Có gì bên trong công ty chuyên "bán cơm" cho Vietnam Airlines độc quyền tại sân bay Tân Sơn Nhất?
Sự tăng trưởng đáng kể của thị trường hàng không Việt Nam trong các năm qua đã tạo nên động lực tăng trưởng cho nhiều ngành dịch vụ liên quan, trong đó có dịch vụ cung ứng suất ăn hàng không.
Số liệu của Bộ Giao thông Vận tải cho biết thị trường vận tải bằng đường hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình từ 15,6%/năm trong giai đoạn từ năm 2011- 2017 và là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất Thế giới.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng từng dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Sự tăng trưởng đáng kể của thị trường hàng không Việt Nam trong các năm qua đã tạo nên động lực tăng trưởng cho nhiều ngành dịch vụ liên quan, trong đó có dịch vụ cung ứng suất ăn hàng không.
Giai đoạn 2018-2022, hoạt động suất ăn hàng không dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào: Sự tăng trưởng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tầng lớp trung lưu với nhu cầu về công tác, du lịch gia tăng; kế hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài – cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam và thế giới; và kế hoạch tăng trưởng đội bay của các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt là Vietnam Airlines.
Theo ghi nhận của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường hàng không đang có nhu cầu được cung cấp 120.000 suất ăn/ngày. Trong khi đó, tổng nguồn cung của các doanh nghiệp cung cấp suất ăn hàng không chỉ mới đạt khoảng 62.000 suất/ngày, tương ứng khoảng gần 52% nhu cầu thị trường.
Hiện tại, có 4 doanh nghiệp tham gia vào ngành cung ứng suất ăn bao gồm Suất ăn Hàng không Nội Bài - Nội Bài Catering Services (NCS), Dịch vụ Suất ăn Hàng không (VINACS), Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) và Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam (VACS).
Trong số 4 doanh nghiệp hoạt động kể tên có 3 doanh nghiệp chịu sự chi phối của Nhà nước là NCS, MAS và VACS với chiến lược phát triển mảng suất ăn theo từng khu vực địa lý cụ thể, tránh đối đầu cạnh tranh trực tiếp. Trong đó:
(1) MAS là công ty liên kết của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu 36%. Tuy nhiên Vietnam Airlines cũng chính là cổ đông lớn nhất chi phối mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Dịch vụ cung ứng suất ăn hàng không là mảng kinh doanh cốt lõi, chiếm khoảng 60% doanh thu thuần. Ngoài ra, MAS còn mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, vận tải hành khách bằng ô tô, taxi, xây dựng và sửa chữa các công trình hàng không. Tại Cảng hàng không Cam Ranh, MAS phải chia sẻ phần lớn thị phần với đối thủ mới gia nhập ngành VINACS, chỉ nắm giữ 60% thị phần suất ăn.
(2) VACS vẫn là doanh nghiệp Nhà nước độc quyền tại thị trường suất ăn hàng không Tân Sơn Nhất, với thị phần lớn nhất trong ngành và lợi thế cung cấp các dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất – cửa ngõ du lịch trọng điểm tại Việt Nam, quy mô của VACS lớn hơn hẳn so với các doanh nghiệp còn lại trong ngành.
(3) NCS là doanh nghiệp dẫn đầu trong hoạt động cung ứng suất ăn và các dịch vụ liên quan tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Nhờ vào lợi thế độc quyền cung ứng suất ăn cho công ty mẹ Vietnam Airlines, hoạt động kinh doanh của NCS được duy trì ổn định và tăng trưởng qua các năm.
Trí thức trẻ