MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CNN: Mặt trận mới của ông Tập thực chất chẳng đáng sợ như lời đồn - "Hổ giấy" TQ chỉ bắn ra được "đạn giấy"?

22-05-2019 - 12:24 PM | Tài chính quốc tế

CNN bình luận, mặc dù đất hiếm có thể là điểm yếu của Mỹ, nhưng đó chưa chắc đã là lợi thế lớn như nhiều người Trung Quốc vẫn tưởng.

Các hoạt động của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này đều mang tính biểu tượng, theo CNN.

Hôm thứ 2 (20/5), ông Tập đã tới một đài tưởng niệm đặt vòng hoa tưởng nhớ cuộc "Vạn lý Trường chinh" - cuộc rút quân lịch sử của Hồng quân Cộng sản Trung Quốc kéo dài 365 ngày trên hành trình hơn 9.000 km trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng năm xưa.

Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy trận đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong cuộc thương chiến mở rộng cũng sẽ kéo dài như vậy?

Có thể suy luận này không đúng, tuy nhiên thông điệp "dằn mặt" Mỹ được ông Tập thể hiện qua một động thái đáng chú ý khác là điều không thể nhầm lẫn, và truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã đồng loạt đăng tải thông tin này.

Vừa qua, ông Tập đã lần đầu tiên đi thị sát một công ty chuyên sản xuất đất hiếm tại tỉnh Giang Tây, Đông Nam Trung Quốc. Đây là loại nguyên liệu thiết yếu để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh, tia laser, hệ thống tên lửa, chất siêu dẫn, v.v...

Theo số liệu của Viện Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, đến 80% lượng đất hiếm được Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn 2014-2017 là từ Trung Quốc. Và trong đòn giáng thuế quan gần nhất nhằm vào Trung Quốc, Mỹ đã "chừa lại" mặt hàng này.

Trong chuyến thăm và thị sát nhà máy đất hiếm tại tỉnh Giang Tây, ông Tập đã đi cùng Phó Thủ tướng Lưu Hạc - người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc.

Và mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cố gắng bác bỏ những đồn đoán xung quanh sự xuất hiện của cặp đôi quyền lực này, thì các nhà phân tích và các cơ quan ngôn luận của nhà nước đều hiểu rõ ý nghĩa của động thái ấy.

Thời báo Hoàn cầu - một trong những cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc - cho biết chuyến thăm của ông Tập đã "là sự động viên lớn lao đối với ngành công nghiệp quan trọng - được nhiều người biết đến là một trong những đòn bẩy của Trung Quốc trong cuộc thương chiến với Mỹ".

Trong một bài báo được đăng tải tuần trước, tờ báo này thậm chí còn đi xa hơn nữa, khi nói rằng nhu cầu sử dụng đất hiếm của Washington chính là "quân át chủ bài trong tay Bắc Kinh".

"Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để tái xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm trong nước, và gia tăng nguồn cung nội địa để giảm phụ thuộc vào khoáng sản Trung Quốc", theo bài viết được đăng tải trên Thời báo Hoàn cầu.

"Thời gian ấy đủ dài để Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc thương chiến với Mỹ, bởi trong lúc đó thế độc quyền của Trung Quốc về sản xuất đất hiếm sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát được thứ được coi là 'máu' đối với lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ cao của Mỹ", bài báo viết.

Tuy nhiên, mặc dù đất hiếm có thể là điểm yếu của Mỹ, nhưng đó chưa chắc đã là lợi thế lớn như nhiều người Trung Quốc vẫn tưởng.

CNN: Mặt trận mới của ông Tập thực chất chẳng đáng sợ như lời đồn - Hổ giấy TQ chỉ bắn ra được đạn giấy? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm nhà máy đất hiếm tại tỉnh Giang Tây. Ảnh: News.cn

Vũ khí ảo tưởng?

Trước đây chúng ta đã từng chứng kiến điều tương tự.

Vào năm 2010, sau khi xảy ra xung đột với Nhật Bản vì các đảo tranh chấp, trong đó một thuyền trưởng tàu cá người Trung Quốc đã bị Tokyo bắt giữ, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang nước bạn. Sau quyết định ấy, phía Nhật Bản đã nhanh chóng trả tự do cho thuyền trưởng bị bắt giữ - một động thái bị chỉ trích là "sự rút lui đáng xấu hổ".

Khả năng sử dụng thế độc quyền về đất hiếm làm đòn bẩy nhằm gây sức ép khiến đối phương nhượng bộ của Trung Quốc đã khiến nhiều nước lo sợ, trong đó có Washington. Thậm chí Quốc hội Mỹ đã phải mở phiên điều trần để thảo luận về điều này.

Trong gần một thập kỷ sau vụ xung đột giữa hai nước Trung-Nhật, các chuyên gia đã đặt ra nghi vấn về mức độ nguy hiểm của chiêu đòn đất hiếm. Trung Quốc đòi được công dân của mình, nhưng tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền trên đảo Senkaku/Điếu Ngư Đài vẫn tiếp diễn.

Ông Eugene Gholz, người từng tham vấn chính phủ Mỹ về vấn đề đất hiếm, đã viết trong một bản báo cáo cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ rằng sức mạnh đòn bẩy đất hiếm của Trung Quốc năm 2010 là lớn nhất từ trước tới nay, "nhưng ngay cả trong hoàn cảnh thuận lợi như vậy, Trung Quốc vẫn khó mà khai thác được sức mạnh thị trường và đòn bẩy chính trị".

"Một bài học lớn là các nhà hoạch định chính sách không nên chịu khuất phục trước áp lực phải hành động quá nhanh chóng hoặc với quy mô quá lớn khi phải đối mặt với các mối đe dọa về nguyên liệu thô. Không phải mối đe dọa nào cũng đáng sợ như cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973", ông Gholz đề cập tới lệnh cấm vận dầu mỏ do các thành viên Ả Rập thuộc Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ban bố nhằm trả đũa Mỹ vì đã hỗ trợ quân đội Israel trong Cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973.

"Cần đặc biệt thận trọng về việc phóng đại các mối đe dọa về nguyên liệu thô, bởi khi các nhà phân tích chính sách đối ngoại hoặc tình báo nhìn thấy mối nguy đối với thị trường và nền kinh tế, thì một số doanh nghiệp cũng có thể thấy được trong đó cơ hội để tranh thủ cạnh tranh và kiếm lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro", ông Gholz nói.

CNN: Mặt trận mới của ông Tập thực chất chẳng đáng sợ như lời đồn - Hổ giấy TQ chỉ bắn ra được đạn giấy? - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa. Nguồn: Rdmag.

Khi "sức mạnh" cũng có điểm yếu

Mặc dù có tên là "đất hiếm", nhưng nguyên liệu này thực sự không "hiếm có khó tìm" đến vậy. Thực chất, tuy đây đây là loại khoáng chất rất khó - và thậm chí có thể hủy hoại môi trường - để khai thác, trích xuất và tinh chế, nhưng một số loại đất hiếm lại thuộc top khoáng sản dồi dào nhất thế giới.

Không giống với các nguyên liệu thô khác như dầu mỏ, nhu cầu sử dụng thường xuyên và số lượng lớn đối với nhiều loại đất hiếm cũng không lớn bằng.

Nhiều loại sản phẩm cần sử dụng đất hiếm cũng chỉ cần đến một lượng rất nhỏ - khiến loại nguyên liệu này còn được mệnh danh là "vitamin của ngành công nghệ hiện đại" - do đó, kể cả khi mặt hàng này bị đánh thuế thì cũng sẽ không có ảnh hưởng ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã dự trữ một lượng khá lớn những loại đất hiếm chủ chốt, ít nhất là các loại được sử dụng trong công nghiệp quốc phòng.

Mặt khác, thế độc quyền của Trung Quốc đối với mặt hàng đất hiếm thực chất không giống như nhiều người vẫn nghĩ.

Mặc dù nước này hiện đang có thị phần lớn về đất hiếm trong thương mại toàn cầu, nhưng họ có được điều đó phần nhiều là "nhờ" những điểm lỏng lẻo trong bộ luật môi trường - điều này đã tạo điều kiện để Trung Quốc khai thác, trích xuất và tinh chế với giá thành thấp hơn nhiều so với các nước khác.

"Lợi thế" này đã dần bị thu hẹp lại trong những năm gần đây, khi Bắc Kinh quyết tâm xử lý mạnh tay các công ty sản xuất đất hiếm hoạt động trái phép.

Trung Quốc sở hữu khoảng 1/3 trữ lượng đất hiếm còn lại trên thế giới, gần bằng trữ lượng của Brazil và Việt Nam cộng lại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nước sử dụng đất hiếm hàng đầu thế giới do có ngành công nghiệp đang phát triển mạnh.

Dự kiến đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành nhà nhập khẩu ròng đất hiếm - yếu tố có thể khiến Bắc Kinh lo sợ sẽ bị "gậy ông đập lưng ông", nếu như họ quyết định hành động khiến giá đất hiếm toàn cầu tăng cao, hoặc mở ra tiền lệ sử dụng đất hiếm làm công cụ chính trị.

Bên cạnh Trung Quốc, thì các mỏ đất hiếm cũng được phát hiện tại nhiều nơi khác trên thế giới như Nhật Bản, Đông Nam Á, Australia, và một số khu vực ở miền Đông và miền Nam châu Phi.

Ngoài ra, các công ty công nghệ cũng đã bắt đầu tìm ra giải pháp mới để sử dụng đất hiếm tiết kiệm và thông minh hơn. Trong một báo cáo về trách nhiệm đối với môi trường gần đây, tập đoàn Apple cho biết họ đã bắt đầu tái chế đất hiếm từ những chiếc iPhone cũ và các sản phẩm khác.

Bắc Kinh từng một lần lầm tưởng về Washington trong cuộc thương chiến, khi họ kì vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ "chớp mắt" trước khi họ giáng đòn kinh tế vào những khu vực ủng hộ ông này. Tính toán sai lầm ấy đã khiến trận chiến thuế quan leo thang, và một ông lớn công nghệ của Trung Quốc là tập đoàn Huawei bị "dính đòn".

Trung Quốc hiện nay không chỉ gặp khó ở Washington, mà ngay cả kinh tế trong nước cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy tiên lượng xấu trong cuộc thương chiến. Và ngay cả ván cược đất hiếm - những tưởng là quân át chủ bài của Trung Quốc - có thể cũng chỉ là "viên đạn giấy" của con "hổ giấy".

Theo Hồng Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên