Cô gái 26 tuổi mua được nhà nhờ bán quần áo cũ
Olivia Hillier bán quần áo đã qua sử dụng và thu được lợi nhuận 6.000 - 7.000 USD mỗi tháng.
- 15-05-2022Nhìn lại 1 tuần đầy nỗi đau của thị trường tiền ảo
- 14-05-2022Châu Âu tranh giành năng lượng, nhưng châu Á lại phải “trả giá”
- 13-05-2022Được ca ngợi như xu hướng mới, Elon Musk lại gọi xe hydro là “ngu ngốc”, cơ hội soán ngôi xe điện còn bao xa?
Olivia Hillier bắt đầu công việc tay trái chỉ bằng một chiếc áo phông trị giá 5 USD mà cô nhìn thấy ở một cửa hàng tiết kiệm.
Hillier là sinh viên y khoa tại Rochester, Đại học Oakland, Michigan. Cô đã tích luỹ được một vài kinh nghiệm nhờ bán chính quần áo cũ của mình trên ứng dụng bán lại Poshmark. Cô chưa bao giờ nghĩ nhiều về điều này. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid bùng phát vào năm 2020, Hillier nhận thấy những người bán hàng khác trên Poshmark đang kiếm lợi từ việc “mua đi bán lại” các mặt hàng đã qua sử dụng hợp thời trang.
Bên cạnh đó, các khoản vay sinh viên với khoản học phí trường Y tiêu tốn 220.000 USD trong 4 năm cũng là một động lực để cô gái 26 tuổi nghĩ đến việc làm thêm. Hillier đã nghiên cứu cách thức vận hành trên trang Poshmark và bắt đầu nghĩ về chiến lược bán hàng của riêng mình.
Chiếc áo phông đầu tiên 5 USD sau đó đã được bán với giá 20 USD. Kể từ đó, công việc bán thời gian của Hillier đã mang lại tổng doanh thu hơn 117.000 USD, riêng năm ngoái là 85.000 USD. Mỗi tháng, lợi nhuận từ việc bán hàng là 6.000 USD – 7.000 USD, giúp cô có tiền mua được một căn nhà 5 phòng ngủ.
Hillier chia sẻ rằng: “Nếu không có công việc kinh doanh này, tôi thậm chí còn chẳng thể có được một tài khoản tiết kiệm nào. Và tôi phải vay nợ để trang trải chi phí sinh hoạt của mình, ngoài học phí".
Sau khi tốt nghiệp trường Y, Hillier ngay lập tức chuyển đến Kansas cùng chồng để bắt đầu khoá học nội trú y khoa gia đình. Cô cho biết, thu nhập từ công việc tay trái đã giúp hai vợ chồng trả 25.000 USD phí đóng và khoản trả trước cho ngôi nhà mới. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể làm được như vậy.
Olivia Hillier kiếm tiền từ việc bán quần áo cũ. Ảnh: Olivia Hillier
Điều chỉnh mô hình kinh doanh
Hillier bắt đầu nghiên cứu bán hàng từ tháng 8/2020 khi nhận thấy những người sử dụng Poshmark khác đang đăng bán hàng nghìn mặt hàng không có trong tủ quần áo của chính họ. Cô biết được rằng nhiều người đang tìm nguồn cung ứng hàng cũ từ các cửa hàng tiết kiệm và nhà bán lẻ như Nordstrom Rack và TJ Maxx.
Hillier đã dành vài tháng tiếp theo để thử nghiệm các cách bán hàng khác nhau. Cuối cùng, cô gái 26 tuổi tập trung vào quần áo mang phong cách "vintage" vì đây là những mặt hàng hút khách nhanh nhất. Khách hàng của cô chủ yếu là những phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi.
Ban đầu, cô tính phí 20 USD đến 30 USD cho mỗi mặt hàng, bất kể nguồn hàng. Sau khi nghiên cứu các sản phẩm tương tự thường được bán với giá nào, cả trên Poshmark và các nhà bán lẻ nổi tiếng, cô đã điều chỉnh. Giờ đây, những chiếc váy của Hillier – là những món đồ phổ biến nhất của cô - được bán với giá từ 25 USD đến 200 USD/chiếc, tùy thuộc vào thương hiệu và giá bán lẻ của mặt hàng.
Công việc tay trái của Hillier không thực sự đạt được thành công cho đến khi cô tìm ra được nguyên tắc cân bằng giữa việc bán quần áo và học ở trường.
Vào các ngày thứ sáu, cô sẽ chạy từ lớp học đến các cửa hàng tiết kiệm, dành cả buổi tối đó để phân loại và dọn dẹp quần áo. Vào chủ nhật, cô làm mẫu và chụp ảnh cho bộ sưu tập mới của mình. Vào các ngày thứ hai, giữa các khoảng thời gian trống đến bệnh viện, cô đăng tải các sản phẩm mới lên tủ Poshmark của mình. Ngày nào cô cũng đến bưu điện gửi đồ.
Hillier nói: “Bạn phải tập trung và có một thói quen. Nếu không có niềm yêu thích nhiều cho công việc này, tôi sẽ không dành thời gian cho nó.”
Tăng cường nguồn hàng
Hillier cho biết, hiện cô dành từ 20 đến 40 giờ mỗi tuần để tìm nguồn cung ứng, đăng bài và vận chuyển quần áo. Tổng lượng hàng cũ của cô với hơn 1.100 mặt hàng - đã giúp cho Hillier có mức thu nhập ổn định, ngay cả khi cô bận rộn công việc ở trong bệnh viện.
Nền tảng bán hàng không hoàn hảo
Ví dụ: Hillier thấy rằng Poshmark giữ 20% mỗi lần khách mua hàng giá trị trên 15 USD. Depop, một nền tảng cạnh tranh, chỉ mất 10%. Và Facebook Marketplace hiện không tính bất kỳ khoản phí nào đối với người bán có Facebook Shop.
Đối với Hillier, các dịch vụ thân thiện với người bán của Poshmark làm cho các khoản phí trở nên xứng đáng. Khi ai đó mua một mặt hàng trên Poshmark, nền tảng này sẽ gửi một tấm dán cho người bán qua email với trọng lượng và địa chỉ giao hàng được điền sẵn. Tất cả những gì người bán phải làm là in ra, dán nhãn lên hộp và gửi tại bưu điện.
Nền tảng này cũng giúp giải quyết các khiếu nại và trả lại của người mua, điều này giúp cô tránh được nhiều phiền hà.
“Đôi khi rất khó để thương lượng với mọi người và bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người", cô nói.
Các khoản phí của nền tảng dường như không ảnh hưởng đến sự phát triển trong công việc kinh doanh của Hillier. Nghề tay trái đã đem lại cho cô gái 26 tuổi thu nhập hơn 55.000 USD năm 2022.
Tại ngôi nhà mới ở Kansas, Hillier và chồng - một phi công thương mại của SkyWest Airlines - đã dành riêng một “phòng Poshmark”. Số tiền kiếm được từ Poshmark, một phần được Hillier dùng để trả cho tiền thế chấp căn nhà. Phần còn lại cô sẽ dùng để mua đồ nội thất mới, đi du lịch, nuôi chó và thanh toán các khoản vay sinh viên.
Hillier nói: “Nhiều người không thể kiếm được một công việc ổn định khi đi học vì họ không có thời gian và sự linh hoạt. Thật tuyệt khi không chỉ có thời gian để làm điều gì đó mình thích mà còn có đủ khả năng cho những thứ khác… Tôi muốn duy trì công việc kinh doanh này và tôi hy vọng sẽ tiếp tục nó khi tôi học lên cao hơn nữa”.
NĐH