Có đến 8 bị cáo là người nhà, "đại gia" Sáu Phấn đưa con cháu đến vòng lao lý như thế nào?
Đáng chú ý trong số đồng phạm có nhiều bị cáo (Ngô Kim Huệ, Hứa Thị Bích Hạnh, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Lâm Kim Dũng, Ngô Nguyễn Đoan Trang) là cháu của bị cáo Hứa Thị Phấn.
Ngày 8/5, TAND Tp.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) và 27 đồng phạm về 2 tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Liên quan đến bị cáo Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn), do sức khỏe không đảm bảo nên không tham dự phiên tòa.
Theo cáo trạng truy tố của Viện KSNDTC, bị cáo Phấn giữ chức vụ Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín (theo Quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm số 134 ngày 31/12/2008, thôi giữ chức vụ theo Quyết định số 96 ngày 03/12/2012 của HĐQT), có nhiệm vụ tư vấn cho Thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín.
Bị cáo Phấn bị cáo buộc đã lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng đã thực hiện và chỉ đạo nhân viên Ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là 12.005,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số các đồng phạm có nhiều bị cáo (Ngô Kim Huệ, Hứa Thị Bích Hạnh, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Lâm Kim Dũng, Ngô Nguyễn Đoan Trang) là con cháu của bị cáo Phấn.
Thứ nhất, bị cáo Ngô Kim Huệ nguyên Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín. Theo cáo trạng, bị cáo Huệ khai được bà Phấn nuôi ăn học và đưa vào làm thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc phụ trách về xây dựng cơ bản và một số việc khác. Bị cáo Huệ cũng là thành viên HĐQT đồng ý mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng, cao hơn gấp 8 lần giá thị trường, giúp bà Phấn chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Huệ còn giúp sức cho bị cáo Phấn hạch toán thu chi khống, làm trái quy định, gây thiệt hại 5.256 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Huệ khai nhận việc ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch là không có họp HĐQT, đồng thời bị cáo Huệ cũng xác định việc mua căn nhà trên với giá 1.260 tỷ đồng theo chỉ đạo của bị cáo Phấn là sai.
Cùng với bị cáo Bùi Thị Kim Loan ôm con vừa sinh đến tòa, bị cáo Ngô Kim Huệ cũng vừa sinh con chưa đầy 2 tháng.
Bị cáo Ngô Kim Huệ là cháu bị cáo Hứa Thị Phấn.
Thứ hai, bị cáo Lâm Kim Dũng, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang, khai báo là cháu bị cáo Phấn nên đầu năm 2010 được bị cáo Phấn thuê làm Giám đốc với mức lương 10,5 triệu đồng/tháng. Được biết, thực chất Dũng chỉ là Giám đốc trên danh nghĩa, mọi hoạt động của Công ty đều do bị cáo Phấn chỉ đạo thông qua thư ký của bà là bị cáo Loan.
Liên quan đến việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bị cáo Dũng cho biết không được bàn bạc hay thảo luận, mà mọi hồ sơ, thủ tục, văn bản, hợp đồng, chứng từ liên quan đến việc mua rồi bán cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.268 tỷ đồng, sau đó hủy và bán cho bị cáo Phấn với giá 450 tỷ đồng đều do bị cáo Phấn chỉ đạo thông qua bị cáo Loan. Bị cáo Dũng chỉ ký hồ sơ, chứng từ và hợp đồng do bị cáo Loan đưa chỉ đạo Dũng ký. Số tiền 990 tỷ đồng Ngân hàng Đại Tín chuyển khi ký hợp đồng mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.268 tỷ đồng, Công ty Lam Giang và bị cáo Dũng không sử dụng số tiền này, mà bị cáo Phấn là người sử dụng, theo ghi nhận từ cáo trạng.
Bị cáo Lâm Kim Dũng là cháu của Hứa Thị Phấn.
Hay như bị cáo Lâm Hứa Quỳnh Trinh cũng là cháu gọi bị cáo Phấn là bà. Bị cáo nguyên là Phó phòng phụ trách Phòng Ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín – chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang cũng bị truy tố vì giữ vai trò giúp sức cho bị cáo Phấn, có hành vi ký 8 phiếu thu khống 127 tỷ đồng để tất toán khoản vay 123,6 tỷ đồng gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín. Theo lời khai của Trinh, bị cáo có đứng tên ký vay giúp bị cáo Phấn 3 khoản vay với tổng số tiền 123,6 tỷ tại Ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, Trinh chỉ xem sơ qua hợp đồng và ký vào vị trí khách hàng vay vốn, sau đó Ngân hàng giải ngân thế nào, cho ai Trinh không biết. Tuy nhiên, xác định với cơ quan điều tra, Trinh cho biết tiền giải ngân ra bị cáo Phấn là người sử dụng.
Cùng với đó, các bị cáo Ngô Nguyễn Đoan Trang (nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguồn vốn, là cháu gọi bị cáo Phấn là bà), Hứa Thị Bích Hạnh (nguyên Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, cũng là cháu của bị cáo Phấn) bị cáo buộc đã ký khống nhiều chứng từ thu, nộp tiền, đứng tên vay tiền cho bà Phấn, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ cho Ngân hàng Đại Tín.
Ngoài ra, còn có 8 người cháu có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng trong vụ án cũng được bị cáo Phấn nhờ đứng tên vay giúp các khoản vay tại Ngân hàng Đại Tín.