MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô bé 13 tuổi luôn đố kỵ với chị vì không có ''tài lẻ'': Cha mẹ nên làm gì để con không lầm đường lạc lối?

12-07-2022 - 20:31 PM | Sống

Trẻ em như trang giấy trắng, nếu như không được cha mẹ định hướng thì con rất dễ bước sai đường và khó quay trở lại như ban đầu.

Sự đáng sợ của lòng đố kỵ

Vừa rồi tôi về nhà có nghe Q.A (em gái ruột, hiện đang sống cùng mẹ ở ngoại thành Hà Nội) kể về việc nó bị em họ tên M.H (13 tuổi) lấy trộm đồ dùng từ quần áo đến mỹ phẩm mà trong lòng không khỏi bất ngờ.

Chẳng là đợt này mẹ tôi đang thuê thợ xây lại nhà, em gái và mẹ phải sang nhà chú ở nhờ. Còn tôi ở trên thành phố nên cuộc sống chẳng ảnh hưởng gì nhiều.

Em gái tôi năm nay 17 tuổi, đang học cấp 3 nên cũng đã biết điệu. Nó bắt đầu làm thêm từ 1 năm trước, tiền lương mỗi tháng được khoảng hơn 1 triệu dành cho việc tự mua sắm đồ dùng cá nhân, quần áo và sách vở. Ngoài giờ học trên lớp, Q.A còn tham gia câu lạc bộ văn nghệ của trường, thường xuyên đi thi các giải đấu ca nhạc, dance sport cấp thành phố nên gia đình cũng cho phép em được sử dụng mỹ phẩm, mua thêm trang phục biểu diễn hay váy vóc để bớt đơn điệu.

Trước đây, Q.A đã từng kêu bị mất hộp phấn mắt, cây son rồi có lần khác lại chiếc chân váy, cả nhà đi tìm khắp mọi nơi cũng không thấy khiến con bé khóc mãi vì tiếc của. Mẹ tôi thì luôn nghĩ tại tính Q.A cẩu thả, đồ đạc không biết giữ gìn, để lung tung nên ''mất cũng đáng đời''.

Cô bé 13 tuổi luôn đố kỵ với chị vì không có tài lẻ: Cha mẹ nên làm gì để con không lầm đường lạc lối? - Ảnh 1.

Khi trẻ đã hối hận, tại sao chúng ta không tạo cho trẻ cơ hội thay đổi?

Dịp này khi ở nhà chú, Q.A bảo mới mua một lọ sữa dưỡng thể nhưng mới chỉ dùng vài ngày thì đã thấy vơi đi dần. Thậm chí, chỉ một tuần cầm trên tay đã thấy nhẹ đi một cách kỳ lạ.

''Mẹ thì không dùng, chú thím cũng không. Nhà chỉ có em với M.H nên em nghĩ chỉ có nó dùng của em. Em thấy dùng chung cũng chả sao nhưng đâu thể một lọ to mà hết nhanh đến vậy'', Q.A nói với tôi.

Q.A là đứa hiểu chuyện nên chọn cách im lặng dù trong lòng đầy sự nghi ngờ, cho đến khi một lần tình cờ mở ngăn kéo bàn học của M.H thì phát hiện hộp phấn mắt và cây son của mình ở bên trong. Quá tức giận, Q.A gọi M.H ra ngoài nói chuyện thì cô em họ quả quyết không nhận rằng mình đã lấy cắp mà chỉ nói rằng đã cầm nhầm và quên không đưa trả lại.

Đến tối, chắc hẳn cảm giác tội lỗi đã len lỏi khắp trong lòng khiến H. không thể ngủ được. Nó liền nhắn tin để thú tội với Q.A.

''Em làm thế vì lòng đố kị với chị, nói ra có thể chị không tin nhưng nhiều khi em thấy ghét chị, ghét từ rất lâu rồi. Hai nhà ở cạnh nhau, chị vừa xinh, học giỏi lại hát hay. Ở trường chị nổi tiếng đã đành, nhưng khi về nhà cũng được hàng xóm yêu quý.

Mỗi khi cả khu tổ chức liên hoan, chị đứng ở trên biểu diễn, mọi người ở dưới vỗ tay khen ngợi. Còn em chẳng được tích sự gì.

Chị lại có nhiều quần áo đẹp, có đồ trang điểm. Em từng nghĩ ra nhiều trò để phá chị, chị có cái gì em cũng phải có cho bằng được. Nhưng bố mẹ không mua cho, ghét chị nên em cũng không muốn mở lời xin xỏ. Em suy nghĩ dại dột nên mới lấy trộm đồ, còn sữa dưỡng thể thì chiết ra lọ nhỏ để dùng'', M.H nói.

H. sau đó đã xin lỗi em gái tôi và hứa sẽ thay đổi. Mẹ tôi cũng biết chuyện nhưng khuyên Q.A giữ yên lặng, hai đứa tự giải quyết, tránh để H. cảm thấy xấu hổ và làm những chuyện nông nổi.

Đối với trẻ em, nhục hình không phải là giáo dục mà là sỉ nhục

Tôi từng đọc được bài viết rất hay trên Sohu, hãy nhớ lại xem có bao nhiêu người trong chúng ta đã lén lút lấy tiền của gia đình khi còn nhỏ? Như vậy chúng ta đã thực sự trở thành kẻ ăn trộm?

Chẳng hạn như trường hợp của nhà văn nổi tiếng Đài Loan Tam Mao kể lại câu chuyện "ăn cắp" hồi nhỏ của mình. Khi học tiểu học, một lần cô bé nhìn thấy tờ 5 tệ mẹ để trên ngăn tủ. "Số tiền này chắc chắn mua được hộp kẹo mình thích", cô nghĩ rồi giấu tờ tiền vào trong túi. Nhưng cả ngày hôm đó, cô bé luôn bồn chồn và cảm thấy khó chịu trong người. Đến đêm khi không chịu đựng được sự dằn vặt, Tam Mao đã trả lại tờ 5 tệ vào vị trí cũ và cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng.

Cô bé 13 tuổi luôn đố kỵ với chị vì không có tài lẻ: Cha mẹ nên làm gì để con không lầm đường lạc lối? - Ảnh 2.

Người lớn đều từng là trẻ con và trẻ con đều có thể phạm sai lầm

Thực ra người cha đã nhìn thấy sự bất thường của con gái và hiểu rõ mọi việc, nhưng ông không nói điều này với ai. Thay vào đó, ông cho con gái một số tiền tiêu vặt và mua một hộp kẹo mà cô thích. Sau này lớn lên, khi biết chuyện, Tam Mao đã vô cùng ngưỡng mộ bố. "Dù nhìn thấu tâm can tôi nhưng bố đã không vội vàng trách mắng mà cho tôi một cơ hội sửa sai", nữ nhà văn nói. Điều đáng nói hơn là bố của Tam Mao đã tự soi lại mình sau vụ con gái ăn trộm tiền, biết tôn trọng và thỏa mãn mong muốn nhỏ nhoi của đứa trẻ khiến tuổi thơ của cô thêm đầm ấm và hạnh phúc.

Nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Jean Piaget từng chỉ ra rằng, sự phát triển đạo đức của trẻ em trải qua 4 giai đoạn.

Đầu tiên là "giai đoạn tiền đạo đức" cho trẻ 1-2 tuổi. Trẻ ở giai đoạn này chưa có bất kỳ nhận thức nào về các quy tắc, các hành vi của chúng hầu hết liên quan đến sự thỏa mãn bản năng sinh lý.

Thứ hai là "giai đoạn tuân theo đạo đức" dành cho trẻ từ 2-8 tuổi. Trẻ em thời kỳ này phân xử đúng sai tùy theo hậu quả khách quan của hành vi mình gây ra.

Thứ ba là "giai đoạn tự giác đạo đức" dành cho trẻ từ 8-12 tuổi. Trẻ dần chuyển từ bắt buộc tuân theo sang tự giác tuân theo.

Cô bé 13 tuổi luôn đố kỵ với chị vì không có tài lẻ: Cha mẹ nên làm gì để con không lầm đường lạc lối? - Ảnh 3.

Hãy giáo dục trẻ đúng cách khi trẻ ăn cắp đồ

Thứ 4 là "giai đoạn kỷ luật" sau 12 tuổi. Lúc này đứa trẻ mới thực sự trở nên có kỷ luật. Có thể thấy, với những trẻ trước 8 tuổi, chúng khó có thể tuân theo quy tắc một cách có ý thức, đặc biệt là khi ở một mình, vẫn hành động theo bản năng nhiều hơn.

Đối với trẻ em, nhục hình không phải là giáo dục mà là sỉ nhục. Tuổi này là giai đoạn trẻ hình thành nhận thức về các quy tắc và đạo đức, nếu cha mẹ chỉ trừng phạt một cách thô bạo, hậu quả có thể còn nghiêm trọng hơn chính việc ăn cắp vặt. Roi vọt không dạy được trẻ đúng sai, nó chỉ làm cho chúng sợ hãi mà không thiết lập tính tự giác về mặt đạo đức. Một đứa trẻ không biết đúng sai sẽ lại mắc lỗi tương tự ở lần sau.

Đối với trường hợp M.H cũng vậy, nếu như cố gắng bóc mẽ hành vi sai lầm của em trước mặt mọi người thì chẳng biết hậu quả sẽ như thế nào. Thay vào đó, hãy để hai đứa trẻ được nói chuyện, cảm thông với nhau. Có như vậy, M.H sẽ thấu hiểu chị họ của mình hơn và từ từ thay đổi.

Như nhà văn Tam Mao từng nói: Khi đối xử với trẻ thô lỗ, trẻ sẽ trả lại bằng sự hung dữ. Đối xử với trẻ bằng sự tinh tế, trẻ sẽ bằng lòng và biết ơn bố mẹ rất nhiều!

Theo Nguyễn Phượng

Trí thức trẻ

Trở lên trên