MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô gái 28 tuổi nghỉ hưu sớm với 2 triệu đô trong tài khoản bày cách tiết kiệm 70% thu nhập mỗi tháng mà ai cũng có thể làm được

14-03-2017 - 19:19 PM | Tài chính quốc tế

Nguyên tắc số 1 trong tiết kiệm của Livingston chính là cân nhắc chi phí của sản phẩm theo giờ công lao động của chính bạn, chứ không phải trên giá trị thực tế của món hàng đó. Tính toán như vậy sẽ giúp bạn lựa chọn sáng suốt hơn khi tiêu tiền.

Cũng giống như bất cứ thanh niên New York 28 tuổi nào, JP Livingston dành thời gian rảnh trong ngày để chơi với chú chó yêu quý, lang thang Netflix và khám phá thành phố New York. Tuy nhiên, có một điểm mà JP Livingston khác với những thanh niên 28 tuổi khác: Cô đã nghỉ hưu.

Sau 7 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính và chăm chỉ để “leo” lên vị trí quản lý của công ty, Livingston đã nắm trong tay 2 triệu USD để thực hiện ước mơ mà cô ấp ủ từ hồi trung học: nghỉ hưu sớm. 40% tài sản của cô đến từ đầu tư và 60% đến từ tiền tiết kiệm hàng tháng.

“Cách nghĩ của tôi rất đơn giản. Nếu bạn không cần phải làm việc vì tiền nữa, bạn có thể làm bất cứ điều gì mà mình thích. Nếu bạn vẫn muốn làm một công việc truyền thống, bạn có thể nhưng không bắt buộc phải làm. “Nghỉ hưu sớm” là cụm từ đã có sẵn trong từ điển của tôi ngay từ thời trung học”, Livingston chia sẻ trên Business Insider.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Livingston đã có được một công việc hấp dẫn với mức thu nhập 100.000 USD/năm. Tuy nhiên, cô đã thiết lập mục tiêu tự do về tài chính, do vậy cô quyết định sống giản dị và tiết kiệm 70% thu nhập hàng tháng. Thậm chí kể cả khi thu nhập của cô tăng lên mỗi năm, Livingston vẫn không thay đổi lối sống mà để dành nhiều tiền hơn cho mục tiêu “nghỉ hưu sớm” đã đề ra.

Sau khi nghỉ hưu, Livingston dành toàn bộ thời gian viết về cách quản lý tài chính trên blog cá nhân mang tên The Money Habit; đi dạo với chú chó yêu quý dọc dòng sông Hudson và làm những việc mà cô yêu thích. Đồng thời, cô vẫn duy trì mức chi tiêu của hai vợ chồng chỉ ở con số 65.000 USD/năm.

Là thành phố đắt đỏ thứ 2 thế giới, New York luôn nổi tiếng với những khoản chi tiêu cắt cổ. Tuy nhiên, theo Livingston, bạn vẫn có thể sống và hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ ở thành phố này mà không đến mức phá sản. Dưới đây là 4 bí quyết trong quản lý tài chính của Livingston mà ai cũng có thể thực hiện được.

Người Mỹ chuẩn bị tài chính cho tuổi nghỉ hưu như thế nào?

1. Xác định các loại chi phí khiến bạn tốn kém nhất và cắt giảm chúng

Người Mỹ thường chi phần lớn tiền vào 3 thứ: nhà ở, phương tiện đi lại và thực phẩm. Nắm được điều này, Livingston đã lập kế hoạch để “mở đường” cho việc tiết kiệm 70% thu nhập mỗi tháng của cô.

Mặc dù mức lương của Livingston hoàn toàn đủ để sống trong một căn hộ sang trọng, nhưng cô chọn sống với bạn cùng phòng trong một ngôi nhà 3 tầng bằng thang bộ ở Upper East Side với mức chi phí 1.050$/tháng – một con số khá hợp lý so với tiêu chuẩn sống ở New York.

“Chúng tôi đều vừa mới tốt nghiệp đại học và không cần chỗ ở quá sang trọng làm gì. Do đó, tôi đã giải quyết được vấn đề lớn nhất của mình. Tôi biết có nhiều bạn bè đồng trang lứa ở chỗ đắt hơn tôi từ 400-600$/tháng; tức là họ mất thêm khoảng 7.000$/năm cho tiền nhà nữa”, Livingston nói.

2. Mua đồ nội thất cũ

Chính vì là thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới nên New York lại trở thành nơi lý tưởng cho việc buôn bán hàng hoá “secondhand” với mức rẻ như cho, đặc biệt là qua hệ thống chợ online Craigslist.

“Thông thường các món đồ cũ đều chưa được dùng quá 1 năm. Chúng được đem bán chỉ vì có quá nhiều người chuyển đi hàng năm ở thành phố này. Có những gia đình chỉ ở đây khoảng 2 năm là họ đã dọn đi rồi”, Livingston chia sẻ.

Cô thường mua đồ nội thất qua Craigslist với giá rẻ hơn 50% so với giá niêm yết. Livingston cho rằng chính mật độ dân số và nhịp sống ở New York khiến cho mọi thứ buôn bán trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

“Bạn hoàn toàn có thể bán món đồ mà bạn không thích một cách dễ dàng. Bất cứ khi nào tôi mua một món đồ nào đó và thấy không cần đến nó nữa, tôi sẽ mang bán với mức giá phải chăng nhất”, cô gái trẻ tiết lộ.

3. Tận dụng sự đông đúc của thành phố

Thành phố New York tràn ngập những quán bar, nhà hàng và tiệm cà phê mà bạn có thể thoả thích lựa chọn nơi nào phù hợp nhất với “túi tiền” của mình.

Chẳng hạn, nếu như căn hộ của bạn quá nhỏ để có thể tổ chức một bữa tiệc cho vài chục người, bạn không cần phải đến một khách sạn sang trọng với mức giá 16$ cho một ly cocktail. Bạn có thể tìm những nơi khác giá rẻ hơn mà vẫn cung cấp những tiện ích y hệt như vậy.

“Có vô vàn tiệm cà phê với giá chỉ từ 3-5$ mà bạn vẫn có không gian ngồi thoải mái để trò chuyện với bạn bè hoặc ăn gì đó. Tôi thích một thành phố với những dịch vụ tiện lợi như vậy”, Livingston nói.

4. Cân nhắc chi phí theo giờ công lao động mỗi khi quyết định mua gì đó

Nguyên tắc số 1 trong tiết kiệm của Livingston chính là cân nhắc chi phí của sản phẩm theo giờ công lao động của chính bạn, chứ không phải trên giá trị thực tế của món hàng đó.

“Nếu bạn nghĩ bạn kiếm được bao nhiêu tiền, hãy chia số tiền đó cho tổng số giờ công lao động của bạn, bạn sẽ biết mình kiếm được bao nhiêu tiền mỗi giờ”, cô nói.

Chẳng hạn, nếu lương của bạn là 20$/giờ. Như vậy, một chiếc iPhone với giá 700$ sẽ tương đương với 35 giờ lao động của bạn; một buổi đi bar đêm tốn 100$ tương đương với 5 giờ lao động của bạn và 1 chiếc áo 40$ tương đương với 2 giờ. Sau đó, bạn hãy tự hỏi bản thân liệu có nên mua chúng hay không?

“Điều quan trọng ở đây không phải là số tiền bạn tiết kiệm được, mà là số tiền bạn có thể dành cho đầu tư hoặc tăng thêm thu nhập. Khi bạn quy đổi hàng hoá ra số giờ công lao động, bạn sẽ có lựa chọn sáng suốt hơn mỗi khi tiêu tiền”, Livingston nói.

Chẳng hạn, bây giờ bạn cắt giảm tiền sữa 5$ mỗi ngày; bạn sẽ tiết kiệm được 1.825$ mỗi năm. Sau 10 năm, với lãi suất 8%, bạn sẽ có số tiền là 33.000$ - một con số không hề nhỏ chút nào.

Hà My

Business Insider

Trở lên trên