Chuyện về "ông nội" trong trái tim học sinh Marie Curie: Từng là thầy hiệu trưởng nghèo, chỉ có duy nhất 1 bộ quần áo lành lặn đi dạy
Từng là người giáo viên nghèo nhất, chỉ có một bộ quần áo đi dạy, hiện nay thầy đã gây dựng nên cơ ngơi Marie Curie khang trang. Nhiều thế hệ học sinh của "ông nội" Khang hiện đã trở thành những người thành đạt trong cuộc sống.
Đến trường Marie Curie vào một buổi sáng mát lành, khi hỏi những bạn học sinh đang chơi bóng rổ trong trường phòng của thầy Khang ở đâu, các em bảo rằng: "Chú đi theo cháu, cháu dẫn lên phòng của ông nội".
Hiếm có trường nào học sinh gọi một người thầy, một người hiệu trưởng là "ông nội" như ở trường Marie Curie. Không đơn giản chỉ vì khoảng cách tuổi tác mà ở chính sự gần gũi của thầy dành cho những học sinh, những đứa con của mình. Những đứa trẻ ngây thơ ăn dở miếng bánh cũng sẵn sàng đưa phần còn lại cho thầy, đang uống cốc trà sữa cũng không ngại uống chung với thầy. Đơn giản vì với chúng, thầy là ông nội, là người thân, không còn sự ngại ngùng nào ở đây nữa.
"Ông nội" Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie.
Có lẽ những ngày qua, giữa bao câu chuyện không mấy hay ho của ngành giáo dục, bức thư cúi đầu xin lỗi của thầy Nguyễn Xuân Khang , hiệu trưởng trường Marie Curie như một bông hoa nhỏ vươn mình dậy trên mặt đất cằn cỗi. Vụ việc thuốc xịt muỗi không may xảy ra, bức thư xin lỗi của thầy Khang đã được mọi người đón nhận một cách rất tích cực. Mục đích viết thư lúc ấy của thầy không chỉ gửi lời xin lỗi mà còn để trấn an phụ huynh, ổn định tâm ý học sinh và cha mẹ vì thầy hiểu họ đang rất xót con mình.
Thư xin lỗi của thầy Khang được trường Marie Curie đăng tải - Ảnh: Marie Curie Hanoi School
Thầy bảo rằng: "Thầy xót chứ, xót lắm. Phụ huynh xót con 1, thì thầy xót 10. Vụ việc xảy ra, có 3 việc nhà trường cần khắc phục là đảm bảo sức khỏe của các em, xử lý môi trường và trấn an phụ huynh. 2 việc đầu thầy và các thầy cô khác đã làm xong. Bức thư chỉ đơn giản là một hình thức xin lỗi dư luận và phụ huynh. Nó hoàn toàn nằm gói gọn trong phạm vi nhà trường nhưng hiệu ứng của nó lại mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng".
Thầy không ngờ truyền thông và mạng xã hội lại chia sẻ nhiều như vậy. Thầy không dùng Facebook nhưng càng đọc những bình luận mà mọi người chụp lại gửi cho thầy, nước mắt thầy lại chảy dài.
"Sau cơn bão thường để lại hoang tàn đổ nát, nhưng với tôi và trường Marie Curie, sau cơ bão này chúng tôi nhận lại được một cánh đồng bất tận đầy hoa hồng ngát hương", thầy Khang tâm sự.
Đến gặp thầy, dù trong một ngôi trường khang trang, cơ sở vật chất hiện đại, đạt giải thưởng quốc gia về kiến trúc như Marie Curie nhưng phòng của thầy lại giản dị bất ngờ. Trong phòng chỉ có những bức hình thầy chụp với học sinh, những tấm thiệp học sinh tặng, không hề có bất kỳ tấm bằng khen hay huân huy chương nào. Sự giản dị đó còn toát ra từ chính con người thầy khi chúng tôi bắt đầu trò chuyện.
Thầy bảo rằng: "Thầy không có gì ngoài học vị cử nhân cách đây hàng chục năm, học hàm không, danh hiệu không, giải thưởng không. Thầy là nhà giáo của nhân dân. Nói đến nhà giáo người ta thường nhắc đến chữ nghèo với câu nói "giáo án" là "dán áo". Nhưng thầy không nghèo, cơ sở vật chất trường như vậy thầy không thể nghèo được. Và thầy tuy không phải là đại gia, không phải là tỷ phú top 5 Việt Nam nhưng thầy chắc chắn là top 5 người giàu nhất về tinh thần".
Phòng làm việc không bằng khen, huân chương, chỉ có những bức ảnh kỷ niệm với từng lứa học trò
Thầy Nguyễn Xuân Khang là người Nghệ An, là lứa học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam những năm 1965. Năm 1968, thầy học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội khoa Vật lý, là lớp phó của một lớp học 275 người. Thế nhưng khi tốt nghiệp, lớp thầy chỉ còn hơn 70 người. Con số này để lại cho thầy một ấn tượng theo mãi đến bây giờ, tất cả vì chiến tranh. Nhiều người trong quá trình học đến lúc gần tốt nghiệp phải ra chiến trường, cầm súng làm bộ đội, cầm bút làm phóng viên... Ký túc xá vãn người hẳn đi, có 3 tòa nhà của sinh viên chỉ còn lại không đầy một nửa.
Thầy bảo, thầy không may mắn được đi phục vụ chiến trường vì mắt và sức khỏe không đủ tiêu chuẩn, nếu không thầy cũng đã lên đường như những anh em khác. Thầy tốt nghiệp và được giữ lại trường đại học tổng hợp dạy. Thầy dạy Vật lý cho khối phổ thông chuyên lý Đại học tổng hợp - nơi có rất nhiều học sinh đạt giải Olympic Toán học Quốc tế từ những lứa đầu như Hoàng Lê Minh, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu... Thầy gọi đấy là duyên số, là điều may mắn trong cuộc đời đi dạy của mình. Một lớp chuyên Toán như vậy chỉ trên dưới 20 học sinh được chọn rất gắt gao từ các tỉnh về, đây chính xác là "vua của các tỉnh". Đời sống của các em lúc đấy rất khó khăn nhưng có những lớp thầy chủ nhiệm 25 học sinh thì tới 24 em đủ tiêu chuẩn nhận học bổng du học nước ngoài.
Phòng làm việc của thầy không huân chương, không bằng khen. Tất cả những gì thầy có những những bức hình, những tấm bưu thiếp kỷ niệm với học trò
Thầy lúc đấy rất nghèo, nghèo nhất trong số những người nghèo ở trường đại học. Thầy chỉ có một bộ áo quần lành lặn và 2-3 bộ không đủ lành lặn để lên bục giảng. Học trò thầy thầy lên lớp cứ mặc một bộ quần áo, mới hỏi rằng: "Thầy ơi, sao thầy không thay áo quần?".
Thực ra ai chả phải thay áo quần. Thầy dạy ban ngày, tối về giặt và hong khô, là phẳng phiu sáng hôm sau lại mang đi dạy. Thầy "lừa" học trò: "Các em nhầm, thầy đâu có phải 1 bộ, thầy có cả 5 bộ giống nhau thế này". Nhưng đám học trò tinh khôn đã đánh dấu bằng bút bi sau lưng thầy. Mấy hôm sau chúng lại thắc mắc rằng: "Vì sao bao nhiêu tháng nay thầy vẫn mặc bộ này. Thầy đừng nói dối bọn em nữa, bọn em đánh dấu rồi. Thầy chỉ có một bộ quần áo đúng không?".
Thầy Khang bắt đầu bật khóc khi kể về kỷ niệm này. Học trò nghèo, thầy cũng nghèo. Nhưng tình cảm học trò dành cho thầy là cái quý nhất. Sự quan tâm, tò mò chia sẻ của những đứa trẻ ngây thơ, đồng cảm với nỗi khó khăn của thầy chứ không bao giờ coi thường thầy vì thầy nghèo.
Dang tay ôm vào lòng, chấp nhận cưu mang, dạy dỗ những đứa con của tử tù khét tiếng khi xã hội ruồng bỏ chúng
Con của 2 tử tù trong một vụ án ma túy nổi tiếng cách đây hơn 20 năm là học sinh của thầy Khang: Một người có con đang học lớp 7 và lớp 9, người còn lại cũng có con đang theo học lớp 5 và lớp 7 tại trường Marie Curie.
Sự kiện náo động năm đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý những đứa trẻ. Phóng viên các báo đến trường khai thác rất nhiều. Thầy đã bảo họ: "Đừng xoáy thêm nỗi đau của những đứa trẻ nữa, các anh chị muốn phỏng vấn trường hay giáo viên đều được. Chuyện bố là bố, chuyện con là con. Đừng làm tổn thương những đứa trẻ vì chúng vô tội.
Con của tử tù cũng là nạn nhân, là những đứa trẻ mất bố. Là một người cha, thầy thấu hiểu được nỗi đau, sự mất mát của những đứa con. Mỗi năm đến sinh nhật bố, giao thừa... chúng lại phải thổn thức rất nhiều vì mỗi tiếng trống canh là một lần đưa chúng về thực tại rằng chúng không còn bố trên đời nữa, đánh thức nỗi đau những đứa trẻ".
Thầy đã nhận con của các vị tử tù đó vào trường học mà không cần qua thi cử mặc dù thi tuyển lớp 6 vào Marie Curie thực sự rất khó khăn, khốc liệt. Thầy bảo rằng có những việc nên làm không nên nói, và đây là lần đầu thầy chia sẻ. Với thầy, đây là một việc nên làm, vì những ông bố là tội đồ nhưng những đứa con không hề có tội. Thầy dang tay ôm lấy, nuôi nấng những đứa trẻ đó thành những người thành công trong xã hội, thay vì day dứt nỗi đau về tội lỗi của bố chúng đối với xã hội. Đừng để chúng mặc cảm, tự tin và hư hỏng. Nên cho chúng một cơ hội để phấn đấu và sau này đóng góp cho đời.
Một trong 4 người con ấy hiện nay đang là giáo viên tiếng Anh tại trường Marie Curie hơn 10 năm nay. Lúc thầy nhận về trường, thầy bảo với người học trò này rằng: "Hãy nhớ lại thời điểm đó thầy đã làm gì cho các em, cư xử với các em ra sao thì bây giờ em nên làm như vậy với những học sinh của mình".
Một trong những khoảnh khắc mà mỗi lần kể lại thầy lại khóc, đó là mỗi phiên xử, học sinh của thầy đứng trong mênh mông biển người, thấy mặt bố lại lao ra bất chấp gọi bố ơi, nước mắt giàn giụa, chỉ muốn chạm được tay bố dù trong giây phút. Hay những khoảnh khắc chúng nấc lên trong lớp, thốt lên rằng: Con nhớ bố! Thầy đã thương chúng, ở bên chúng, coi chúng như con của mình, đưa về trường dạy dỗ để chúng nên người.
Trong quan điểm giáo dục của mình, với thầy, "nhu" luôn nhiều hơn "cương", muốn giáo dục cho học sinh tính nhân văn, kỹ năng sống, năng lực trí tuệ nhưng không gắt gao đến mức phải thi đỗ trường này trường kia. Thi trượt nhưng nhân cách học sinh tốt vẫn ổn, nó có thể thấp điểm Toán, Lý nhưng Âm nhạc, thể thao tốt cũng không sao. Thậm chí học xong đi học nghề cũng có thể làm một ông thợ tốt. Con đường của học sinh phổ thông không chỉ duy nhất có đại học, còn có rất nhiều thứ khác trong cuộc sống để chinh phục
Sau nhiều năm lăn lội với giáo dục, với trường Marie Curie, từ người nghèo nhất trong xã hội, thầy Khang giờ đã tự tin khẳng định rằng mình không còn nghèo nữa. Không chỉ đơn giản tiền bạc, mà gia tài lớn nhất thầy có chính là những học sinh đặc biệt, những người được thầy đưa tay ra ôm lấy vào lòng khi xã hội đang dần chối bỏ họ. Dạy học, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng với thầy Khang, còn một điều quan trọng hơn chính là dạy cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế.
"Ông nội Khang" của biết bao thế hệ học trò trường Marie Curie.
Chúc cho ông nội Khang sẽ luôn mạnh khỏe, bởi những đứa cháu, những học sinh trường Marie Curie đang thực sự cần một người thầy giáo như vậy!
Trí thức trẻ