MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“CNTT không phải là yếu tố cốt lõi của nông nghiệp công nghệ cao”

01-07-2020 - 12:26 PM | Doanh nghiệp

Chủ tịch Misa Lữ Thành Long cho rằng 6 yếu tố cốt lõi trong nông nghiệp công nghệ cao là giống, phân bón, đất, nước, am hiểu chu kỳ sinh trưởng của cây. CNTT chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các yếu tố này.

Gần đây, khi ICTnews triển khai loạt bài về nông nghiệp thông minh tại Việt Nam đã nhận được nhiều bình luận, chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp… về vấn đề này. Đây là chủ đề rất thiết thực cần được đông đảo xã hội quan tâm để tìm ra con đường, mô hình phù hợp nhất cho nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên 4.0. ICTnews xin chia sẻ bài viết của Chủ tịch Misa Lữ Thành Long chia sẻ góc nhìn cá nhân về cách làm nông nghiệp công nghệ cao.

"Tôi sinh ra ở vùng nông thôn quanh năm làm nông nghiệp thế mà từ bé chả biết trồng cây, trồng cối gì cả. Đùng một cái cách đây 5 năm Việt Nam rộ lên khái niệm về Nông nghiệp công nghệ cao. Vậy là tôi khăn gói quả mướp cùng đoàn doanh nghiệp trẻ lên đường sang Israel tìm hiểu.

Trước khi đi tôi cũng dành mấy tuần đọc về nông nghiệp công nghệ cao. Sang Israel lại được thực mục sở thị thăm nhiều hợp tác xã (Kibbutz), farm về nông nghiệp công nghệ cao. Với kiến thức khá nông cạn, tôi lờ mờ nhận thấy để nông nghiệp có năng suất cao và chất lượng tốt thì có 6 yếu tố tác động như sau:

Thứ nhất, đó là giống tốt. Vì vậy, phải có công nghệ lai tạo hoặc biến đổi gen để tạo được giống tốt (kiểu như nho không hạt hay sầu riêng hạt lép), năng suất cao và có khả năng kháng sâu bệnh. Hiện Mỹ đang dẫn đầu thế giới về công nghệ giống cây.

Thứ hai, phân bón phải tốt, phải tạo ra được nhiều loại phân khác nhau: cái bón lá, cái bón rễ và thích hợp với các loại cây khác nhau, thích hợp với các thời kỳ sinh trưởng khác nhau của cây. Hiện Hà Lan dẫn đầu thế giới về phân bón cho cây trồng.

Thứ ba, thuốc trừ sâu phải tốt. Phải tạo được loại thuốc trừ sâu có khả năng diệt loại sâu bệnh có hại mà không diệt các loài khác. Đồng thời không có hại cho người cũng như cho chính cái cây. Nhìn chung rau nào sâu nấy nên có vô số loại thuốc trừ sâu khác nhau. Mỹ vẫn đang là nước dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này.

Thứ tư, đất phải tốt. Đây chính là sự am hiểu về loại thổ nhưỡng khác nhau phù hợp với mỗi loại cây khác nhau. Nhìn chung "món này" nông dân ở đâu cũng giỏi. Chỉ khác ở chỗ ở Mỹ hay các nước họ mua đất và trộn phân và các thành phần thích hợp rồi rải ra trồng chứ không phải cải tạo đất như Việt Nam.

Thứ năm, nước phải tốt. Tuy nhiên, ở sa mạc nước đắt và hiếm nên Israel sáng tạo ra tưới nhỏ giọt. Còn tại Việt Nam tưới bằng vòi hay tưới bằng tay thoải mái vì chúng ta không khan hiếm nước như sa mạc.

Thứ sáu, phải am hiểu về chu kỳ sinh trưởng của cây. Cái này nhìn chung các nhà công nghệ thường cắp sách đi học nông dân, điểm khác nhau chỉ là họ tổng hợp và làm tài liệu đào tạo rành mạch rõ ràng hơn thôi.

Israel giỏi nhất là chế ra hệ thống tưới tự động, tự pha phân bón để tưới cùng nước và làm phần mềm, quy trình trồng một số rau quả. Tuy nhiên ở Việt Nam, tôi nghĩ không cần thiết vì lao động nhiều và giá rẻ.

Theo suy nghĩ của tôi chỉ có 3 yếu tố đầu tiên là giống, phân bón và thuốc trừ sâu liên quan tới bí kíp công nghệ. Từ đó, nó sẽ quyết định ai làm nông nghiệp công nghệ cao, ai làm nông nghiệp công nghệ thấp.

Việc dồn điền đổi thửa, bản đồ thổ nhưỡng, tưới tiêu tự động, rồi drone bay lên tìm kiếm sâu bệnh phun thuốc,... chỉ mang tính hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao mà thôi. Các công ty CNTT không hiểu nhiều về nông nghiệp công nghệ cao nên chỉ quan tâm đến khía cạnh thiết bị tưới tiêu hay phần mềm. Những thứ đó không phải là cốt lõi của nông nghiệp công nghệ cao".

Theo Lữ Thành Long

ICTnews

Trở lên trên