MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế nào cho “siêu” Uỷ ban quản lý vốn?

Ngày 3.2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP chính thức đánh dấu sự thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Theo đó, Ủy ban được xác định là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại các Cty cổ phần, Cty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban mới bắt đầu được xây dựng và dù việc ra đời “siêu” Uỷ ban nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia nhưng cũng có không ít đề xuất, khuyến cáo về những rủi ro phải tính đến khi siêu uỷ ban này chính thức hoạt động.

Cần cẩn trọng vì vốn, phạm vi và trách nhiệm quá lớn

Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định vấn đề lớn nhất của Uỷ ban là số vốn quá lớn và phạm vi DN quản lý quá lớn, nhất là so với tương quan nguồn vốn hoặc tỉ trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các DNNN do Uỷ ban quản lý hoạt động dàn trải trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nên việc quản lý hoàn toàn không đơn giản. Trước mắt, mục tiêu Nhà nước dự định đưa vào một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, SCIC nữa… chỉ ngoại trừ Tập đoàn Viettel của quân đội, như vậy toàn bộ phần vốn nhà nước do Ủy ban này chịu trách nhiệm sẽ cực kỳ lớn.

Trong các lĩnh vực mà các tập đoàn, tổng công ty dự định đưa vào Ủy ban này để quản lý có những lĩnh vực vẫn cần sự quản lý lâu dài của Nhà nước, nhưng cũng có những lĩnh vực đang phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Hoạt động của DNNN trước nay hiệu quả rất thấp, nên bây giờ vào bàn tay của Uỷ ban, làm sao để duy trì nguồn vốn hoạt động cho hiệu quả là điều hoàn toàn không dễ dàng, chuyên gia này phân tích.

Bà Lan cũng đưa ra một rủi ro lớn khác là có thể có sự phản đối hay chống đối của những người bị mất lợi ích hoặc không thích sự chỉ đạo của Uỷ ban này. Vậy thì Uỷ ban làm thế nào để kiểm soát được họ, từ việc đảm bảo có trình độ chuyên môn cần thiết, kể cả chuyên môn quản lý chung cũng như quản lý trên từng lĩnh vực, từng ngành… Vì vậy, cần thiết có một hệ thống giám sát Uỷ ban này, để đảm bảo cho họ hoạt động được tốt.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, thành lập Ủy ban thực chất là hình thành cơ chế để quản lý vốn nhà nước. Đối với vốn nhà nước, vấn đề then chốt nhất là quản lý và cần có cơ chế, có luật pháp. Tuy nhiên, ông Quốc cũng cho rằng chúng ta đang thiếu nhất là con người. Con người phải có nghiệp vụ, phải có hiểu biết, nhưng quan trọng nhất là phải có đạo đức và để giữ được con người, cần có sự minh bạch, công khai trong quản lý.

“Cho dù trong hoạt động kinh tế có thể có những vấn đề bí mật quốc gia, nhưng tôi cho bí mật quốc gia cũng chỉ một phần, trong đó cũng có những cơ chế để đảm bảo tính công khai của bí mật quốc gia (mà không ảnh hưởng đến bí mật quốc gia - PV)… Ví dụ có thể giới hạn trong một số người thôi. Nhưng về căn bản phải để công khai để người dân kiểm soát được đồng tiền của dân được trao vào tay ai và người đó sử dụng như thế nào.

Chúng ta có cả một hệ thống luật pháp rồi, từ Luật Ngân sách, vấn đề sử dụng, vấn đề tích lũy… Chúng ta cũng có cả một hệ thống giám sát, vấn đề là có hiệu quả hay không, hay để “vỡ lở” rồi mới biết. Làm thế nào để phát hiện được những yếu tố, nhân tố bất thường để kịp thời điều chỉnh. Làm như thế không những chỉ giữ được tiền bạc, mà còn giữ được con người nữa. Tôi cho rằng việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là cần thiết” - Đại biểu Quốc hội Dương Trung phân tích.

Hoàn tất khung pháp lý để thành lập trong quý I/2018

Bên cạnh những lo ngại về phạm vi quá lớn của Uỷ ban, cũng có ý kiến cho rằng sẽ có sự chồng chéo giữa Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chi - Tổng Giám đốc SCIC - cho rằng sẽ không có nguy cơ đó vì SCIC có thể sẽ trực thuộc “siêu” Ủy ban khi cơ quan này đi vào hoạt động.

Với công tác nhận và thoái vốn trong năm 2018 khi có sự góp mặt của “siêu” Ủy ban, ông Nguyễn Chí Thành - Phó Tổng Giám đốc thường trực SCIC - cho rằng, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ chuyển phần vốn nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn, còn hoạt động của SCIC sẽ vẫn đảm bảo với kế hoạch nhận và thoái vốn tại những DN còn lại.

Trong quyết định thành lập, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định là có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước

Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN - ông Nguyễn Hoàng Anh - được giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Được biết, trong danh sách DN dự kiến chuyển giao về “siêu” Ủy ban, ngoài SCIC sẽ có một loạt các “ông lớn” như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông VTC, Tổng Cty Viễn thông MobiFone, Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam, Tổng Cty Hàng không Việt Nam, Tổng Cty Đường sắt, Tổng Cty Hàng hải Việt Nam...

Theo Khánh Hòa - Khánh Vũ - Đức Thành

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên