MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CNBC: Mỹ - Trung 'mắc kẹt' trong cuộc chiến công nghệ, Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á hưởng lợi?

CNBC: Mỹ - Trung 'mắc kẹt' trong cuộc chiến công nghệ, Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á hưởng lợi?

CNBC đưa tin, cẳng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng tác động trầm trọng đến lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Trong khi đó, các quốc gia khu vực Đông Nam Á lại đang dần dẫn đầu về hội nhập kinh tế số.

Đông Nam Á là khu vực có khoảng 400 triệu người dùng internet. 10% trong số đó là những người lần đầu tiên sử dụng internet vào năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều giao dịch kinh doanh trực tuyến.

Theo bà Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, các quốc gia thành viên ASEAN tập trung vào "tính trung lập về công nghệ". Công nghệ trung lập là việc doanh nghiệp và cá nhân có quyền tự do quyết định công nghệ nào là thích hợp nhất để đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

Tại hội nghị Asia Tech x Singapore vừa qua, bà Josephine chia sẻ với CNBC: "Khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, các quốc gia sẽ tiếp tục phụ thuộc lớn vào công nghệ số. Điều này đồng nghĩa với việc, hợp tác quốc tế sẽ ngày càng có giá trị hơn".

Chuyển đổi số khu vực ASEAN

Trên thực tế, mức độ phổ biến của công nghệ giữa các quốc gia trong khu vực tương đối khác nhau. ASEAN đặt mục tiêu đạt được những bước tiến đáng kể để trở thành cả nền kinh tế số và xã hội số vào năm 2025, với công nghệ là cốt lõi. Một yếu tố không thể không nhắc đến chính là sự bùng nổ của nền kinh tế internet, nơi mọi người sử dụng các dịch vụ số để mua, bán, giao tiếp và thậm chí quản lý công việc hàng ngày.

Theo báo cáo e-Conomy ở Đông Nam Á hàng năm của Google, Temasek và Bain & Co năm ngoái, nền kinh tế internet tại Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan - những nền kinh tế lớn nhất trong khối, được dự báo sẽ vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ông Abdul Mutalib Yusof, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Thông tin truyền thông của Brunei, có 3 điều cần cân nhắc khi thực hiện chuyển đổi số trong khu vực. Đó chính là: cơ hội, tính trung lập của công nghệ, và vai trò của các nhà hoạch định chính sách.

Ông lý giải, các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý cần phải đưa ra cơ chế và cách tiếp cận thích hợp, nhằm cân bằng giữa tác động của công nghệ lên nền kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia.

"Bản thân công nghệ thì vốn rất đơn giản. Nhưng thách thức ở đây là những yếu tố phi công nghệ đi kèm, đó là những cả khối nên xem xét kỹ".

Việt Nam ngày càng "hấp dẫn" trong mắt các tập đoàn lớn

Đáng chú ý, Việt Nam luôn được đánh giá là nền kinh tế có triển vọng trong tăng trưởng số. Năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch 10 năm về chuyển đổi số trên diện rộng của cả nước, với kế hoạch xây dựng 10 "kỳ lân khởi nghiệp" trị giá trên 1 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030. Bên cạnh đó, cần kết hợp ít nhất 10% tỷ lệ áp dụng kỹ thuật số trên tất cả các lĩnh vực và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet là 80%.

Theo các ước tính của Google, Temasek và Bain & Co, giá trị nền kinh tế số của Việt Nam có thể tăng trưởng lên 52 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 1/6 trong số 300 tỷ USD của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á.

Thương mại điện tử bùng nổ đã thúc đẩy cuộc chiến thương mại điện tử giữa những "gã khổng lồ" mua sắm trực tuyến trong khu vực, như Shopee và Lazada. Ngoài ra, hệ sinh thái doanh nghiệp số đang phát triển được hỗ trợ rất nhiều bởi nhu cầu về các dịch vụ hỗ trợ công nghệ như đám mây, dữ liệu lớn và Internet vạn vật. Việt Nam cũng cho thấy tiềm năng lớn về blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) và đã có kế hoạch 10 năm để phát triển AI trong nước.

Đây cũng chính là cơ hội cho các startup cũng như các nhà đầu tư, những nhân tố được đánh giá là chìa khóa cho thúc đẩy tăng trưởng số. Nhiều startup tại khu vực đã nắm bắt cơ hội để tăng tốc phát triển. "Kỳ lân" lớn nhất Đông Nam Á - Grab, đã đầu tư mạnh mẽ vào các startup khu vực từ đầu năm 2018.

Trước đó, Bloomberg dẫn lời của Euromonitor International, nêu rõ, tiềm năng tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam rất hấp dẫn. Giám đốc điều hành Ralf Matthaes của hãng Infocus Mekong Research (trụ sở tại TP. HCM) nhận định: "Việt Nam đang trong bước đầu trở thành xã hội số hóa với lớp dân số trẻ chuộng công nghệ. Vì vậy, tất cả các công ty đang cạnh tranh cung cấp các dịch vụ này".

Còn ông Jeffrey Perlman, Giám đốc điều hành Warburg Pincus tại Singapore kết luận: "Thị trường bán lẻ của Việt Nam đang thay đổi nhanh hơn hẳn so với các thị trường phát triển".

Tham khảo: CNBC, Tech Wire Asia, Bloomberg

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên