Cô gái lên kế hoạch 35 tuổi sẽ nghỉ hưu với 4,5 tỷ đồng: “Nghỉ hưu sớm là được NGƯNG làm những việc mình không thích”
Nghỉ hưu sớm đâu có nghĩa là lười biếng và ngừng làm việc
- 30-07-2022Á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu - Nguyễn Thành Vinh: Từng tay ngang đi đóng phim, là tiến sĩ người Việt trẻ tuổi nhất ở nước ngoài, được phong hàm PGS năm 39 tuổi
- 29-07-2022Bỏ phố về quê, vợ chồng 9X dành 2 năm tự nhào đất làm nhà cổ tích, chọn cuộc sống tự cung tự cấp
- 28-07-2022Em gái tài sắc của cựu công chúa Mako: Xinh đẹp, có năng khiếu nghê thuật, là biểu tượng hy vọng của người dân Nhật Bản
Thời điểm hiện tại, trào lưu "nghỉ hưu sớm" không còn bị giới hạn trong bất cứ 1 thế hệ nào. Ngay cả thế hệ cha chú của chúng ta (thế hệ 196x trở đi) cũng từng nghe qua, thậm chí là đã "thực hành". Tuy vậy, khi nhắc tới "nghỉ hưu sớm", vẫn còn rất nhiều người cho rằng đây là điều bất khả thi, là điên rồ, bắt đầu cho 1 định nghĩa: "Nhiều người vẫn nghĩ nghỉ hưu sớm là ám chỉ sự lười biếng và ngừng lao động, ngừng cống hiến và nhận lương hưu đều đặn vào mỗi cuối tháng cho đến khi qua đời" - trích lời chia sẻ của Nguyễn Hương (28 tuổi, Vĩnh Phúc) khi đúc kết được từ 1 số quan điểm riêng. Liệu chăng chính những suy nghĩ này khiến cho việc"nghỉ hưu sớm" trở nên mơ hồ và bất khả thi?
Nguyễn Hương
Nhưng Nguyễn Hương lại không nghĩ như thế, cô nàng cũng là 1 trong những người trẻ đặt ra mục tiêu nghỉ hưu sớm vào năm 35 tuổi, tức là chỉ còn 7 năm để Hương hoàn thành mục tiêu độc lập tài chính. Trước đây Hương từng là giảng viên đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp. Hiện tại cô nàng đang sở hữu 2 kênh blog chia sẻ về tài chính và đầu tư, đây cũng là một trong những nguồn thu chính góp phần giúp cô thực hiện được mục tiêu nghỉ hưu sớm vào năm 35 tuổi.
Hương quan niệm: "Nếu bạn có một kế hoạch tốt, kỷ luật và quyết tâm với kế hoạch đó, bắt tay vào thực hiện sớm, thì mình nghĩ mục tiêu nghỉ hưu sớm có thể thực hiện ở mốc 30 tuổi hoặc trước 40 tuổi."
Cùng lắng nghe những chia sẻ của Nguyễn Hương về kế hoạch nghỉ hưu sớm của cô nàng nhé!
Chào Hương,
Hiện nay, rất nhiều người trẻ lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu “Độc lập tài chính và Nghỉ hưu sớm” trước năm 30, 40 tuổi. Theo bạn, đây có là điều khả quan hay không?
Theo mình, nghỉ hưu sớm có thể xác lập ở con số "an toàn tài chính" để tiến tới độc lập tài chính, bởi vậy chúng ta có thể tin tưởng vào tính khả quan của nó.
Hành trình thực hiện mục tiêu "Độc lập tài chính và Nghỉ hưu sớm" là một hành trình dài, có thể sẽ mất 7 năm, 10 năm, thậm chí là lâu hơn. Sự khả thi của điều này phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm bắt đầu kế hoạch và sự kiên trì thực hiện kế hoạch đó của mỗi người.
Nếu bạn có một kế hoạch tốt, kỷ luật và quyết tâm, hãy bắt tay vào thực hiện sớm, mình nghĩ mục tiêu nghỉ hưu sớm có thể đạt được ở mốc tuổi 30 hoặc trước 40 tuổi.
Với bạn, nghỉ hưu sớm chính xác là gì? Bạn có kế hoạch nghỉ hưu sớm hay không?
Với Hương, nghỉ hưu sớm là khi mình có QUYỀN LỰA CHỌN giữa làm việc hoặc không. Đây sẽ là một trạng thái - mà khi đó bạn có thể gạt bỏ hoàn toàn những công việc mình không muốn làm ra khỏi cuộc sống, để làm những việc mình yêu thích mà không cần lo lắng hay áp lực về vấn đề tiền bạc.
Như đã chia sẻ, mình đang trên hành trình thực hiện mục tiêu nghỉ hưu sớm ở tuổi 35, mình còn 7 năm nữa để hoàn thành mục tiêu này.
Từ khi biết đến "Nghỉ hưu sớm", mình thật sự hào hứng và tò mò về nó. Mình đã tìm hiểu và biết được rằng mình có thể lựa chọn các mốc nghỉ hưu sớm khác nhau, tùy vào nhu cầu cá nhân của mỗi người.
Bạn chuẩn bị tài chính thế nào để nghỉ hưu sớm?
Kế hoạch nghỉ hưu sớm của Hương gồm 6 bước. Cụ thể như sau:
Bước 1. Đặt ra con số mục tiêu cho nghỉ hưu sớm cụ thể của riêng bạn.
Số tiền để nghỉ hưu sớm sẽ được tính như sau:
Mức chi tiêu cho cuộc sống tiêu chuẩn bạn muốn trong 1 năm x 25 lần. (Con số 25 lần là con số được tính từ phép tính 100% : 4% của quy tắc 4% trong độc lập tài chính).
Con số cụ thể của Hương là 4,5 tỷ đồng. Đây sẽ là con số để giúp mình độc lập tài chính. Con số này sẽ hiện thân dưới dạng: 80% trong tài khoản ngân hàng và 20% trong danh mục đầu tư tài sản trên giấy. Điều này đảm bảo cho việc các danh mục tài sản của mình luôn tăng lên theo từng năm. Mình chia con số này cho từng năm cụ thể để mình có thể bám sát và không bị nản trên hành trình dài hơi này.
Tuy nhiên, 4,5 tỷ là con số độc lập tài chính. Mục tiêu thật sự của mình đó là: Ngoài 4,5 tỷ này, mình vẫn có thêm các thu nhập thụ động khác từ đầu tư và các tài sản số của mình. Thu nhập này ước tính vào khoảng 30% số tiền cần chi tiêu cho 1 tháng.
Bước 2. Lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân rõ ràng cụ thể
Kế hoạch cho việc chi tiêu
Kế hoạch sẽ bao gồm: Theo dõi thu chi, đặt hạn mức cho từng khoản, thực hiện theo thứ tự ưu tiên, đánh giá và cải tiến hằng tháng.
Tất cả các khoản chi tiêu hằng ngày mình đều lưu lại trong ứng dụng theo dõi chi tiêu. Vào cuối tuần mình đều ngồi lại, phần loại chúng thành 3 nhóm: nhóm thiết yếu, nhóm lãng phí và nhóm nên chi.
Những khoản trong nhóm lãng phí mình sẽ lên kế hoạch cắt bỏ nó ở tháng kế tiếp. Một mẹo của mình dành cho bạn là không nên cắt bỏ hoàn toàn các khoản chi ở nhóm lãng phí này ngay trong tháng kế tiếp, bạn hãy áp dụng công thức 1/2. Tức là, tháng sau cắt bỏ 1/2 chi tiêu lãng phí của tháng trước đó, như vậy bạn sẽ không bị "sốc nhiệt" khi thay đổi chi tiêu đột ngột, đồng thời cho bạn thời gian thích nghi từ từ, điều đó sẽ dần dần tạo cho bạn thói quen chi tiêu tốt hơn.
Kế hoạch phân bổ nguồn thu nhập
Thu nhập của mình sẽ được chia thành 4 quỹ tài chính gồm: quỹ dự phòng, quỹ đầu tư, quỹ kế hoạch ngắn hạn (cho du lịch, học tập, tập Gym, mua điện thoại), quỹ thiết yếu (duy trì cuộc sống sinh hoạt hằng ngày).
4 Quỹ tài chính trên cũng được thực hiện theo thứ tự ưu tiên giống như thứ tự mình viết ở trên: Dự phòng - đầu tư - kế hoạch ngắn hạn - thiết yếu.
Hàng tháng, mình sẽ ngồi xuống, tự xem lại các khoản thu chi đó. Đây là hoạt động cực kỳ quan trọng. Có một câu nói rất hay Hương thường chia sẻ ở các buổi đào tạo của mình: "Cái gì không đo lường được thì sẽ không quản lý được. Cái gì không đo lường được thì sẽ không cải tiến được" - John Doerr.
Bởi vậy, việc xem lại hoạt động chi tiêu nó cho phép mình thấy mình đang ở đâu? Như thế nào? Cần cải thiện gì?
Bước 3. Thoát khỏi nợ nần
Thật may, Hương không vướng phải khoản nợ xấu nào nên bước này có thể bỏ qua. Hương dùng từ nợ xấu là bởi còn có khái niệm gọi là nợ tốt. Nếu là nợ tốt thì cứ yên tâm để nó hoàn thành nhiệm vụ của nó. Còn nếu là nợ xấu thì cần tìm cách thoát khỏi nó ngay.
- Nợ xấu: khoản nợ làm tiêu hao tiền mặt, tài sản của bạn.
- Nợ tốt: khoản nợ giúp gia tăng tài sản, tiền mặt của bạn.
Bước 4. Tăng thu nhập – Giảm chi tiêu lãng phí
Tăng thu nhập
Trước đây, khi còn là một nhân viên văn phòng, hàng tháng được nhận một mức lương cố định và đều đặn. Khi đó liền nghĩ, mình đang có cuộc sống ổn định và có thể an tâm với cuộc sống như vậy. Thế rồi dịch Covid-19 bùng phát, mình mới nhận thức ra một điều, bản thân tự "chiều hư" chính mình trong vòng an toàn ấy. Thu nhập duy nhất bị cắt giảm, cuộc sống những ngày giãn cách khiến mình hiểu ra một vấn đề, phụ thuộc vào một nguồn thu nhập DUY NHẤT là quá rủi ro.
Bởi vậy, mình luôn suy nghĩ để phát triển các kỹ năng chuyên môn, khiến chúng mỗi ngày đều "đáng tiền" hơn. Tìm kiếm thu nhập thứ 2 chính là một trong những giải pháp để đảm bảo mình không bị "ngủ quên" trong vòng tròn an toàn.
Hiện nay, có rất nhiều công việc có thể khiến chúng ta có thêm thu nhập. Ví dụ như làm CTV viết bài cho các doanh nghiệp, trang mạng, báo chí... Bán hàng online, đầu tư, xây kênh tiktok, youtube, podcast, blog và kiếm tiềm qua đó. Bán tài năng hoặc chuyên môn của bạn, ví dụ như: nhận làm PPT cho doanh nghiệp đào tạo, thiết kế, chụp ảnh, vẽ minh họa... Hãy gia tăng thu nhập bằng chuyên môn và thế mạnh của bản thân bạn.
Giảm chi tiêu lãng phí
Tăng thu nhập cũng cần đi đôi với việc chi tiêu hợp lý. Thông thường chúng ta có xu thế tăng chi khi tăng thu, cái này gần như ai cũng từng trải qua rồi nhỉ, bản thân mình hiểu rất rõ về nó, bởi mình có "kinh nghiệm" trải qua rồi mà.
Nếu không kỷ luật trong vấn đề chi tiêu, thì mục tiêu nghỉ hưu sớm cứ mãi chạy xa chúng ta cùng năm tháng. Đây chính là lúc một lần nữa nhìn lại con số mục tiêu để nghỉ hưu sớm của mình là bao nhiêu?
Bởi vậy, thói quen theo dõi thu chi ở bước 2 thật sự rất quan trọng. Nếu làm không được bước 2, mọi bước đi tiếp theo sẽ thành công cốc hết.
Bước 5. Đầu tư và tích lũy tài sản
Có 3 loại thu nhập mà bạn có thể có được:
- Thu nhập kiếm được: Làm công lĩnh lương. Đổi sức người, thời gian và trí tuệ (những thứ này là có giới hạn) để lấy tiền.
- Thu nhập đầu tư: Lợi nhuận đầu tư. Khiến tiền đẻ ra tiền.
- Thu nhập thụ động: Dòng tiền lợi nhuận ổn định từ nền móng tài chính được xây dựng trước đó. Khiến nguồn lực đầu tư trước đó tự động tạo ra tiền ngay cả khi bạn đang ngủ.
Dễ dàng nhận ra được, để có thể nghỉ hưu sớm thì bạn cần có một trong hai nguồn thu nhập là thu nhập đầu tư và thu nhập thụ động. Nếu không có thể bạn sẽ phải làm việc cả đời để kiếm tiền. Bởi vậy, mình đã chọn đầu tư từ sớm và tích lũy tài sản dần dần.
Các kênh mình đang đầu tư: vàng, tài sản số (Podcast, 2 Blog, các khóa học online) và tài sản trí tuệ (sách). Trong tương lai, mình có dự định đầu tư thêm cả bất động sản cho thuê.
Bước 6. Nghỉ hưu sớm và hoạt động sau nghỉ hưu
Nhiều người nghĩ rằng nghỉ hưu sớm thì sẽ buồn chán, bởi không có gì để làm, nhưng mình đã sớm chuẩn bị danh sách những hoạt động sau nghỉ hưu rồi. Khi không còn ràng buộc về tiền bạc, được tập trung làm những điều mang ý nghĩa thật sự là viễn cảnh hạnh phúc mỗi lần mình nghĩ đến.
Bản chất của nghỉ hưu sớm không nằm ở việc NGƯNG LÀM VIỆC mà nó nằm ở việc được lựa chọn NGƯNG LÀM NHỮNG VIỆC MÌNH KHÔNG MUỐN bởi ràng buộc của tiền bạc. Bạn vẫn có thể làm những việc mình đam mê cho dù mức thù lao nhận về là rất thấp thậm chí là không có thù lao, đó mới là sức mạnh thật sự mà mình yêu thích về Nghỉ hưu sớm.
Cảm ơn Hương vì những chia sẻ!
Ảnh: NVCC
Trí thức trẻ