Citigroup tính dừng ngân hàng bán lẻ tại 13 thị trường, trong đó có Việt Nam
Citigroup dự định dừng cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại 13 thị trường ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Ngân hàng này sẽ tập trung vào mảng quản lý tài sản, khách hàng tổ chức.
Citigroup sẽ dừng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Australia, Bahrain, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Ba Lan, Nga, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
“Hoạt động kinh doanh tại 13 thị trường trên đều rất tốt nhưng chúng tôi không có đủ quy mô cần thiết để cạnh tranh”, Jane Fraser, giám đốc điều hành (CEO) Citigroup, từng là giám đốc bộ phận ngân hàng bán lẻ, nói. “Tôi rất rõ ràng về những ưu tiên của chúng tôi, là thu hẹp cách biệt lợi nhuận với các đối thủ”.
Theo Citibank Hàn Quốc, thời điểm cụ thể chưa được ấn định.
Jane Fraser, giám đốc điều hành Citigroup. Ảnh: Reuters.
Quyết định trên được đưa ra hơn một tháng từ khi Fraser nhậm chức CEO và sau hàng loạt cuộc họp với các cổ đông lớn nhất của Citigroup. Mảng ngân hàng bán lẻ tại các khu vực trên đóng góp 4,2 tỷ USD trong tổng số doanh thu 74,3 tỷ USD của Citigroup trong năm 2020 và không tạo ra lợi nhuận.
“Chúng tôi tin rằng vốn đầu tư và các nguồn lực khác tốt hơn nên triển khai vào những cơ hội sinh lời cao hơn trong quản lý tài sản và khách hàng tổ chức ở châu Á”, Fraser bổ sung. Citigroup chỉ kinh doanh ngân hàng bán lẻ từ 4 trung tâm tài chính là Singapore, Hong Kong, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Anh.
Mike Mayo, nhà phân tích tại Wells Fargo Securities, mô tả quyết định của Fraser là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tiến triển của ngân hàng trong hơn một thập kỷ.
“Đó dường như là bước đi chiến lược mạnh nhất kể từ khi Sandy Weill còn là CEO”, Mayo nhận định, lưu ý Fraser mới nhậm chức 46 ngày, cho thấy ngân hàng đang gấp rút giải quyết các rắc rối.
Citigroup ghi nhận thu nhập ròng 7,9 tỷ USD trong quý I, tăng từ mức 2,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ giải ngân dự trữ 3,8 tỷ USD cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn.
Người đồng hành