Ảnh 5.

Chính phủ Hàn yêu cầu các trường học danh giá chuyển về phía Nam sông Hán để thu hút thêm dân cư vào những năm 70 (logo màu vàng là trường Trung học Whimoon).

Nhưng xây chung cư là chưa đủ. Để thu hút đông đảo người dân chuyển tới phần phía Nam của thành phố, chính phủ thuyết phục các ngôi trường cấp 2 và cấp 3 danh giá chuyển về Daechi-dong. Trong số đó phổ biến nhất có lẽ là trường Trung học phổ thông Whimoon, một trong những ngôi trường cấp 3 cổ nhất Hàn Quốc ra đời năm 1901.

Chỉ với diện tích 3,53km2, Daechi-dong đã là nhà của khoảng 12 ngôi trường danh tiếng, từ Whimoon tới trường trung học nam sinh Dankook của Đại học Dankook...

Điều tất yếu xảy ra sau đó là hàng loạt trung tâm luyện thi, giáo dục tư nhân mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các gia đình có con trong độ tuổi đi học tại đây. Danh tiếng của các trung tâm đào tạo và trường tư tại Daechi-dong nhanh chóng vươn lên đỉnh cao vào những năm sau này.

Nỗi lo của các chuyên gia

Học phí hàng tháng cho mỗi môn học tại một hagwon là khoảng 1 triệu won (18 triệu đồng) cho học sinh trung học và khoảng 3 triệu won (54 triệu đồng) cho học sinh gặp khó khăn trong học tập và phải học với gia sư - gần tương đương với học phí hàng năm tại các trường quốc tế.

Xác nhận tâm lý của bà mẹ Oh Myeong-jin, Lim Myung-ho, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, cho biết con cái là nguồn chính mang lại sự hài lòng trong cuộc sống cho các bà mẹ.

"Sự thành công trong học tập của một đứa trẻ - mục tiêu của nhiều bà mẹ - là một yếu tố có thể khiến các bà mẹ cảm thấy mình đã thành công với những gì họ đã làm. Đó cũng là sự đền đáp mà họ muốn từ con cái vì đã hy sinh sự nghiệp của họ", Lim nói.

Chuyện ở Daechi-dong: Khi sự học của con là mục tiêu cuộc đời của các bà mẹ trực thăng - Ảnh 6.

Mức độ hài lòng đạt đến đỉnh điểm khi con cái vào đại học, nhưng Lim chỉ ra rằng hội chứng tổ ấm trống trải có thể ập đến sau đó.

Hội chứng tổ ấm trống trải (Empty Nest Syndrome) là một hiện tượng tâm lý xã hội phổ biến, thường xảy ra khi con cái lớn lên rời nhà ra nơi riêng của mình hoặc đi học xa, để lại cha mẹ sống một mình. Cảm giác cô đơn, buồn bã, trống vắng sẽ xuất hiện và làm cho cha mẹ cảm thấy bất an, tuyệt vọng, thất vọng và không biết phải làm gì.

Hội chứng tổ ấm trống trải không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của cha mẹ mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, cảm giác mất mát, sự cô đơn và sự mất tự do. Họ có thể cảm thấy như mình bị bỏ rơi, không còn giá trị, không có mục đích cuộc sống, không còn người để chăm sóc và yêu thương.

"Sau khi một đứa trẻ vào đại học, hoặc một người mẹ đã hoàn thành mục tiêu của mình, phụ nữ có xu hướng đối mặt với nhiều loại cảm xúc khi cuộc sống có mục tiêu của họ kết thúc. Trong hầu hết các trường hợp, nhiều người trong số họ cảm thấy khó đối mặt vì họ không có công việc hoặc sở thích".

Nỗ lực giáo dục cho con kéo dài một thập kỷ đối với Kwak, một phụ nữ ở độ tuổi 50.

"Công việc gia đình, bao gồm cả việc nuôi dạy con cái, là lãnh địa của tôi khi con trai tôi còn là học sinh. Hồi đó tôi có một cuộc sống bận rộn, làm mẹ của một đứa trẻ thông minh và đạt điểm cao ở trường", bà giãi bày.

"Nhưng bây giờ, tôi là một người mẹ đã có con vào Đại học Hàn Quốc từ năm 2018. Sau khi đạt được mục tiêu cả đời là cho con học ở một trường danh tiếng, tôi nhận ra rằng không có gì cho mình làm nữa".

Huh Chang-deog, Giáo sư xã hội học tại Đại học Yeungnam, coi phụ nữ rời khỏi nơi làm việc để hỗ trợ việc học hành của con cái họ là một mất mát xã hội.

"Trước khi được gọi là mẹ của ai đó, các bà mẹ đều có cuộc sống riêng của mình với tư cách là phụ nữ và người có sự nghiệp. Hy sinh công việc của họ cho con cái có phải một quyết định khôn ngoan? Tôi không nghĩ vậy", Huh nói.

"Trẻ con có cuộc sống của chúng, và các mẹ cũng vậy. Đó là hai điều tách biệt, nhưng các bà mẹ thường quên điều đó. Bỏ việc là lựa chọn của họ, nhưng tôi khuyên họ đừng từ bỏ và hy sinh mọi thứ cho con cái vì cuối cùng, họ đã đánh mất một phần lớn cuộc đời của chính mình".

Không phải cha mẹ nào cũng "phát cuồng" vì Daechi-dong

Một điều cần lưu ý là với những gia đình dư giả ở Hàn Quốc, đại học trong nước không còn là lựa chọn duy nhất. Chia sẻ với iGoBart, Kyung Hyun, một nữ sinh tại Đại học Sungkyunkwan và cũng là "dân bản địa" của Daechi cho biết bố mẹ cô không yêu cầu cô phải vào đại học bằng mọi giá nếu đó không phải điều cô muốn. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng như vậy và với đa số, áp lực vào được các trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc hoặc đi du học vẫn rất lớn.

Chọn du học hay học trong nước đơn giản là nằm ở điều kiện gia đình và lựa chọn của phụ huynh. Tất nhiên là với tầng lớp thượng lưu, những lựa chọn là đa dạng hơn và họ có thể gửi con du học từ sớm, cũng không quá ép con phải chạy đua điểm số.

Một người mẹ giấu tên ở Apgujeong-dong, khu nhà giàu "hàng xóm" của Daechi chia sẻ với tờ Chosun: "Ngay cả khi điểm số của con tôi hơi thấp, chúng tôi luôn có thể tìm kiếm các con đường khác. Ví dụ như gửi con đi du học. Tôi quan tâm đến giáo dục cho con, nhưng tôi không đủ đam mê để vào Daechi-dong".

Theo chuyên gia giáo dục Byeon Moon-kyung, các bậc cha mẹ thượng lưu cho con cái họ nhiều cơ hội học tập. Có tiền thì làm gì cũng được. Trên tất cả, sự khác biệt lớn nhất của họ là tư tưởng 'không nhất thiết phải học quá nhiều để thành công'. Cô kể:

Con của mẹ A. (giấu tên), sống ở Apgujeong-dong, học lớp trung học cơ sở. Học đại học ở-Seoul thì có thể, nhưng SKY dường như là quá khó. Mẹ A. nói: "Con tôi không phải lo lắng. Dù sao thì con bé cũng sẽ được gửi đi du học, vậy tại sao phải lo lắng về những điểm số vặt vãnh? Con bé nói được tiếng Anh, vì vậy không có quá nhiều vấn đề khi đi học ở nước ngoài. Tôi nghĩ (kể cả) con tôi thích nấu nướng cũng không sao, tôi có thể cho cháu đi học nấu ăn, sau khi ra trường có thể kinh doanh dịch vụ ăn uống".

Nhưng đó chỉ là thiểu số. Không phải ai cũng có thể chi trả cho việc đưa con đi học nước ngoài hoặc về tiếp quản doanh nghiệp. Trong đa số trường hợp, nếu mục tiêu là SKY hoặc một trường đại học hàng đầu, phụ huynh vẫn chọn Daechi-dong. Niềm tin phổ biến cho rằng Daechi-dong là môi trường giáo dục tốt nhất, dù không rõ tỉ lệ đỗ SKY của học sinh Daechi có cao hơn mặt bằng các khu vực khác hay không.

Theo Thạch Anh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên