Chuyện tối thứ 4: Adidas - Puma - mối thù gia tộc và những câu chuyện về cuộc chiến thương hiệu
Vẫn luôn có ai đó tận dụng các cơ hội mà những người khác bỏ qua. Thật không may là khi bạn quyết định nắm bắt cơ hội thì nó đã không còn ở đó nữa.
- 12-11-2017Chuyện cuối tuần: Bạn chọn khởi nghiệp theo hướng nào? Mở quán cafe, quán nước hay thậm chí là trò chơi...
- 05-11-2017Chuyện cuối tuần: Làm gì khi nhân viên xin nghỉ việc hàng loạt?
- 29-10-2017Chuyện cuối tuần: "Muốn bắt cần thả" và triết lý hạn chế trong kinh doanh
- 25-10-2017Chuyện tối thứ 4: Phải luộc con ếch như thế nào? Đơn giản thôi - nhưng rất thú vị!
- 18-10-2017Chuyện tối thứ 4: Khi mỗi nhân viên đều là những quân Domino - bạn chỉ cần sắp họ đúng vị trí
- 11-10-2017Chuyện tối thứ 4: Từ chuyện vị CEO của "xăng dầu Nhật Bản" cúi chào khách đến chuyện "cơ hội không phải là cái quạt nan"
Trong lịch sử, cũng như hiện tại, chúng ta từng biết đến rất nhiều mối thù gia tộc nổi tiếng. Nổi tiếng, bởi những người liên quan đều là những người danh tiếng; nổi tiếng, bởi những ảnh hưởng của nó lan rộng khiến không chỉ những người liên quan, mà rất nhiều người ở nhiều nơi khác nhau biết đến và thậm chí bị ảnh hưởng.
Mối thù kéo dài hơn 10 năm giữa 2 anh em tỷ phú Ấn Độ Muskesh Ambani và Anil Ambani
Ví dụ, mối thù gia tộc nổi tiếng kéo dài hơn 10 năm giữa 2 anh em tỉ phú người Ấn Độ Muskesh Ambani và Anil Ambani. Mối thù này chủ yếu xuất phát từ sự bất đồng trong việc điều hành kinh doanh tập đoàn Reliance do cha của 2 ông, ông Dhirubhai, để lại.
Anh em tỉ phú Muskesh Ambani (phải) và Anil Ambani.
Mukesh và Anil được người cha đào tạo trở thành chuyên gia trong 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau: Mukesh là chuyên gia về quản lý, còn Anil lại có tài trong lĩnh vực tài chính. Dưới sự dẫn dắt của người cha, cả 2 đã hỗ trợ tích cực cho nhau, giúp Tập đoàn Reliance phát triển.
Năm 2002 người cha chết đi, và cái chết của ông đã tạo ra mối hận thù giữa 2 anh em khi ông Dhirubhai quyết định không làm di chúc. Khi người cha không còn, tài năng khác nhau của 2 anh em lại trở thành điểm xung khắc trong điều hành công ty. Cuộc chiến kéo dài, cho mãi đến năm 2005, người mẹ can thiệp, để 2 anh em chia cắt Tập đoàn Reliance làm đôi: Mukesh nắm quyền kiểm soát Reliance Industries chuyên về năng lượng, trong khi Anil nắm Reliance Communications chuyên về viễn thông, dịch vụ tài chính và các lĩnh vực liên quan đến năng lượng.
Mãi đến 5 năm sau, cũng chính người mẹ đã một lần nữa thành công, khi giúp 2 anh em xích lại gần nhau hơn bằng một thỏa thuận đình chiến, và sau đó là những vụ hợp tác làm ăn nhỏ.
Trên con đường cao tốc của cuộc đời, chúng ta thường nhận ra hạnh phúc từ gương chiếu hậu. Do vậy, điều quan trọng không phải ở vị trí ta đang đứng mà ở hướng ta đang đi.
Cuộc chiến gia tộc không phải là hiếm trên thế giới khi những Tập đoàn gia đình ngày một nhiều. Sẽ là sức mạnh nhân đôi khi cả gia đình cùng hòa hợp, tuy nhiên, một khi đã có xung đột cuộc chiến sẽ thật khủng khiếp và ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong gia tộc mà cả những lĩnh vực khác nhau.
Nếu xuất hiện những "người quản lý xung đột" tốt như bà mẹ của 2 tỷ phú Ấn Độ kia, cuộc chiến mới có thể đi đến cái kết tốt đẹp, dù ảnh hưởng của nó không thể xử lý hết ngay. Lần thứ nhất, người mẹ đã nhượng bộ, đã đi nước cờ nhanh trong lúc khủng hoảng để 2 anh em chia tách. Lần thứ 2, một lần nữa, khi thời cơ đến, người mẹ lại tạo được cơ hội đình chiến, tiến tới sự hợp tác của 2 anh em.
Mối thù kéo dài 60 năm của 2 anh em ông chủ thương hiệu giày Adidas và Puma
Mối thù của 2 anh em tỷ phú Ấn Độ dẫu sao cũng đơn thuần hơn trong chuyện kinh tế. Còn cuộc chiến giữa 2 anh em nhà Dassler, gia đình đã sáng lập nên 2 thương hiệu giày nổi tiếng thế giới Adidas và Puma lại sâu rộng hơn nhiều, tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều, và kéo dài tới 60 năm. Thậm chí đã biến thị trấn nơi họ sinh ra trở thành 2 chiến tuyến khốc liệt. Mối thù này cũng "giúp" Adidas và Puma “vinh dự” giành vị trí thứ 20 trong danh sách 50 cuộc đối đầu trong kinh doanh lớn nhất mọi thời đại do Tạp chí Fortune bình chọn.
Câu chuyện bắt đầu từ thập niên 1920, khi 2 anh em trở thành đối tác làm ăn tại công ty Dassler Brother Sports Shoe Company. Nơi khai sinh ra công ty này là phòng giặt ủi của mẹ 2 người này ở thị trấn nhỏ Herzogenaurach của nước Đức.
Cá tính 2 người hầu như trái ngược nhau. Adolf (Adi) Dassler trầm lặng, ít nói, anh phụ trách khâu thiết kế và làm ra các đôi giày. Còn người anh Rudolph (Rudi) lại rất nóng nảy, anh phụ trách kinh doanh. Họ đã mời được vận động viên chạy nước rút người Mỹ gốc Phi Jesse Owens mang giày của họ khi hoàn thành chặng đua và giành 4 huy chương vàng tại Thế Vận hội Olympic năm 1936. Chiến thắng của Owens đã mở đường cho thương hiệu giày của 2 anh em ra thế giới.
Nhưng thành công này đã tạo ra những căng thẳng mới trong quan hệ của 2 anh em, vốn trước đó đã có nhiều bất hòa do hiểu nhầm trong giao tiếp và những mối quan hệ riêng tư trong gia đình.
Đến năm 1948, 2 anh em quyết định chia tách công ty. Adi đặt tên công ty là Adidas, ghép các ký tự đầu trong tên và họ của mình. Rudi cũng làm như thế, mới đầu anh đặt tên công ty là “Ruda” nhưng cuối cùng lại đổi thành tên Puma để nghe cho thể thao hơn. Trong quá trình chia tách, nhân viên được quyền chọn lựa theo "phe" nào.
Sau khi chia tách, họ đã xây dựng các nhà máy ở 2 bên bờ sông Aurach. Thị trấn Herzogenaurach bị chia tách làm đôi bởi hầu như mọi cư dân ở đây hoặc là làm cho adidas hoặc là Puma. Không những thế, cả thị trấn bị lôi vào cuộc chiến gia tộc Dassler, đến nỗi kể cả các doanh nghiệp, người buôn bán ở địa phương chỉ được “chơi” với hoặc người của Puma hoặc Adidas. Các cuộc hẹn hò hay cưới xin giữa người ở 2 công ty cũng bị nghiêm cấm.
Thậm chí, người dân nơi đây còn "ví von" rằng thị trấn Herzogenaurach là thị “thị trấn của những cái cổ cúi xuống”, vì điều đầu tiên người dân ở thị trấn làm là nhìn xuống chân của người đối diện xem người đó đi nhãn hiệu giày của bên nào trước khi quyết định có tiếp chuyện hay không. Tuy thế, cuộc chiến này lại giúp thị trấn phồn thịnh, kinh tế phát triển, dân chúng có việc làm ổn định.
Tuy nhiên, do quá lo cạnh tranh với nhau mà họ đã bỏ quên mất một đối thủ Nike - Nike đã nhân cơ hội dần thống lĩnh thị trường giày thể thao, bỏ xa Puma và Adidas.
Vẫn luôn có ai đó tận dụng các cơ hội mà những người khác bỏ qua. Thật không may là khi bạn quyết định nắm bắt cơ hội thì nó đã không còn ở đó nữa.
Phải tới nhiều năm sau khi 2 nhà sáng lập Puma và Adidas mất đi, cuộc chiến kéo dài gần 1 thế kỷ giữa 2 công ty mới bắt đầu tạm lắng. Tháng 9/2009, các nhân viên của 2 công ty kỷ niệm việc chấm dứt mối thù hằn bằng một trận bóng giao hữu.
Không có "người quản trị xung đột" tốt can thiệp được, cuộc chiến giữa Adidas và Puma đã không có hồi kết có hậu. Cuộc chiến chỉ lắng lại khi 2 ông chủ chết đi, nhưng cho đến khi chết, 2 người vẫn là 2 thái cực. Xung đột của Adidas và Puma cũng đã để cho đối thủ lợi dụng, dần chiếm lĩnh thị trường và vượt lên dẫn trước.
Cuộc chiến giữa Nike, Adidas và Puma hiện tại đang rất khốc liệt. Tại các kỳ World Cup, cuộc chiến tài trợ trang phục và giành quyền quảng cáo giữa các nhãn hiệu này luôn diễn ra vô cùng gay cấn. Theo thống kê Trong 32 đội dự World Cup 2014, có 10 đội sử dụng trang phục của Nike, 9 đội mặc trang phục tài trợ của Adidas và 8 đội sử dụng nhãn hiệu đến từ Puma.
Kỳ World 2018 đang đến gần, ngoài sự chờ đợi các màn trình diễn đến từ những đội bóng yêu thích, nhiều người còn dành sự quan tâm đến cả những thương hiệu sẽ hiện diện tại những đội bóng hàng đầu Thế Giới. Cuộc chiến này tuy thầm lặng hơn những trận bóng trên sân, nhưng cũng không hề kém phần khốc liệt.