Cô “công nhân truyền hình” trẻ nhất VTV24: “Tôi trưởng thành sau những lần phát khóc vì đổ sóng, stress nặng khi làm phóng sự, đến dựng và lên hình cũng thót tim”
“Sau những nỗ lực ấy, các anh chị trực tiếp hướng dẫn và “sếp” đã có ghi nhận bước đầu về sự cố gắng của tôi. Tôi được nhận xét dẫn đời hơn, hiểu và biết truyền tải theo ý mình hiểu, chứ không đơn thuần chỉ là đọc bản tin” – MC, BTV 9X Hải Vân chia sẻ.
- 22-06-2021Pha "quay xe" không ai ngờ của thiên tài Hàn Quốc có IQ cao nhất thế giới: Làm việc cho NASA năm 8 tuổi nhưng bỏ chốn xa hoa về nước để học lại tiểu học
- 19-06-2021Tỷ phú Jeff Bezos: Để sống hạnh phúc và chẳng còn gì hối tiếc ở tuổi 80, hãy tự hỏi bản thân 12 câu này
- 17-06-2021PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu: "Kinh doanh hay chơi chứng khoán, 17-18 tuổi cũng có thể trở thành tỷ phú; còn bác sĩ thường ổn định kinh tế khi tóc đã muối tiêu"
- Là gương mặt quen thuộc với khán giả theo dõi Bản tin kinh tế, Tài chính kinh doanh, vì sao chị dùng cụm từ "công nhân truyền hình" để miêu tả công việc của mình?
- Tôi hay nói vui rằng công việc BTV, phóng viên của mình là "công nhân truyền hình" vì đây là công việc nhiều thú vị, niềm vui nhưng cũng đầy vất vả, đặc biệt đối với nữ giới. Công việc này yêu cầu những người theo đuổi nó phải di chuyển, linh hoạt và liên tục cập nhật những cái mới.
Khác với tưởng tượng của nhiều người là làm BTV truyền hình chỉ cần trang điểm, chỉnh trang quần áo rồi lên sóng, công việc của chúng tôi khi làm việc tại VTV là đi sản xuất, lấy tin bài, hậu kỳ sản phẩm. Lên sóng truyền tải thông tin chỉ là mắt xích cuối cùng trong chuỗi công việc hàng ngày. Trong đó, khâu tìm đề tài, lên ý tưởng thể hiện là thứ khiến tôi ám ảnh nhất.
Lúc mới vào nghề, tôi bị stress khá nặng khi 1 phóng sự mình viết ra phải sửa phần text 5-7 lần, rồi mới được dựng hình, lần nào lên sóng cũng thót tim. Sau 6 năm, tôi đã bản lĩnh trong việc xử lý chất liệu. Mọi việc giờ nhẹ nhàng và trơn tru hơn rất nhiều.
- Vốn là dân ngoại ngữ, chị dành thời gian trau dồi kiến thức kinh tế cho bản thân như thế nào?
- Tôi thích làm phóng viên bởi lẽ công việc này cho tôi cơ hội trau dồi kiến thức ngay trong quá trình tác nghiệp.
Mỗi lần tìm hiểu đề tài, gặp gỡ phỏng vấn nhân vật là một lần được học hỏi. Mỗi nhân vật là một trải nghiệm, là một mảnh ghép thú vị. Vì thế, công việc không lúc nào cảm thấy nhàm chán.
Bên cạnh đó, anh chị đồng nghiệp chính là những người luôn hỗ trợ và chỉ dạy tôi về kỹ năng tác nghiệp, về cách đào sâu vấn đề. Bản thân tôi cũng lựa chọn theo học MBA để có thể hiểu bản chất các vấn đề kinh tế, từ đó mới có thể có cái nhìn thấu đáo, sắc nét hơn trong từng phóng sự.
- Bản tin tài chính, kinh tế có gì khác biệt so với các bản tin trước đó chị từng dẫn?
- Trước khi dẫn các bản tin kinh tế như hiện nay, tôi đã có 3 năm dẫn bản tin thời sự tối VTC1. Mỗi bản tin có những áp lực khác nhau. Bản tin thời sự đòi hỏi kiến thức tổng quát, hiểu biết vấn đề rộng và tổng hợp nhiều thông tin, từ chính trị đến kinh tế, văn hoá. Tính chất của bản tin không cho phép mình được sai sót.
Còn khi dẫn các bản tin tài chính, BTV phải hiểu rõ vấn đề kinh tế, từ hiểu sẽ truyền tải thông tin theo cách gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất với khán giả. Mỗi lần lên sóng, bản thân tôi cũng như các anh chị BTV khác cũng đều tự nhủ, dẫn vấp chút không phải vấn đề, quan trọng là phải dẫn như trò chuyện, như phân tích. Đừng như một cái máy đọc chữ vô hồn.
- Đã bao giờ khán giả nào phản hồi như vậy về cách dẫn của chị chưa?
- May mắn là chưa. Tôi thường xuyên theo dõi bình luận của khán giả. Với tôi, những lời phản hồi của khán giả, dù tích cực hay tiêu cực cũng là động lực cố gắng hơn mỗi ngày. Bởi làm truyền hình, hạnh phúc nhất là được khán giả theo dõi tin tức, nội dung mình truyền tải, thông điệp gửi gắm qua từng phóng sự mỗi lần lên sóng.
Bên cạnh những góp ý về chuyên môn, có nhiều phản hồi đáng yêu lắm như chị để tóc này xinh hay ngày nào em cũng mở y tế 24h xem chị dẫn... Tôi ấn tượng với một bạn khán giả ngày nào tôi lên sóng là ngày đó bạn ấy chụp một tấm hình đẹp của tôi trên TV rồi gửi tin nhắn. Đó là những tình cảm rất đáng trân trọng từ mọi người.
Rồi nhiều khán giả chọn cách ủng hộ những hoạt động, chương trình mà tôi tham gia để giúp đỡ cộng đồng. Như chương trình 12 days giveaway chẳng hạn, tôi đã hoàn thành quyên góp chỉ trong vài giờ đăng bài.
- Ngược lại thời gian, dù có 4 năm dẫn dắt trong môi trường truyền hình song chị vẫn bị VTV24 từ chối tới 2 lần. Cảm xúc lúc bấy giờ thế nào?
- Ôi buồn chứ. Vì dù sao VTV luôn là môi trường làm việc mơ ước của bất kỳ bạn trẻ nào muốn theo nghiệp truyền hình, vì được làm nghề và trau dồi về nghề đúng nghĩa. Bản thân tôi lại từng có kinh nghiệm làm việc ở các đài truyền hình khác nữa. Tuy nhiên, tôi không nản chí mà hiểu rằng mỗi môi trường có một yêu cầu và đặc thù khác nhau, mỗi kênh sóng có một đặc trưng khác nhau nên việc cần làm là thay đổi và thích nghi với từng môi trường.
Và may mắn đã mỉm cười với tôi. Sau đó 1 năm, tôi trở thành BTV, MC kiêm tổ chức sản xuất cho Bản tin tiêu dùng phát sóng 10h sáng hàng ngày.
- Để có được thành công bước đầu đó, chị đã trải qua quãng thời gian rèn luyện thế nào ?
- Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên bước vào VTV, mọi thứ xa lạ và quá mới mẻ. Tôi bị choáng với quy trình tác nghiệp khi BTV tại đây sẽ phải vừa lên hình dẫn, vừa đi sản xuất, vừa hậu kỳ phóng sự và trực tin nóng. "Sếp" muốn các BTV như chúng tôi không chỉ ở trong trường quay mà còn phải biết làm nội dung. Chúng tôi sẽ dẫn chính những phóng sự, những tiêu điểm mà bản thân làm.
Thời gian đầu tôi thường làm chung với các anh chị đồng nghiệp có thâm niên để vừa làm vừa học. Các anh chị đã chỉ cho tôi cách tư duy các chi tiết hình, tư duy tổng quát vấn đề. Khi đã quen, tôi đề xuất anh chị cho tôi được tự mình làm các sản phẩm riêng.
Thú thật là đôi lúc cũng áp lực lắm vì khối lượng công việc nhiều. Tôi đã lớn dần lên sau những lần phát khóc vì đổ sóng do không kịp đẩy hình, hay những lần sửa đi sửa lại đến 5 lần các sản phẩm của mình.
Theo thời gian, kỹ năng của tôi tốt lên, thay vì mất 2h để dựng 1 phóng sự thì giờ tôi chỉ cần 1/2 lượng thời gian đó. Tôi cũng đi nhiều hơn, chịu khó hỏi nhiều hơn để các vấn đề dần vỡ ra. Sau áp lực, nhìn lại thành của của mình tôi thấy thật sự hạnh phúc.
- Sau 2 năm gắn bó với VTV24, chị thấy thay đổi tích cực nhất của bản thân và điểm thiếu sót cần phải khắc phục là gì?
- Thay đổi tích cực nhất của bản thân tôi đó là sự nhanh nhạy trong nhận biết vấn đề kinh tế và xử lý tình huống trên sóng.
Môi trường làm việc của VTVdigital rất năng động, cho phép những phóng viên trẻ như chúng tôi được trau dồi, đổi mới cách thể hiện phóng sự và tạo dấu ấn riêng của bản thân trên sóng. Tôi thấy mình may mắn khi được gắn bó với nơi này.
Thiếu sót thì chắc không ai tránh khỏi, đặc biệt với những người vừa lên hình dẫn, vừa làm phóng viên. Vấn đề của tôi là làm thế nào để đào sâu vấn đề và thể hiện ấn tượng, đẹp hình, đẹp lời cho những đứa con tinh thần của mình. Và tôi thấy mình đang tiến bộ dần qua thời gian.
- Chị nghĩ sao về nhận định: thế hệ MC, BTV trẻ hiện nay chú trọng quá nhiều tới sắc?
- Mỗi thời nhu cầu và đòi hỏi về nghề lại nhau khác. Cá nhân tôi thấy việc chú trọng đầu tư vẻ bề ngoài, nhan sắc phục vụ công việc là không sai. Đặc thù của truyền hình so với các loại hình báo chí khác là cần thanh, cần sắc và cần sự hiểu biết. Nên đầu tư vào nhan sắc chính là 1 trong 3 yếu tố để có thể làm tốt nghề.
Hiện nay, có nhiều bạn trẻ quan điểm hơi sai lệch về nghề. Đó là chỉ cần xinh đẹp, đọc diễn cảm là có thể làm MC, BTV truyền hình. Đó thực ra chỉ là những thứ rất rất bề nổi, càng đi sâu mới càng hiểu nghề này yêu cầu nhiều hơn thế. Và sự sâu sắc, hiểu biết chính là nhan sắc đẹp nhất, làm nên dấu ấn của mỗi biên tập viên và nhận được sự tôn trọng từ khán giả.
- Từng chia sẻ rằng, MC, BTV là công việc muốn theo đuổi trọn đời, chị vạch kế hoạch cho bản thân trong thời gian tới như thế nào?
- Tôi có thói quen lên kế hoạch và mục tiêu công việc của mình ở từng giai đoạn. Bởi thời gian rất ngắn ngủi, đặc biệt với phụ nữ vì sẽ còn phải học vai trò làm vợ, làm mẹ nữa. Nếu chúng ta không có kế hoạch, sẽ không chủ động được lịch trình và chuẩn bị kỹ lưỡng cho những chặng đường tiếp theo.
BTV là nghề tôi yêu thích từ nhỏ và đây sẽ là công việc gắn bó đường dài với tôi. Ở thời điểm này, đam mê và mối bận tâm lớn nhất của tôi là công việc, vì thế tôi sẽ tập trung cao độ để học hỏi, trau dồi và sống trọn với nghề. Tôi tin vào những cơ hội và tin vào nhân duyên, khi mọi thứ đúng người, đúng thời điểm thì sẽ trọn vẹn, đủ đầy.
- Công việc truyền hình vốn bận rộn, chị cân đối thời gian dành cho bản thân, gia đình như thế nào?
- Tổng 1 ngày có 24h không đổi, nên mình dành thời gian nhiều cho thứ gì thì sẽ rút ngắn thời gian cho những mối quan tâm còn lại. Mỗi thời điểm tôi thường tập trung giải quyết 1 vấn đề, xong xuôi sẽ sắp xếp thời gian của mình cho từng thứ tự ưu tiên.
Một ngày tôi thường tận dụng tối đa buổi sáng vì đó là lúc minh mẫn nhất và mình cũng nhiều năng lượng nhất. Sau đó cuối giờ chiều tôi dành thời gian cho bản thân mình để học một bộ môn tôi yêu thích: khi thì đàn piano, khi thì nhảy, khi thì tập gym. Đây là lúc tôi thư giãn và để đầu óc thoải mái sau giờ làm căng thẳng. Sau đó, buổi tối là lúc tôi dành thời gian quan tâm ba mẹ, các em của tôi hoặc nấu nướng ăn uống cùng bạn bè.
Cuộc sống độc thân nên tôi khá linh hoạt về thời gian. Tuy nhiên tôi luôn cố gắng duy trì đi ngủ trước 12h và dành ít nhất 2 tiếng/ ngày để chăm sóc, nuông chiều bản thân.
- Hình ảnh nhà lầu, xe hơi, túi hàng hiệu được chia sẻ trên mạng xã hội của các người đẹp VTV làm dấy lên đồn đoán "làm truyền hình rất giàu". Thực tế có như vậy?
- Tôi quan niệm mọi thứ muốn bền vững thì cần xây dựng từng bước và chắc từ gốc. Không cái gì tự dưng mà có cả. Và cũng không phải bỗng dưng cứ vào truyền hình là lương sẽ cao. Tôi biết có những anh chị có thể sống bằng thu nhập ở đài vì họ chăm chỉ "cày" sản xuất, nhưng cũng có người vẫn phải tìm cách cân bằng chi tiêu.
Các BTV để có thể lên hình và được đông đảo công chúng biết đến cũng cần 1 thời gian dài không ngừng trau dồi, rèn luyện và đổi mới bản thân chứ không phải cơ hội tự đến. Tôi tin cơ hội luôn dành cho những người xứng đáng và biết cách nắm bắt.
- Ở tuổi 27, bí quyết gì đã giúp chị có cuộc sống thoải mái, đủ đầy về kinh tế?
- Tôi luôn tâm niệm bản thân chỉ có thể thoải mái khi độc lập và tự chủ trong cuộc sống của mình: Tự chủ công việc, tự chủ các mối quan hệ và cả tự chủ tài chính. Ý nghĩ đó theo tôi từ lúc bước chân vào giảng đường đại học.
Thời điểm đó tôi đã không xin trợ cấp của ba mẹ dù các phụ huynh luôn sẵn sàng dang tay khi con gái cần. Tôi chọn cách độc lập tài chính bằng việc đi dạy thêm, đi làm MC các bản tin âm nhạc cho kênh ITV...Và tôi đã có thể mua những thứ tôi thích từ thời điểm đó, cách đây cũng 8 năm rồi.
Hiện tại, công việc ở đài cũng cho tôi một thu nhập đủ để chi trả cuộc sống. Tôi cũng là người biết trân trọng cơ hội và chịu khó tích góp. Khi cơ hội đến, tôi sẽ cố gắng 200% sức lực của mình hoặc chung vốn ngay để có thu nhập thụ động phòng lúc rủi ro, có "lương khô tích luỹ" lâu dài.
Cảm ơn những chia sẻ của chị.