MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có đến 70 - 80% người dân đều ủng hộ cải tạo chung cư cũ nhưng khi bắt tay vào làm thì còn quá nhiều tồn tại

26-12-2019 - 14:41 PM | Bất động sản

Đó là nhận định của ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và xây dựng Xuân Mai, là một trong 18 nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo và xây dựng mới 28 chung cư cũ trên địa bàn Tp.Hà Nội trong thời gian từ cuối năm 2016 đến nay.

Theo ông Sơn, bản thân Xuân Mai cũng như các nhà đầu tư khác đang đứng trước nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án vì nhiều vướng mắc trong khung chính sách và công tác giải phóng mặt bằng cho dù các doanh nghiệp rất quyết tâm đồng hành cùng Thành phố.

Vị Chủ tịch Xuân Mai cho rằng, có đến 70 - 80% người dân đều mong muốn và ủng hộ cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện một số dự án thì còn quá nhiều tồn tại.

Cụ thể, thiếu kế hoạch đồng bộ trong cải tạo chung cư; thiếu chế tài và công tác tuyên truyền, vận động người dân của chính quyền địa phương; trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư còn bất cập và kéo dài (nhiều thủ tục gần như không thể thực hiện được nếu không điều chỉnh Luật hoặc vận dụng phù hợp); công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn (có sự phân hóa cao trong việc đồng thuận hệ số đền bù giữa các tầng trong chung cư và sự đồng thuận của đa số chủ sở hữu)…

“Đó thực sự là rào cản trong việc đảm bảo quyền lợi chung của người dân, của nhà nước và của doanh nghiệp khiến cho nguồn vốn đầu tư vào phân khúc này còn hạn chế trong khi nhu cầu ngày càng cấp bách và ngân sách địa phương không thể kham nổi”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Sơn phản ánh, việc chậm triển khai đầu tư dự án (đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng) khiến nguồn vốn doanh nghiệp có nguy cơ bị động cao, dự án không hiệu quả. Điển hình như đối với dự án “Cải tạo, xây dựng lại khu tập thể 3 tầng tại Hà Đông, Hà Nội” cần một nguồn vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng. Qua nhiều lần làm việc với các chủ sở hữu thì phương án đền bù ngày càng có dấu hiệu leo thang và diễn biến phức tạp.

Ngoài việc các hộ cơi nới diện tích khác với giấy tờ gốc thì các yêu cầu về hệ số đền bù gần như không có điểm dừng khiến việc thỏa thuận gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng thì thủ tục lựa chọn doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án cũng khiến các nhà đầu tư chùn bước dù đã được rất nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội Bất động sản có ý kiến xong đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Theo ông Sơn, việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được chủ động quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư khi các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được nhà đầu tư do theo quy định cần phải được thống nhất của tất cả các chủ sở hữu mới được tiến hành cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khiến cho thủ tục đầu tư kéo dài nếu không muốn nói là bế tắc.

Điều này tác động rất lớn vào kế hoạch sản xuất kinh doanh và thu xếp cơ cấu vốn của các doanh nghiệp. Từ thực tế trên có thể nhận thấy để khơi thông dòng vốn cho cải tạo trên 1.500 chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội sẽ còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết nếu không sẽ khó có cơ sở hiện thực hóa trong thời gian tới.

Ông Sơn nêu kiến nghị, có thể thấy cải tạo chung cư cũ cần được coi là một dạng phát triển nhà ở xã hội, cần có những chính sách ưu đãi phù hợp đặc biệt là chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, đơn giản thủ tục để tạo sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư.

Trong đó, để giải quyết mộ số khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa rõ ràng, cụ thể hoặc chưa phù hợp với thực tiễn đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, nghiên cứu đồng thời thực hiện đồng bộ trong nội dung Luật sửa đổi, bổ sung các Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 101/2015/NĐ-CP trong thời gian tới.

Đồng thời, đề nghị cho phép các chủ sở hữu được thống nhất lựa chọn nhà đầu tư xây dựng lại nhà chung cư trong một thời gian nhất định; quá thời hạn mà chủ sở hữu không lựa chọn được chủ đầu tƣ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động lựa chọn chủ đầu tư.

Ngoài ra, để tạo được nguồn vốn cho cải tạo chung cư cũ, Thành phố cần giữ vai trò chủ chốt nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án trên cơ sở cần tạo lòng tin cho người dân và các chủ đầu tư trong việc triển khai đầu tư. Đặc biệt các cấp chính quyền cần phải tham gia một cách trực tiếp vào quá trình đầu tư xây dựng chung cư cũ, tuyên truyền các cư dân tại trong và ngoài chung cư cũ nhận thức trách nhiệm trong công tác cải tạo và xây mới chung cư của chính họ.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên