[Chuyện thất bại] James Dyson: Edison thời hiện đại và bài học xương máu
James Dyson là nhà sáng chế nổi tiếng người Anh, giàu đến nỗi ông còn sở hữu nhiều đất hơn nữ hoàng (chỉ riêng phần tài sản này đã đáng giá 1,5 tỷ Bảng). Nhưng để đến được với thành công ngày hôm nay, ông cũng phải trải qua nhiều thất bại xương máu.
- 07-05-2017Cuộc đời khó tin của George Soros - Từ chàng trai liên tiếp thất bại khi đi xin việc đến "kẻ cắp NHTW"
- 26-04-2017Ban đầu chỉ dự định kiếm tiền đóng học phí, chàng trai trẻ 21 tuổi đã thu được 1 triệu USD nhờ ý tưởng độc đáo
- 06-04-2017Chàng trai 27 tuổi kiếm triệu đô trong 18 tháng nhờ… giao đồ ăn vặt
Ngài James Dyson là một nhà sáng chế nổi tiếng người Anh, người phát minh ra chiếc máy hút bụi không túi Dual Cyclone. Sáng chế của Dyson đã giúp cách mạng hóa máy hút bụi cùng với các thiết bị gia dụng khác trên thế giới.
Ông sáng lập ra công ty công nghệ Dyson với 4.000 nhân viên trên toàn thế giới, chuyên sản xuất các thiết bị gia dụng và bán tại 70 quốc gia. Là chủ tịch và là cổ đông duy nhất của công ty, ngài Dyson có tổng giá trị tài sản là 7,8 tỷ Bảng (10,05 tỷ USD), là một trong những người giàu nhất nước Anh.
Chàng sinh viên thiết kế và bài học cay đắng đầu đời
Dyson sinh ngày 2 tháng 5 năm 1947 tại Cromer, Anh. Ông theo học trường Nghệ thuật Byam Shaw trong một năm sau đó học thạc sỹ ngành thiết kế nội thất tại trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Hoàng Gia từ năm 1966 đến năm 1970. Khi còn là sinh viên, ông từng gặp và đề nghị giám đốc điều hành Rotork là Jeremy Fry đầu tư xây dựng một tòa nhà theo mẫu nhà hát London do ông thiết kế. Ông Fry từ chối nhưng thuê Dyson về làm trợ lý giúp mình chế tạo một tàu sân bay có tên Sea Truck. Và chàng sinh viên thiết kế tóc dài, mặc áo mưa tím được làm việc với thiết bị hàn lần đầu tiên. Ông nhận được 300 Bảng cho thiết kế của mình. (Rotork kiếm được hàng triệu Bảng Anh từ việc bán Sea Truck).
Năm 1971, Dyson và vợ mua một trang trại 300 năm tuổi ở Cotswolds và cũng như bất kỳ công trình lâu đời nào, cần đại tu lại. Vì tài chính có hạn, Dyson tự tay sửa sang ngôi nhà và rất bực mình khi dùng chiếc xe cút kít để chở vật liệu. Bánh xe lún xuống khi đi vào vùng đất mềm, thùng chứa tràn ra quá dễ dàng, thậm chí còn làm đầu gối thâm tím và móp cửa nếu lỡ đập vào.
Mất một năm nghiên cứu, cuối cùng ông cũng tìm ra cách nâng cấp chiếc xe, nổi bật nhất là thay bánh xe bằng một quả bóng và đặt tên phát minh của mình là Ballbarrow. Vì đây không phải là lĩnh vực của Rotork nên Dyson quyết định rời khỏi công ty để theo đuổi ý tưởng của mình.
Lúc đầu, nhà sáng chế trẻ thử mang sản phẩm của mình đến các cửa hàng bán đồ làm vườn nhưng không ai có hứng thú. Vì thế, ông tự lập ra một công ty nhận đặt hàng và bán trực tiếp cho khách hàng. Bằng cách này, ông bán được 45.000 sản phẩm một năm và công ty chiếm 50% thị phần xe cút kít.
Công ty nhanh chóng mở rộng và vì thiếu kinh nghiệm kinh doanh, Dyson quyết định thuê thêm một ban quản lý và một nhóm bán hàng chuyên nghiệp. Nhưng ông chưa kịp tận hưởng niềm vui vì sự phát triển của công ty thì tai họa ập đến. Vì hám lợi, một nhân viên ăn cắp thiết kế sản phẩm và bán cho một công ty sản xuất đồ nhựa của Mỹ tên là Glassco để sản xuất dưới nhãn hiệu của riêng mình. Quá sốc và tức giận, Dyson quyết tâm đấu tranh cho phát minh của mình, và mất hàng năm và hàng trăm ngàn USD theo đuổi các vụ kiện về bằng sáng chế. Thật không may là ông thua kiện và công ty bị chìm thêm vào nợ.
Chính vì nguyên nhân này, công ty mời thêm cổ đông để thêm tiền đầu tư và cuối cùng Dyson chỉ còn một lượng cổ phần nhỏ. Không những thế, hội đồng quản trị mất niềm tin vào Ballbarrow và quyết định đá ông ra khỏi công ty. Năm 1979, ông bị đuổi khỏi chính công ty mà mình sáng lập.
Không những thế, ông nhận ra mình mắc một sai lầm chết người. Hồi đầu, vì ngây thơ và thiếu kinh nghiệm, chàng sinh viên thiết kế đăng ký quyền sáng chế dưới danh nghĩa công ty và giờ đành ra đi với 2 bàn tay trắng.
Trong cuốn tự truyện Against the Odds (Chống lại số phận), Dyson chia sẻ:“Tôi mất hết quyền của chính phát minh mà mất bao công nghiên cứu mới tạo ra. Nó cũng giống như mất đứa con do mình sinh ra”.
Máy hút bụi và 5.126 thất bại
Suy sụp, chán nản, và ngập trong nợ nần ... nhưng Dyson không từ bỏ. Trong thời gian bán Ballbarrow, Dyson và vợ chuyển đến một căn nhà có sàn bằng gỗ và 2 người quyết định mua một máy hút bụi hàng đầu, Hoover Junior.
Tuy nhiên, Dyson rất thất vọng vì máy hút không tốt, và gần như bỏ đi khi túi đựng rác không còn mới và nghĩ ra ý tưởng máy hút bụi không túi. Khi vẫn còn ở công ty đầu tiên, ông từng đưa ra ý tưởng này với đồng nghiệp nhưng không ai quan tâm. Một thành viên hội đồng quản trị còn nói "James, ý tưởng của anh không hay đâu. Nếu có một loại máy hút bụi tốt hơn, thì Hoover hoặc Electrolux đã phát minh ra rồi".
Vì giờ không còn ai ngăn cản, ông quyết định theo đuổi ý tưởng của mình. Học theo nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edision ông kiên trì nghiên cứu, đập đi làm lại không biết mệt mỏi để chế tạo ra loại máy hút bụi không túi và có sức hút mạnh nhất. Mất 4 năm, thử đến 5.127 mẫu ông mới thành công với mẫu máy hút bụi khí cuốn không túi G-Force năm 1983.
May mắn vẫn chưa mỉm cười với Dyson! Trong 2 năm, ông đem sản phẩm giới thiệu đến hàng chục nhà sản xuất ở Anh, châu Âu và Mỹ nhưng đều bị từ chối. Công ty Hoover thậm chí còn không chịu nghe ông nói trừ khi ông ký một bản cam kết đồng ý rằng bất cứ điều gì nảy ra trong cuộc đối thoại đều thuộc về công ty này. Trong cuốn sách của mình, Dyson so sánh việc này như "một tên trộm viết thư thông báo với bạn rằng hắn sẽ đến ăn trộm nhà bạn". Trong khi đó, Electrolux nói rằng ông sẽ không bao giờ thành công trong việc bán máy hút bụi mà không có túi. (Túi dùng trong máy hút bụi được thiết kế để khách hàng phải liên tục đi mua và chỉ riêng bán túi cũng là một việc kinh doanh rất có lãi).
Amway, một công ty ở Michigan, Mỹ thậm chí còn đồng ý mua bản quyền nhưng khi lấy được thiết kế thì hủy hợp đồng và sau đó tự sản xuất. Dyson kiện Amway nhưng không thành công vì thiếu chứng cứ. Đến năm 1985, Dyson mới bán được giấy phép cho một công ty Nhật Bản tên Apex (công ty này bán G-Force với giá 2.000 USD), rồi sau đó cho một công ty Canada tên Iona. Lợi nhuận từ 2 thương vụ này đủ cho Dyson mở công ty Dyson Ltd. Trong vòng 2 năm, Dyson đã vượt mặt Hoover ngay tại thị trường Anh.
Tiếp đó là máy hút bụi robot trị giá 1.000 USD (17 năm, 1.000 mẫu thử) và gần đây nhất là máy sấy tóc siêu âm 400 USD (4 năm, 600 mẫu), được tung ra vào tháng 9/2016. Nhờ bài học xương máu đầu đời, Dyson tự đăng ký bằng sáng chế cho các sản phẩm mình làm ra.
Tính đến 2015, Dyson làm ra 58 sản phẩm, mang về 2,4 tỷ USD doanh thu và ước tính 340 triệu USD lợi nhuận ròng, ngay cả sau khi tái đầu tư 46% vào R&D (nghiên cứu và phát triển). Nhà sáng chế 70 tuổi đang có kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu USD để phát triển ít nhất 100 sản phẩm mới vào năm 2020. Ông không coi mình là một doanh nhân mà chỉ là một kỹ sư thiết kế luôn nỗ lực làm ra những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.