MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cô gái 5 tỷ USD" MWG và FPT Retail từng theo đuổi: Một bỏ ngỏ, một "yêu" không đợi chờ!

07-04-2018 - 08:02 AM | Doanh nghiệp

Cùng để mắt trong năm 2017 với những đình đám trên thị trường, đến nay khi Thế giới Di động chưa có kế hoạch phát triển cụ thể, thì FPT Retail lại chọn mảng dược làm 1 trong 3 chiến lược chủ chốt năm 2018.

Nói về ngành dược, trong bối cảnh thu nhập gia tăng, nhu cầu sống của người dân cải thiện đáng kể, ngành dược được đánh giá là ngành tiềm năng với quy mô khoảng 5 tỷ USD/năm. Song, bất cập hiện nay của thị trường này chính là độ phân mảnh cao, thiếu các phương tiện và cách thức marketing tối ưu. Đây cũng chính là thai nghén cho kế hoạch "xâm lăng" của những ông lớn điện máy với hệ thống phân phối "cứng cáp" như MWG, Digiworld (DWG) hay FPT Retail, và mới đây nhất là "ông trùm" đa ngành Vingroup (VIC).

2018 không còn thử sai, FPT Retail sẽ đầu tư và đầu tư mạnh vào chuỗi dược

Riêng với FPT Retail, mặc dù công bố chính thức vào khoảng cuối năm 2017, song Công ty trên thực tế có lẽ đã đầu tư ngay từ đầu năm, khi những con số đạt được tính đến nay tương đối đồng thời còn được chọn là chiến lược phát triển chủ chốt trong năm 2018.

Và tại ĐHĐCĐ diễn ra ngày 28/3/2018, khi được hỏi về kế hoạch rút lui như thế nào nếu năm 2018 công tác đầu tư mảng dược không đạt kỳ vọng, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng Giám đốc FPT Retail khẳng định: "Thực ra năm nay chúng tôi năm nay không còn thử nghiệm tại mảng dược mà sẽ chính thức đầu tư, bởi đã hoàn tất năm qua, và 2018 đi đến quyết định đẩy mạnh". Theo đó, mục tiêu cụ thể trong năm là cấp rút hoàn tất thủ tục pháp lý giấy tờ, nhằm đưa thương hiệu FPT Retail kết hợp với Long Châu ra thị trường.

Ngược lại, cũng rục rịch ngay từ đầu năm 2017, nhưng đến nay việc tham gia mảng này được ban lãnh đạo MWG tiến hành chậm rãi với định hướng cho trung và dài hạn, trong khi MWG đi trước FPT Retail một bước với biểu tượng kết hợp giữa Phúc An Khang và Thế giới Di động ra mắt từ cuối năm 2017.

Cô gái 5 tỷ USD MWG và FPT Retail từng theo đuổi: Một bỏ ngỏ, một yêu không đợi chờ! - Ảnh 1.

MWG mở cửa hàng dược đầu tiên với tên "Nhà thuốc An Khang" vào cuối năm 2017.

MWG bỏ ý định mua "đứt" chuỗi dược phẩm!

Thậm chí, thay vì mua "đứt" 51% vốn tại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, MWG sẽ chỉ mua lại tối đa 40% vốn của chuỗi dược phẩm này để đánh giá lại rủi ro. Với con số sở hữu này, doanh thu từ chuỗi dược phẩm này sẽ không được hợp nhất vào báo cáo kết quả kinh doanh của MWG, mà động lực phát triển chính của đơn vị vẫn sẽ từ Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh và chuỗi cửa hàng điện thoại Thế Giới Di Động.

"Thế Giới Di Động sẽ chỉ đóng vai trò là cổ đông lớn hỗ trợ, còn việc phát triển như thế nào sẽ phụ thuộc vào người quản lý chuỗi dược phẩm An Khang", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT cho biết khi cổ đông đặt câu hỏi về kế hoạch thâu tóm chuỗi dược phẩm.

Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt trong chiến lược đầu tư vào thị trường 5 tỷ USD này giữa 2 đại gia di động, trong khi chỉ 1 năm trước đó mảng dược từng là "cô gái" cả 2 cùng theo đuổi?

Đầu tiên có lẽ do khác nhau về khẩu vị.

Hứng thú với thị trường FMCG, MWG đẩy mạnh mảng Bách Hóa Xanh với mục tiêu 1.000 cửa hàng trong năm 2018. Ngoài ra, Công ty cũng tận dụng lợi thế từ hệ thống phân phối sẵn có để gia nhập thị trường điện máy, với tên gọi Điện Máy Xanh đã phát triển khá tốt thời gian qua.

Còn đối với mảng dược, "Trước mắt quy mô thị trường ngành dược khoảng 4,5 tỷ USD trong khi đó hơn 2,3 tỷ USD đã thuộc về kênh bệnh viện thật sự không hấp dẫn đối với MWG", ông Tài từng phân trần.

Ngược lại, cũng tận dụng cơ sở hệ thống bán lẻ từ mảng di động, FPT Retail bên cạnh việc phát triển chuỗi cửa hàng Apple Store đã đưa cả mảng dược vào nước cờ quan trọng thời gian tới.

Bởi, sau 1 năm đầu tư, FPT Retail cho biết thu về những kết quả khả quan, từ đó rất kỳ vọng vào "đường đi nước bước" sắp đến. Chưa kể, theo số liệu nghiên cứu từ FPT Retail, quy mô ngành dược hiện tương đương ngành điện thoại (5,8 tỷ USD) và cao hơn điện máy (3,7 tỷ USD); chi phí chi cho dược phẩm nước ta lại đang khá thấp so với Thái Lan - 46 USD/năm, Singapore - 142 USD/năm hay Malaysia - 66 USD/năm. Đặc biệt, tăng trưởng ngành 13%/năm và không phụ thuộc vào tình hình kinh tế, do đó mảng này vẫn rất hấp dẫn trong mắt FPT Retail.

Nguyên nhân thứ hai theo giới đầu tư chính là chiến lược đối với ngành, cũng như mức độ chấp nhận rủi ro.

Nhìn nhận về mảng dược trên quan điểm người cầm trịch FPT Retail: "Dược có thể chia thành 2 mảng là thuốc long dược và thực phẩm chức năng, trong đó mỗi mảng có một nhiệm vụ riêng. Nếu thuốc là nhu cầu thiết yếu và không ngừng tăng trưởng, thì thực phẩm chức năng tương lai sẽ được người dân dùng nhiều do chất lượng đời sống cũng như thu nhập ngày càng được cải thiện".

Và dù đồng tình với ông Tài rằng gần 1,5 tỷ USD ngoài thuốc long dược sẽ là câu chuyện tăng trưởng trong 2-3 năm tới, nhưng FPT Retail vẫn quyết định đầu tư sớm là nhằm định vị thương hiệu. Tức, hiện nay thuốc đã, đang và sẽ là kênh kéo khách hàng; khi mà một người muốn bán được thực phẩm chức năng thì phải được khách hàng biết đến trước đã, rồi mới tìm đến. Như vậy, FPT Retail tương lai gần sẽ đầu tư bán thuốc, với mục tiêu sâu xa nhằm định vị thương hiệu, hiểu nôm na là "gom sẵn" khách hàng?

Bởi, thực tế mảng thuốc về lâu về dài khó cạnh tranh lại kênh bệnh viện. Hơn nữa, thị trường dược Việt Nam đang tiềm ẩn rất nhiều bất cập liên quan đến chuỗi phân phối, chất lượng, nguồn gốc và đặc biệt là mức giá thành chính xác của sản phẩm thuốc trong quá trình đến tay người tiêu dùng. Một doanh nghiệp tư nhân dù năng lực có, chiến lược có nhưng muốn thành công trong thị trường gần như "độc quyền" này không hề dễ dàng. Chưa kể, với vai trò tiên phong, FPT Retail có thể sẽ đối mặt và phải chăng đã chọn đối mặt với rất nhiều rủi ro, thử thách thời gian tới.

Cuối cùng, có lẽ không phải cốt lõi vấn đề nhưng ít nhiều cũng tác động đến quyết định khác nhau của MWG và FPT Retail, chính là thương hiệu và hiệu quả hoạt động của 2 chuỗi dược phẩm.

Chọn Long Châu vì quan sát thấy lượng khách đến cửa hàng cao, đa dạng sản phẩm với giá thành phải chăng, FPT Retail sau 1 năm thăm dò đã hái gặt được nhiều "trái ngọt". Về doanh thu bình quân theo tháng của một cửa hàng, Long Châu hiện đạt khoảng 134.000 USD/tháng, cao hơn mức 32.000 USD/tháng của Phúc An Khang, 11.000 USD/tháng của Pharmacity và 18.000 USD/tháng của Phano.

Cô gái 5 tỷ USD MWG và FPT Retail từng theo đuổi: Một bỏ ngỏ, một yêu không đợi chờ! - Ảnh 2.

FPT Retail tổng hợp thông qua các kênh của trình dược viên và nhà cung cấp.

Còn với MWG, Phúc An Khang là chuỗi dược phẩm khá phù hợp với chiến lược M&A của Công ty và gần như đáp ứng mọi yêu cầu mà ông Tài từng công bố trong ĐHĐCĐ 2017. Nổi bật Phúc An Khang và MWG có điểm tương đồng là đều phát triển thị trường tại khu vực phía Nam.

Song, khác với Long Châu, nỗ lực mở rộng của Phúc An Khang có phần chậm lại khi nhà thuốc thứ 20 đã được mở nhưng chỉ còn 14 chi nhánh chính thức hoạt động. Điều này từng được nhiều chuyên gia nhận định sẽ bù đắp bởi MWG, nhưng đến nay ông trùm điện máy đã chọn không vội vã thực hiện.

Tựu trung lại, quyết định đầu tư không chỉ phụ thuộc thị trường, mà còn bị chi phối chủ yếu bởi quan điểm của đội ngũ lãnh đạo. Sẽ có lúc nắng lúc mưa, song mọi ý tưởng muốn thành công trước hết phải có đường lối rõ ràng và quyết tâm thực hiện.

Trên thị trường, diễn biến giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này cũng đi ngược nhau. 1 tháng gần đây sau khi ĐHĐCĐ được tổ chức, FPT Retail tăng trưởng khá tốt trên OTC trong khi MWG tiếp tục rơi mạnh. Điều này ít nhiều cho thấy được kỳ vọng của nhà đầu tư vào 2 đơn vị bán lẻ này cũng trái chiều - một được tăng cao một lại nhạt dần.

Riêng phiên hôm nay 6/4, cổ phiếu FPT Retail đang giao dịch trong vùng giá 149.000-156.000 đồng/cp với áp lực mua mạnh, MWG hiện đạt 106.200 đồng/cp.

Cô gái 5 tỷ USD MWG và FPT Retail từng theo đuổi: Một bỏ ngỏ, một yêu không đợi chờ! - Ảnh 3.

Biến động cổ phiếu MWG 1 tháng qua.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên