MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CNN: Tính bền vững trong chiến lược zero-Covid của Trung Quốc bị đặt câu hỏi sau khi người cách ly đủ 21 ngày bị tình nghi là nguồn lây dịch bệnh

14-09-2021 - 19:29 PM | Tài chính quốc tế

CNN: Tính bền vững trong chiến lược zero-Covid của Trung Quốc bị đặt câu hỏi sau khi người cách ly đủ 21 ngày bị tình nghi là nguồn lây dịch bệnh

Một người đàn ông đã hoàn thành 21 ngày cách ly bắt buộc khi từ nước ngoài trở về Trung Quốc đang được cho là nguồn lây của đợt bùng phát dịch mới nhất ở nước này.

Chỉ 2 tuần sau khi Trung Quốc đưa số ca mắc Covid-19 biến thể Delta về 0 trong đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất năm, quốc gia này lại tiếp tục đối đầu với sóng gió khi bất ngờ phát hiện ổ dịch tại tỉnh Phúc kiến. Tính đến hết 13/9, ổ dịch này có hơn 100 ca mắc và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc một loạt các thành phố tái phong tỏa cho thấy các biện pháp phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc vẫn tiềm ẩn những rủi ro trước biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cực mạnh.

Theo thông tin, ổ dịch này được phát hiện sau khi hai anh em cho kết quả dương tính trong một cuộc kiểm tra định kỳ tại một trường tiểu học ở Tiên Du, Phủ Điền, Phúc Kiến hôm 9/9. Ngày hôm sau, một học sinh và 3 phụ huynh khác cho kết quả dương tính.

Các cuộc điều tra cho thấy một trong các bậc cha mẹ của những học sinh này mới trở về từ Singapore. Ông này có thể là nguồn lây dù đã hoàn thành cách ly kéo dài 21 ngày theo đúng quy định đối với người trở về từ nước ngoài.

Theo chính quyền, người đàn ông này được đưa tới Hạ Môn, một đô thị ven biến lớn của Phúc Kiến vào 4/8 và trải qua 2 tuần các ly bắt buộc tại khách sạn sau khi về nước. Sau đó, anh ta tiếp tục phải cách ly tập trung thêm 7 ngày nữa tại một địa điểm được chỉ định tại Tiên Du trước khi được trở về nhà để theo dõi sức khỏe thêm 1 tuần.

Kể từ khi đại dịch bùng phát Trung Quốc đóng cửa biên giới và buộc tất cả những người trở về từ nước ngoài đều phải cách ly nghiêm ngặt. Sau khi ngăn chặn đợt bùng phát có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc cho rằng mọi đợt bùng phát khác đều có nguồn gốc nước ngoài, thông qua người hoặc hàng hóa nhập khẩu.

Hiện tại, nhà chức trách Trung Quốc không tiết lộ người đàn ông tình nghi lây bệnh ở đâu hoặc lây bệnh như thế nào. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh kéo dài hơn 21 ngày là điều hết sức bất thường. Chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông cho biết biến thể Delta có thời gian ủ bệnh trung bình 4 ngày, ngắn hơn so với 6 ngày của các chủng khác.

Đợt bùng phát này cũng không còn gói gọn ở Tiên Du mà đã lan sang nhiều địa phương khác. Những gì đang xảy ra được xem là thuốc thử lớn với chính sách không khoan nhượng với Covid-19 của Trung Quốc, hay còn được biết tới với cái tên zero-Covid.

Ở thời điểm hiện tại, chiến lược này của Trung Quốc vẫn phát huy tác dụng dù các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cần nhiều thời gian hơn để đưa số ca mắc Covid-19 về 0 so với các đợt bùng phát trước đó. Khả năng lây lan mạnh của biến thể Delta là nguyên nhân chính.

Ông Yanzhong Huang, chuyên gia về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Trung Quốc, cho rằng: "Sẽ ngày càng khó hơn trong việc đưa số ca mắc Covid-19 về 0, cả về thời gian, chi phí và thiệt hại kinh tế. Cho dù các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt như thế nào thì nguy cơ nguồn lây từ nước ngoài trở về vẫn là rất lớn".

Zero-Covid là chiến lược được nhiều quốc gia sử dụng. Tuy nhiên, đang có sự thay đổi. Australia và Singapore đang chuyển sang những cách tiếp cận mới để "sống chung với Covid-19". Việc đóng cửa quá lâu kéo theo những phản ứng giận dữ từ công chúng. Tại Australia, nhiều cuộc biểu tình phản đối giãn cách đã nổ ra bất chấp số ca mắc tiếp tục hơn.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ thay đổi phương thức chống dịch mà họ đã và vẫn đang rất thành công này.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên