Cho tới trước SEA Games 31, Việt Nam chưa một lần giành được HCV môn ném lao nữ. Đây vốn là nội dung thế mạnh của Thái Lan. Kỷ lục SEA Games cũng được một VĐV nước này nắm giữ suốt 15 năm trời.
Nỗi lo càng tăng lên khi Lò Thị Hoàng - tay ném của Việt Nam bước vào giải khi chấn thương còn chưa lành hẳn. Đã có quãng thời gian, Hoàng lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Nhưng rồi với chiến thuật đặc biệt, cộng thêm sức mạnh tinh thần đến từ sự động viên của người thân và khán giả nhà, Lò Thị Hoàng đã lập nên kỳ tích để đi vào lịch sử thể thao Đông Nam Á.
Mọi thứ đến với Hoàng như một giấc mơ. 10 năm trước, cô bé dân tộc Thái nói tiếng Kinh còn chưa sõi chập chững rời bản, vượt núi băng sông với quãng đường dài gần 100 km, bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp với mong muốn thay đổi số phận. Và giờ đây, Hoàng đã làm được!
"Em nghĩ ra chiến thuật đó. Và anh Nguyễn Hoài Văn (VĐV ném lao nam) cũng bảo em như vậy. Hai anh em đều bị đau thì mặc quần dài giống nhau để che đi, khiến đối thủ không nhìn thấy, không biết mình đang chấn thương", Lò Thị Hoàng hào hứng nhớ lại ký ức khó quên của mình ở SEA Games 31.
Bước vào sân thi đấu với cái đầu gối còn đau, VĐV của Việt Nam quyết định không đeo bó gối, chỉ dán băng cơ rồi cầm lọ dầu gió đổ thẳng từ ngoài quần rồi xoa gối cho nóng lên để xoa dịu cơn đau. "Khi người mình nóng lên thì cơn đau bớt đi rất nhiều", Hoàng tiết lộ.
Chấn thương đầu gối đeo bám dai dẳng Lò Thị Hoàng từ lâu. Ở SEA Games 30, vết đau tái phát 2 tháng trước ngày vào giải, khiến mọi kế hoạch tập luyện phải thay đổi và Hoàng chỉ giành được HCB. Nhưng lần này, mọi thứ đã khác.
"Đến lúc thi đấu em mới biết VĐV Thái Lan cũng đang bị đau. Thực ra mình vẫn đau, nhưng thông tin về đối thủ khiến tâm lý mình được giải tỏa hơn", Lò Thị Hoàng nhớ lại.
Ở lượt ném thứ 2, VĐV quê Sơn La xuất sắc đạt thành tích 56,37 m, phá kỷ lục SEA Games tồn tại suốt 15 năm do VĐV người Thái Lan Buoban Pamang lập nên vào năm 2007 (55,97m).
Cú ném quá ấn tượng của Lò Thị Hoàng cũng khiến đối thủ bị tâm lý trong những lượt thi tiếp theo. Jariya Wichaidit của Thái Lan nỗ lực đảo ngược tình thế nhưng bất thành. Lần đầu tiên kể từ năm 2011, Thái Lan không giành được HCV SEA Games ở nội dung ném lao nữ.
"Hoàng là một VĐV rất có nghị lực. Tập một môn thể thao sức mạnh, đòi hỏi rất nhiều yếu tố trong khi bản thân Hoàng lại gặp chấn thương tương đối dài.
Ở SEA Games vừa rồi, chấn thương của Hoàng cũng đã bình phục tương đối. Cũng rất may khi thầy trò tôi được sự hỗ trợ của các bác sỹ để có các bài tập bổ trợ khá tốt. Bên cạnh đó, cháu Hoàng cũng tích cực sử dụng các loại thuốc bắc để điều trị chấn thương.
Tới lúc thi đấu, Hoàng đã thể hiện rất tốt. Thành tích thi đấu của cháu tương đương với khi tập luyện. Tôi chỉ bất ngờ với việc Hoàng phá kỷ lục. Còn giành HCV thì hai thầy trò đã tính toán, bàn bạc rất nhiều để hướng đến mục tiêu này rồi", HLV Trần Quyết Thắng, người trực tiếp huấn luyện và đã có 10 năm đồng hành cùng Lò Thị Hoàng nhận xét về học trò của mình.
10 năm trước, thầy Thắng lặn lội về tận trường, vào tận bản để thuyết phục gia đình cho Hoàng theo thể thao.
10 năm sau, thầy lặng lẽ đứng từ xa nhìn cả gia đình Hoàng vỡ òa trong nước mắt và hạnh phúc. Nếu không có sự quyết tâm và tận tình chỉ bảo của HLV Trần Quyết Thắng, cuộc đời của Hoàng có lẽ đã đi theo một hướng rất khác.
Mọi chuyện bắt đầu vào 2012. Lò Thị Hoàng khi ấy đang học lớp 9 và được trường chọn đi tham gia Hội khỏe Phù Đổng huyện Bắc Yên (Sơn La) bộ môn ném lao và đẩy gậy. Giành liền 2 HCV, Hoàng tiếp tục được lên tỉnh thi. Tại đây, em lại tiếp tục giành giải nhất.
Với thành tích ấn tượng, không bất ngờ khi cô bé dân tộc Thái nhanh chóng được đội ngũ chuyên môn đưa vào tầm ngắm. HLV Trần Quyết Thắng lập tức tới gặp để dò hỏi ý của Hoàng. Thầy bảo Hoàng về hỏi ý kiến bố mẹ. Nhưng mọi việc hóa ra lại không đơn giản.
"Thời gian đấy mọi người cứ truyền tai nhau rằng có một số kẻ đi vào bản để lừa bắt con gái bán sang bên kia biên giới. Vì thế ban đầu bố mẹ em không đồng ý, không tin vào việc đó", Lò Thị Hoàng kể.
Để thuyết phục được gia đình Hoàng, HLV Trần Quyết Thắng đã về tận trường, vào tận bản để cùng trò chuyện. Hoàng kể rằng sau khi tìm hiểu thông tin, ông nội đứng ra cùng với HLV để thuyết phục gia đình:
"Ngày trước học xong lớp 9, nhiều bạn em cũng ở nhà đi làm rồi lấy chồng, sinh con. Bây giờ tụi nó cũng 2, 3 đứa cả rồi. Mẹ em cũng muốn em phụ giúp gia đình công việc nương rẫy.
Bố mẹ không hiểu hết về việc này nên ban đầu không đồng ý. Nhưng ông nội em từng công tác ở xã nên hiểu biết rõ hơn. Ông nhất quyết bảo 'phải cho nó đi học, như thế mới thay đổi tương lai được'. Nếu học được cao thì vui, còn không thì đi học được hết cấp 3 cũng là điều quá tốt với bọn em. Ở quê em, đứa nào được ra huyện để học cấp 3 là quá may mắn rồi".
Là chị cả trong nhà, mỗi sáng Hoàng đều phải dậy sớm dắt trâu bò lên rừng, phụ bố mẹ nấu cơm đi làm nương. Nương ở xa, bố mẹ sáng đi tối về. Ở nhà, Hoàng đi học về lại tất tả lo cơm nước cho 3 đứa em, rồi đi chăn trâu, lấy cỏ.
Hoàn cảnh khó khăn, trường lại ở xa khiến gia đình Hoàng cũng không nghĩ nhiều đến việc có thể cho con theo học cấp 3. Nhưng rồi, mọi thứ đã thay đổi nhờ quyết định năm ấy.
Vậy là Hoàng lên đường!
Hoàng kể rằng từ để đi từ huyện Bắc Yên của mình lên thành phố Sơn La, quãng đường lên đến gần 100 km với nhiều lần phải đổi phương tiện di chuyển. Cũng bởi thế mà dù tập luyện vất vả, lại rất nhớ nhà vì lần đầu đi xa nhưng Lò Thị Hoàng cũng không dám về quê nhiều. Bởi mỗi lần như thế, số tiền đi lại không hề nhỏ.
"Đoạn đường em phải đi rất xa. Đầu tiên em phải đi từ nhà ra bến thuyền. Đường đi thì toàn đất đá, chưa có bê tông đâu. Đi bộ cũng khổ mà đi xe máy cũng khổ. Ngồi thuyền khoảng 2 tiếng rưỡi thì đến cầu. Em sang sông rồi bắt xe khách, đến thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn) lại xuống, rồi đi xe bus từ đó lên thành phố Sơn La.
Một tháng bố mẹ chỉ cho được 100-200 nghìn để ăn uống. Quãng đường đó di chuyển đó có thể tiêu tốn hết nửa số tiền bố mẹ cho rồi. Mà nhà mình làm nương rẫy, làm gì có tiền đâu, đều phải đi vay mới có để cho con đi học.
Vì thế nhiều khi nhớ nhà kinh khủng nhưng nghĩ đến quãng đường xa xôi, bố mẹ lại phải mất thời gian đưa đón nên mình đành chịu vậy. Chỉ dịp nào được nghỉ dài ngày em mới dám về thăm nhà", Lò Thị Hoàng kể.
Từ bản ra phố, mọi thứ khó khăn hơn nhiều so với những gì Hoàng tưởng tượng. Lần đầu tiên xa nhà, tiếng Kinh lại nói chưa sõi, cô bé dân tộc Thái ngại chẳng dám bắt chuyện với ai.
"Mấy năm sau, đến tận lúc đi thi đấu giành được giải rồi, nhưng khi anh chị phóng viên đặt câu hỏi em vẫn không thể trả lời được. Một câu được hỏi lại 10 lần mình cũng không nói được", Lò Thị Hoàng nhớ lại.
May mắn thay, tại trung tâm huấn luyện của Sơn La cũng có rất nhiều bạn người dân tộc Thái giống như Hoàng. Cùng nhau trò chuyện bằng tiếng Thái, tất cả dần vượt qua được những rào cản ban đầu, dần hòa nhập môi trường mới. Đồng thời, các HLV cũng luôn quan tâm sát sao để có điều chỉnh phù hợp với học trò.
Với nền tảng tốt khi chơi ném bóng, Hoàng được định hướng theo môn ném lao. Chăm chỉ tập luyện, tự động viên bản thân phải cố gắng nắm lấy cơ hội thay đổi cuộc đời, có những buổi cô bé dân tộc Thái bật khóc ngay trên sân tập vì sửa kỹ thuật mãi mà không được đúng như yêu cầu.
"Động tác tập của mình hôm nay đúng nhưng tới ngày mai có thể lại không chuẩn, phải sửa đi sửa lại, có khi mất cả buổi vẫn hỏng. Nhiều lúc nghĩ nản nên em cũng khóc ngay tại chỗ, ngay trước mặt thầy. Thầy cũng chẳng trách mắng gì to tiếng cả nhưng mình nghĩ bản thân cố mãi mà không làm được, thấy tủi thân nên nước mắt cứ thế chảy ra".
Nhưng với Hoàng, đáng sợ nhất phải là những thời điểm dính chấn thương. "Nhiều lúc mình đang tập rất sung, chuẩn bị tham gia giải đấu thì lại bị chấn thương nặng. Mọi thứ như sụp đổ, trong đầu không nghĩ được gì cả, chắc là bỏ cuộc thôi", Hoàng tiết lộ.
Chấn thương nặng đầu tiên Lò Thị Hoàng gặp phải diễn ra vào năm 2014. Ở tuổi 17, Hoàng vinh dự được đại diện cho Việt Nam thi đấu tại giải Học sinh Đông Nam Á. Nhưng trước ngày vào giải, VĐV này lại gặp vấn để với khuỷu tay.
Nén đau thi đấu, Lò Thị Hoàng xuất sắc giành được HCV dù "ném xong lần nào là tay sưng lên lần ấy", "tay cứng hết lại, không thể co duỗi mà cầm đũa ăn cơm".
Đeo HCV trên cổ nhưng sau khi trao giải xong, Hoàng lên khán đài ngồi khóc. Tay đau, thành tích lại tụt xuống chỉ ở mức 39-40 m thay vì 45-46 m như khi tập luyện, Hoàng thấy thất vọng về bản thân và đã nghĩ đến việc bỏ cuộc.
Không lâu sau, trở về sân nhà tham dự giải trẻ châu Á diễn ra tại TP.HCM, Lò Thị Hoàng bị loại sau 3 lượt ném đầu tiên. Thành tích cũng vẫn chỉ ở mức 39-40 m. Một lần nữa, Hoàng lại bật khóc.
May mắn thay, những liệu pháp chữa trị đã mang tới kết quả tốt. Người thân cũng tích cực tìm tòi, chỉ cho Hoàng dùng thuốc bắc, rồi bóp thuốc liên tục để vết thương chóng lành.
Hụt cơ hội dự SEA Games 2017, Lò Thị Hoàng càng quyết tâm hơn. Tới Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, VĐV này xuất sắc mang về HCV cho đoàn Sơn La, đạt thành tích 56,5 m, phá kỷ lục Đại hội.
Kết quả này mở ra cơ hội cho Lò Thị Hoàng ở đội tuyển quốc gia. Và phần còn lại là lịch sử.
Sau SEA Games, cuộc sống của Hoàng thay đổi nhiều. Được mọi người biết đến nhiều hơn, nữ VĐV 25 tuổi tự động viên mình phải cố gắng hơn nữa.
Dù đã lập gia đình nhưng Hoàng tạm gác lại kế hoạch làm mẹ để hướng tới những mục tiêu xa hơn. Bản thân cô cũng luôn cảm thấy biết ơn khi nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ chồng và gia đình hai bên để có thể toàn tâm toàn ý tập luyện và thi đấu. Lò Thị Hoàng giãi bày:
"Thực sự đến tận bây giờ em vẫn cảm ơn chồng rất nhiều, bởi nếu anh ấy không hiểu thì mọi việc đã đi theo hướng khác rồi. Và rất may mắn khi em được tất cả thành viên trong gia đình ủng hộ.
Mẹ chồng em là giáo viên, rất tâm lý. Bố chồng cũng luôn động viên con dâu theo đuổi đam mê, đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp cho đến khi nào muốn dừng lại để có những định hướng khác. Cảm giác em như là con gái trong nhà chứ không phải con dâu đâu (cười)".
Nói về những mục tiêu tiếp theo trong tương lai, cả Hoàng và HLV đều thẳng thắn nhận định thành tích vẫn còn ở mức khiêm tốn để nghĩ đến đấu trường ASIAD. Tuy nhiên với nền tảng thể chất của mình, Lò Thị Hoàng đủ sức để duy trì vị thế tại khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm nữa.
Mục tiêu trước mắt của Hoàng sẽ là Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, và xa hơn có thể là SEA Games 32 tại Campuchia vào tháng Năm năm sau.
"Điền kinh Việt Nam nói chung và môn ném lao nói riêng khi bước ra sân chơi châu lục luôn phải tính toán rất kỹ lưỡng. Chúng ta chỉ có một số nội dung có khả năng giành huy chương thôi. Còn với ném lao của cháu Hoàng thì tương đối khó.
Với nền tảng của mình, Hoàng có thể duy trì được thêm một khoảng thời gian tương đối dài. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố", HLV Trần Quyết Thắng chia sẻ.
Ông nói thêm: "Năm nay Hoàng cũng 25 tuổi rồi. Những yếu tố như chuyện chồng con, gia đình cũng cần lưu tâm. Nhưng với nền tảng của cháu, tôi nghĩ sinh con xong vẫn có thể tiếp tục trở lại thi đấu.
Ngoài ra, mọi việc cũng còn liên quan đến việc ưu ái của địa phương với đầu ra ngành nghề của các cháu. Khi đã ổn định được, kể cả xây dựng gia đình rồi VĐV cũng vẫn có thể tiếp tục tập luyện, cống hiến được. Việc đó sẽ giúp VĐV ổn định được tâm lý. Còn nếu không, cũng khó để khẳng định được VĐV có thể duy trì trong bao lâu".
Tổ quốc