Tốt nghiệp đại học ngoại thương rồi liên tục tìm thấy việc tốt ở Microsoft, Facebook, Google, cô gái 8x chia sẻ bí quyết để người Việt tiếp cận các ‘khủng long’ công nghệ toàn cầu
Bằng những trải nghiệm của bản thân, Hannah tin rằng kỹ năng, trình độ và cả sự cầu tiến trong công việc là yếu tố then chốt giúp nhân sự Việt có thể khẳng định được mình trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
- 17-02-2023Tesla triệu hồi gần 363.000 xe điện do vấn đề với công nghệ hỗ trợ người lái
- 16-02-2023Đột nhập 2 khu ‘chợ giời công nghệ’ nổi tiếng thế giới: Thiên đường cho giới game thủ, la liệt máy tính Apple ‘siêu rẻ’ nhưng cáp audio dát vàng 94 triệu cũng có
- 10-02-2023Tham vọng trở thành nền kinh tế số 1 thế giới của Trung Quốc đang bị Mỹ "kéo tụt" chỉ vì công nghệ này
- Tìm được việc nhiều người mơ ước ở Google, Microsoft và Facebook, chị nghĩ điều gì đã khiến mình "lọt vào mắt xanh" của ba gã khổng lồ công nghệ này?
Tôi thấy mọi người thường nhận định cơ hội việc làm trong Big Tech chủ yếu là các vị trí như IT hay software engineer (kỹ sư phần mềm). Tuy nhiên, công ty công nghệ vẫn cần các bộ phận khác để vận hành như phòng marketing, tuyển dụng hay operation (điều hành). Vì vậy cơ hội việc làm tại Big Tech rất đa dạng.
Trước khi đầu quân cho các công ty công nghệ, tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội và được nhận học bổng thạc sĩ toàn phần tại New Zealand rồi thực tập và được nhận lại làm ở tập đoàn kiểm toán PWC.
Khi ở New Zealand, không chỉ đặt mục tiêu điểm số cao, tôi còn cố gắng để hồ sơ cá nhân có sức cạnh tranh nhất có thể. Song song học thạc sĩ, tôi còn học thêm 2 chứng chỉ quốc tế là CFA level 1 và FRM (2 level). Đồng thời, tôi cũng có kinh nghiệm làm việc 3 tháng tại phòng tài chính của một công ty đa quốc gia tại đây.
Tại Singapore, tôi đã tham gia các chương trình nâng cao năng lực và đào tạo của chính phủ, đặc biệt là tích cực tham gia nhiều buổi hội thảo mà tại đó những người đi trước trong ngành sẽ trao đổi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Điều này giúp ích rất lớn cho những bạn trẻ hoặc người cần định hướng công việc.
Bên cạnh việc tìm kiếm các cơ hội việc làm, tôi cũng chủ động tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp, xây dựng network cho bản thân. Và môi trường tôi lựa chọn là LinkedIn. Những người phụ trách nhân sự trong và ngoài nước đều có xu hướng đăng tải tin tuyển dụng lên mạng xã hội này. Khả năng gợi ý mối quan hệ của LinkedIn được đánh giá rất tốt.
3 công việc gần đây của tôi là do bộ phận nhân sự (HR) chủ động liên hệ thông qua LinkedIn. Vì vậy, bên cạnh một profile cạnh tranh, "network" cũng là một mắt xích quan trọng nếu bạn muốn "lọt vào mắt xanh" của các công ty công nghệ.
- Theo góc nhìn của chị, nhân sự Việt có thuận lợi và khó khăn gì khi cạnh tranh với những công dân toàn cầu khác ở những gã khổng lồ công nghệ?
Như tôi đã nói, cơ hội việc làm ở Big Tech rất đa dạng. Tùy thuộc vào từng vị trí địa lý của chi nhánh công ty, họ cũng có chính sách khác nhau. Ví dụ các chi nhánh của Google, Facebook tại Singapore sẽ chuyên quản lý thị trường châu Á và châu Á - Thái Bình Dương nên có thể cần những nhân sự hiểu biết về văn hóa khu vực. Hay vị trí làm việc với các KOLs người Việt thì sẽ ưu tiên người Việt hoặc người có thể giao tiếp tiếng Việt hơn.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy, một số công việc không cần đặc thù ngôn ngữ như kỹ sư phần mềm, người Việt vẫn chứng tỏ được vai trò, ở vị trí quản lý lẫn nhân viên. Bên cạnh đó, các vị trí kỹ thuật sẽ không yêu cầu độ tuổi nhưng các công việc làm việc với khách hàng, đối tác sẽ cần nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm. Nói chung, "cơ hội làm việc tại Big Tech cho người Việt khá rộng mở".
Dẫu vậy, vẫn có một vài hạn chế. Tôi thấy rằng khi làm việc ở Việt Nam, mỗi người sẽ chỉ phụ trách công việc của mình và nội bộ phòng. Nhưng ở các công ty công nghệ quốc tế, mỗi nhân viên sẽ phải "thực chiến" ở nhiều bộ phận khác nhau, dành nhiều thời gian để tìm hiểu về hệ thống công ty, quy trình làm việc của mình và đồng nghiệp ở các phòng ban khác.
Tại Big Tech, các bạn tham gia các dự án với nhiều bên liên quan hay như ở Google, có cơ hội làm việc luân chuyển giữa các bộ phận là chuyện "bình thường ở huyện". Nhân viên cần thích ứng nhanh, giao tiếp tốt và xây dựng tính tự chủ để chủ động trau dồi nhiều kỹ năng phục vụ công việc.
- Ngành công nghệ vừa trải qua làn sóng sa thải hàng loạt, chị nghĩ những nhân viên còn lại chia sẻ điểm chung gì?
Khi Covid bùng nổ, người dân toàn cầu ở nhà, nhu cầu sử dụng các ứng dụng như Facebook, Twitter, Instagram tăng mạnh khiến doanh thu của các công ty này trên đà tăng cao. Hiệu ứng dây chuyền khiến nhiều đơn vị tuyển dụng thêm nhân sự và có thể số lượng đã vượt quá nhu cầu thực cần.
Vì vậy, khi dịch bệnh bớt căng thẳng, người tiêu dùng quay trở lại với guồng quay công việc, họ đã giảm hẳn thời gian sử dụng mạng xã hội. Kinh tế cũng lâm vào tình cảnh suy thoái khiến hoạt động mua bán hạ nhiệt. Để khắc phục, các Big Tech đã cắt giảm những nhân sự "đắt đỏ" cũng như những vị trí "nice to have" (có thì tốt) chứ không phải "must have" (phải có).
Hoặc thậm chí, nhiều bộ phận quan trọng như quản lý sản phẩm hay kỹ sư phần mềm cũng bị cắt giảm. Theo tôi, việc nhân sự của các công ty công nghệ hàng đầu bị cho nghỉ việc trong năm vừa qua phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng công ty cũng như tình hình chung của kinh tế thế giới.
- Từ góc nhìn của một người trong cuộc, chị nghĩ cơ hội việc làm nào là nổi bật nhất trong các Big Tech nói riêng và ngành công nghệ nói chung trong năm 2023 này?
Tôi nghĩ AI, Machine Learning ..vv sẽ tiếp tục được phát triển và cải tiến hơn nữa. Đặc biệt, về toàn cảnh, chắc chắn các Big Tech sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh doanh, tự động hóa nhiều hơn và cắt giảm một số chi phí không cần thiết. Nhân sự Việt đang mong muốn trở thành công dân công nghệ toàn cầu cần chú trọng tới điều này.
- Vậy theo chị, tỷ lệ tiếp cận các công ty công nghệ toàn cầu giữa một du học sinh và người học tại Việt Nam sẽ như thế nào?
Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào từng vị trí. Tôi thấy có nhiều kỹ sư phần mềm không đi du học vẫn có cơ hội để làm tại nhiều công ty công nghệ nước ngoài. Hay các vị trí như Account/Partner Manager, làm việc với khách hàng, nếu có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam và có mạng lưới các mối quan hệ quốc tế thì vẫn có cơ hội rộng mở.
Tuy nhiên, các bạn đi du học nước ngoài chắc chắn sẽ có lợi thế hơn. Vì các bạn đó đã sinh sống nhiều năm, hiểu môi trường và tiếp nhận nền giáo dục phù hợp với xu hướng thị trường. Thanh niên trẻ học tại Việt Nam vẫn sẽ có cơ hội nhưng cần nỗ lực rất nhiều.
- Nói về công dân toàn cầu, ngoài công việc chính ở Google, chị còn là nhà sáng lập của Scholarship for Vietnamese students, nơi cung cấp các thông tin về học bổng ở các nước và giống như 1 cầu nối chắp cánh ước mơ du học cho rất nhiều bạn trẻ. Chị có thể chia sẻ thêm về công việc này? Ý tưởng nào dẫn đến quyết định lập page?
Ở thời của tôi, việc tìm hiểu thông tin du học khá khó khăn và ít có người định hướng. Chính bởi vậy, với mong muốn được hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam, tôi đã lập nên cộng đồng Scholarship for Vietnamese students để cung cấp các thông tin miễn phí liên quan tới các chương trình học bổng, du học ngắn hạn và dài hạn.
Đồng thời, tôi cũng muốn chia sẻ những hiểu biết, kỹ năng của mình để các bạn được nâng cao kiến thức về du học, cách thức "săn học bổng" và tạo được profile cạnh tranh nhất có thể thông qua các khóa học. Hiện tại, cộng đồng của tôi có rất nhiều bạn nhận được học bổng du học thành công.
Hơn nữa, tôi sinh ra và lớn lên tại thị trấn Nho Quan (huyện Nho Quan), tỉnh Ninh Bình trong một gia đình không có điều kiện. Bố mất khi tôi học lớp 8 còn em trai mới chỉ học lớp 6. Mẹ tôi là giáo viên tiểu học và đã trở thành trụ cột chính trong nhà, phải làm thêm nhiều công việc để kiếm tiền nuôi con.
Cả gia đình tôi phải trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng mẹ luôn tâm niệm rằng: Chỉ có con đường học vấn mới thoát khỏi nghèo, thoát khổ. Bà luôn cố gắng để hai chị em được học hành đầy đủ.
Chính những lần lên thành phố thi học sinh giỏi đã thôi thúc tôi phải "vươn ra biển lớn". Ước mơ du học thì xuất hiện sau khi tôi xem "Đường lên đỉnh Olympia", thấy quán quân cuộc thi giành được học bổng và có cơ hội đi du học. Tôi đã dặn lòng một ngày nào đó bản thân cũng sẽ như vậy.
Khi còn học cấp 3, tôi xin tiền học thêm nhưng đã có lúc mẹ tôi chần chừ. Tôi không than vãn, không đòi hỏi bởi tôi hiểu hoàn cảnh gia đình mình. Tôi luôn tự nhủ, mình được đi học đầy đủ đã là may mắn lắm rồi. Nhà có thể chưa có điều kiện nhưng ước mơ đi du học của tôi chưa bao giờ nguội tắt.
Hành trình xin học bổng du học cũng không phải là dễ dàng. Tôi đã có tới 10 lần thất bại trước khi giành được học bổng thạc sĩ của trường Đại học Waikato New Zealand ngành Quản trị chuyên ngành Tài chính trị giá 2 tỷ đồng.
Vì vậy, thấu hiểu đây là một chặng đường gian nan, tôi mong muốn bản thân có thể trở thành cầu nối giúp các bạn trẻ Việt Nam vươn ra biển lớn.
- Đã gặt hái được cho mình những thành tựu ở nước ngoài, chị nghĩ thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay có ưu thế và hạn chế gì khi tìm kiếm cơ hội việc làm trên khắp thế giới?
Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay rất năng động, họ không ngại thử nhiều công việc và vị trí khác nhau. Các bạn cũng rất thẳng thắn và dám nêu ra ý kiến của bản thân. Đặc biệt là chủ động tìm kiếm thông tin và nỗ lực phát triển bản thân không ngừng. "Một tuổi trẻ dám nghĩ dám làm".
Tuy nhiên, có thể do hoàn cảnh sống và tác động ngoại cảnh, tôi cảm thấy một bộ phận bạn trẻ dường như đang thiếu đi "sức bền". Họ sẵn sàng nhảy việc, "dịch chuyển" nhanh và không thận trọng như thời 8x chúng tôi.
- Từng sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài, điều gì ở Việt Nam khiến chị nhớ nhất?
Đối với tôi có lẽ là Tết. Tôi vẫn còn nhớ ngày 26/1/2013, tôi đi học thạc sĩ ở New Zealand và có cái Tết xa quê đầu tiên. Lúc ấy, New Zealand đang là mùa hè, vì vậy, tôi không cảm nhận được không khí Tết. Tôi nhớ Việt Nam lắm.
Đặc biệt, phương Tây chào đón năm mới vào ngày đầu năm dương lịch, nên Tết chính là thời điểm họ bắt đầu guồng quay công việc và tôi đã không thể ăn Tết trọn vẹn. Hay khi tôi ở Ả Rập Xê-Út, có nhiều người theo đạo Hồi - không ăn thịt lợn nên việc mua hay làm bánh chưng là rất khó.
Nhưng khi trải nghiệm Tết tại đất khách, tôi cũng hiểu được nhiều nét văn hóa mới mẻ và có những trải nghiệm thú vị. Ví dụ, Singapore cũng tổ chức Tết âm nhưng chỉ kéo dài 3 ngày. Ngày đầu năm mới, họ sẽ trao nhau 2 trái quýt được đựng trong túi giấy đỏ ngụ ý chúc mừng năm mới và làm quà lì xì đầu năm. Hay khi ở Ireland, đại sứ quán cũng đã tổ chức Tết cho người Việt tại đây và cùng nhau trải nghiệm các hoạt động cộng đồng.
- Để sẵn sàng 2023, chị có dự định hay kế hoạch đặc biệt nào không? Đâu là "từ khóa" trong năm nay của chị?
Để có một năm "thật phát", tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm tốt công việc phụ trách điều hành tại Google, cũng như phát triển các dự án cá nhân như chuyên trang tư vấn du học Scholarship for Vietnamese students. Tôi sẽ coi "tập trung" và "bền bỉ" là hai từ khóa để nhắc nhở bản thân cố gắng đạt được nhiều mục tiêu hơn nữa trong năm 2023.
Ngoài ra, tôi cũng sẽ tập trung vào vấn đề sức khỏe và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Vì có sức khỏe là có tất cả. Mọi người cũng nên chú ý giữ gìn sức khỏe để có thể vững bước trong hành trình phía trước.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Attractive Vietnam
Xem tất cả >>- Khách Tây thích thú viết cẩm nang du lịch Việt Nam: Người Việt thực sự rất lạc quan!
- Cựu Đại sứ Pháp và quyết định trở thành doanh nhân ở Việt Nam: "10 năm nữa, các bạn sẽ có những doanh nghiệp đủ khả năng vươn tầm thế giới như Hàn Quốc"
- Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực
- CEO quỹ Golden Gate Ventures: Đông Nam Á sẽ trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu trong 10 năm tới và Việt Nam là trung tâm
- Hai cựu đại sứ khởi nghiệp ở Việt Nam