Cổ đông dầu khí hân hoan mặc thị trường điều chỉnh mạnh, "cửa sáng" trong năm 2022 khi giá dầu vẫn neo cao
Ông Đỗ Trung Thành cho rằng giá dầu trung bình trong năm 2022 sẽ duy trì ở mức giá cao trên điểm hoà vốn khai thác tại Việt Nam (khoảng 60 USD/thùng), đây là yếu tố tiền đề cho tăng trưởng giá cổ phiếu dầu khí trong năm 2022.
Thị trường chứng khoán có thêm một phiên "nhuốm đỏ" khi chỉ số VN-Index "đánh rơi" gần 21 điểm trong phiên 23/12, độ rộng nghiêng hoàn toàn về bên bán khi có tới 706 cổ phiếu giảm điểm, tương ứng gần 2/3 lượng cổ phiếu giao dịch trên cả 3 sàn. Ngược dòng, cổ phiếu dầu khí có một phiên giao dịch khởi sắc với hàng loạt mã tăng tích cực.
Dẫn đầu đà tăng phải kể tới cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí khi chốt phiên tại mức giá trần 28.550 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 6,9% trong phiên hôm nay. Dư mua giá trần xấp xỉ 340 nghìn đơn vị. Mặc dù đã giảm 11% so với mức đỉnh hơn 5 năm 32.100 đồng/cổ phiếu ( phiên 16/11), song so với đầu năm 2021, thị giá PVD vẫn tăng hơn 76% về giá trị.
Giao dịch trên HNX với biên độ dao động lớn hơn, PVC của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP trong phiên có thời điểm đã tăng kịch trần 9,5% trước khi chỉnh nhẹ về mức giá chốt phiên 16/000 đồng/cổ phiếu, vẫn đạt mức tăng ấn tượng 8,8% đồng thời lập đỉnh lịch sử.
BSR cũng có một phiên giao dịch tốt khi thị giá từ vùng giá đỏ đầu phiên đã nhanh chóng tăng mạnh để kết phiên tăng 4,1% lên mức 22.900 đồng/cổ phiếu. Tương tự, hàng loạt cổ phiếu dầu khí khác cũng đồng loạt tăng như PVS tăng 3,1%, OIL tăng 3,6%, PVB tăng 3,2%, POS tăng 0,6%.
Diễn biến cổ phiếu dầu khí trong phiên 23/12
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, CTCK Dầu khí (PSI) cho biết áp lực điều chỉnh trong giai đoạn cuối năm hoàn toàn có thể xảy ra và nhà đầu tư nên tái cơ cấu sang một số cổ phiếu cơ bản dự kiến có kết quả kinh doanh khả quan như: dầu khí, phân bón, điện, bảo hiểm, dược phẩm.
Riêng đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, ông Đỗ Trung Thành đánh giá yếu tố tiền đề cho tăng trưởng chính là việc giá dầu được dự báo ở mức cao trong năm 2022.
Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, CTCK Dầu khí (PSI)
"Giá dầu trung bình trong năm 2022 khó chạm ngưỡng 100 USD/thùng, tuy nhiên nhiều khả năng giá dầu sẽ duy trì ở mức giá cao trên điểm hoà vốn khai thác tại Việt Nam (khoảng 60 USD/thùng) nhờ sự hỗ trợ cả về phía nguồn cung (việc mở rộng khả năng khai thác không thể tăng nhanh cùng đà tăng của giá dầu) và nguồn cầu (kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhu cầu nhiên liệu thay thế cho than và nhu cầu sưởi ấm tăng cao)", ông Thành nhận định.
Vị chuyên gia đến từ PSI kỳ vọng hoạt động các doanh nghiệp thượng nguồn và trung nguồn sẽ có triển vọng tích cực khi hoạt động thăm dò, khai thác trở nên sôi động trở lại trong đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, hoá chất khoan, kỹ thuật công trình biển, cung cấp kho nổi FSO/FPSO, vận chuyển khí & dầu sản phẩm sẽ có được những nguồn công việc mới với giá dịch vụ cao hơn trước, qua đó cải thiện cả doanh thu và lợi nhuận của ngành dầu khí, phản ánh tích cực lên giá cổ phiếu.
Cùng quan điểm nhưng tích cực hơn, báo cáo triển vọng năm 2020 của Chứng khoán VNDIRECT chỉ ra kỳ vọng giá dầu Brent đạt mức trung bình 75 USD/thùng trong năm 2022 sẽ là động lực cho ngành dầu khí trong bối cảnh nhu cầu thế giới đang trên đà phục hồi có thể về mức trước đại dịch và nguồn cung dường như vẫn bị thắt chặt do OPEC+ thận trọng trong việc tăng sản lượng và sự phục hồi chậm của ngành dầu mỏ Mỹ.
Tại nhóm thượng nguồn, giá dầu tăng mạnh sẽ tác động tích cực đến nền tảng cơ bản của các công ty thượng nguồn trong thời gian tới. VNDIRECT tin rằng hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) tại Đông Nam Á cũng sẽ được thúc đẩy nhờ giá dầu tăng mạnh, giúp cho thị trường khoan trong khu vực sôi động trở lại trong trung hạn và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan như PVD.
Trong khi đó, khai thác khí tự nhiên sẽ là điểm sáng tại Việt Nam nhờ các dự án khổng lồ trong một vài năm tới. Đây sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam trong dài hạn, củng cố nền tảng cơ bản của ngành và trước hết là cung cấp cơ hội việc làm cho các nhà thầu và nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn nội địa như PVS và PVD.
Tại nhóm trung nguồn, VNDIRECT nhận thấy tiềm năng lớn của lĩnh vực LNG nhờ sự ổn định trong quy trình sản xuất điện và khả năng gia tăng công suất thông qua nhập khẩu. GAS được cho là doanh nghiệp hưởng lợi nhất với tư cách là nhà phát triển cơ sở hạ tầng cũng như nhà cung cấp LNG. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp vận tải biển trong nước, VNDIRECT cho rằng xu hướng đầu tư LNG có khả năng mở ra một hướng kinh doanh mới trong dài hạn và PVT có thể chiếm lĩnh thị trường nếu tham gia vào phân khúc này nhờ vị thế dẫn đầu doanh nghiệp.
Nhóm hạ nguồn được kỳ vọng hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi trong trạng thái “bình thường mới”. VNDIRECT kỳ vọng những thay đổi này có thể sẽ giúp các nhà phân phối xăng dầu như PLX, OIL giảm bớt tác động tiêu cực của việc giảm giá hàng tồn kho. BSR cũng được kỳ vọng sẽ quay trở lại hoạt động hết công suất trong khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thể cải thiện hiệu suất sử dụng lên mức cao hơn (~90%) trong năm 2022. Mặt khác, hàng tồn kho của BSR đã tăng 56% so với quý trước và nguồn nguyên liệu giá rẻ này có thể mang lại khoản lợi nhuận tiềm năng trong ngắn hạn do giá dầu dự kiến vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị