MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có hai Donald Trump khác nhau "một trời một vực" trong con mắt nhà kinh tế và nhà đầu tư

08-01-2017 - 23:28 PM | Tài chính quốc tế

Rõ ràng, phố Wall, hay chí ít là các cổ đông, không thấy chính quyền tổng thống Trump đáng lo ngại như cảnh báo.

Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, rất nhiều người cho rằng chiến thắng của ông Trump có thể sẽ khiến cổ phiếu giảm mạnh. Một nhóm 20 nhà kinh tế đã giành giải Nobel cảnh báo rằng chính quyền tổng thống Trump có thể sẽ gây nguy hiểm cho nền tảng thịnh vượng của cả nước Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng buổi sáng thứ tư ấy, thị trường có vẻ không đáng báo động. Từ đó đến nay thị trường liên tục tăng điểm. Rõ ràng, phố Wall, hay chí ít là các cổ đông, không thấy chính quyền tổng thống Trump đáng lo ngại như cảnh báo.

Vậy điều gì đang diễn ra ở đây? Cả những người giành giải Nobel và thị trường đều đúng. Dựa vào những gì mà ông Trump hứa hẹn sẽ theo đuổi trong chiến dịch tranh cử, chính quyền ông Trump có thể mang đến nhiều nguy hại cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng những nguy hại đó cũng không nhất thiết phải diễn ra trên thị trường chứng khoán.

Ví dụ, kế hoạch bãi bỏ quy định quản lý ngành ngân hàng có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008. Và việc ông bãi bỏ quy định về khí thải nhà kính sẽ dẫn tới biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Nhưng phải mất thời gian dài – nhiều năm thậm chí là cả thập kỷ, để dẫn tới những thảm họa đó. Và trong quãng thời gian đó, ít quy định hơn đồng nghĩa với nhiều hoạt động kinh tế hơn và nhiều lợi nhuận hơn cho các doanh nghiệp Mỹ.

Một vài chính sách kinh tế của ông Trump có thể sẽ tạo ra tương lai u ám cho một số nhóm người cụ thể, như người nghèo và người nhập cư, mà không gây tác hại gì đến thị trường chứng khoán hay các số liệu kinh tế thông thường như tổng sản phẩm quốc nội hay tỉ lệ thất nghiệp.

Trump muốn cắt giảm thuế và khuyến khích chi tiêu vào cơ sở hạ tầng

Donald Trump không phải là một ứng viên thông thường, và ông không có những thiết kế chính sách chi tiết mà các ứng viên tổng thống thường đưa ra. Nhưng bản phác thảo về kế hoạch kinh tế của ông lại rất rõ ràng.

Trước tiên là cắt giảm thuế mạnh tay. Kế hoạch của ông sẽ khiến nguồn thu của chính phủ giảm khoảng 7,2 nghìn tỉ USD trong khoảng một thập kỷ, cao gấp đôi lần cắt giảm thuế kỷ lục dưới thời tổng thống George W. Bush. Lợi ích sẽ chảy vào nhóm người có thu nhập cao nhất.

Song song với cắt giảm thuế, ông sẽ dành hơn 500 tỉ USD cho gói đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Phát biểu hồi tháng 8, Trump nói: “Chúng ta có những cây cầu đang xuống cấp. Chúng ta sẽ lập quỹ, thương lượng để có lãi suất thấp và xây dựng lại cơ sở hạ tầng.”

Tháng sau đó, với sự quan ngại về cắt giảm chi tiêu quốc phòng gần đây, ông nhấn mạnh sẽ chi tiêu thêm khoảng 500 tỉ USD vào hoạt động quân sự trong thập kỷ tới. “Chúng ta muốn ngăn chặn, tránh xa và ngăn ngừa xung đột thông qua hệ thống quân sự không hoài nghi của chúng ta.”

Trớ trêu thay, gói cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quân sự cũng chẳng khác gì một cách kích thích tài chính Keynes mà các đảng viên đảng tự do ủng hộ trong suốt cuộc suy thoái năm 2009. Khi đó Cục Dự trữ Liên bang sẽ buộc phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Việc bãi bỏ các quy định dễ dẫn đến khủng hoảng hơn

Một phần khác trong chương trình nghị sự của ông Trump là bãi bỏ các quy định. Cụ thể, Trump thề sẽ bãi bỏ hiệp ước ông Obama đã ký nhằm chống lại sự nóng lên của toàn cầu bằng cách cắt giảm khí thải nhà kính.

Trong ngắn hạn, việc rũ bỏ quy định môi trường có thể thúc đẩy chứ không kìm hãm hoạt động kinh tế nhờ chi phí thấp hơn. Chỉ sau một hoặc hai thế hệ nữa chúng ta mới có thể cảm nhận được toàn bộ hệ quả như tăng nhiệt độ, mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt hơn. Và những ảnh hưởng này sẽ diễn ra trên phạm vi toàn cầu chứ không riêng ở Mỹ, do vậy chi phí sẽ tăng trên diện rộng.

Câu chuyện cũng tương tự với sự bãi bỏ quy định tài chính. Có lý do để lo lắng rằng khủng hoảng tài chính sẽ dễ xảy ra hơn một khi luật lệ bị bãi bỏ.

Những hệ lụy đó cũng có thể mất nhiều năm để hiện thực hóa. Thực ra, như với việc bãi bỏ quy định về khí hậu, hiệu ứng ban đầu có thể là tích cực khi các ngân hàng từ đó cho vay được nhiều hơn và thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Vậy nên các chính sách của ông Trump sẽ gây ra những tác động lớn, nhưng không rõ ràng cho đến rất lâu sau khi ông rời Nhà Trắng.

Trump có thể sẽ không thực hiện được lời hứa vĩ đại của mình về thương mại

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump liên tục công kích Trung Quốc và Mexico, thề rằng sẽ áp mức thuế cao hơn với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thương lượng lại hiệp ước thương mại NAFTA. Nhưng Simon Lester, một chuyên gia thương mại ở Học viện Cato, lập luận rằng chưa chắc Trump sẽ làm được như những gì ông nói.

Một trong những thách thức lớn nhất của ông Trump trên mặt trận thương mại là thực tế các nước đang bị ràng buộc lẫn nhau bởi sự chắp vá phức tạp các thỏa thuận nhằm hạn chế khả năng thay đổi chính sách thương mại đơn phương của bất kỳ quốc gia nào.

Ví dụ, Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá vào hàng Trung Quốc, và tổng thống có quyền quyết định thuế được thiết lập ra sao. Về nguyên tắc, nhóm thương mại của ông Trump có thể điều chỉnh các công thức này để thu thuế Trung Quốc một cách hiệu quả hơn rồi bán sản phẩm cho chúng ta.

Vấn đề là Trung Quốc sẽ kiện lên WTO, và nếu Trump không có sự biện minh tốt về các khoản phí này, hàng hóa Mỹ có thể sẽ chịu thuế đối kháng trên đất Trung Quốc và châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại mà không ai muốn.

Vấn đề thứ hai của ông Trump là Quốc hội. Simon cho rằng ông Trump không có quyền đơn phương đưa Mỹ rút khỏi hiệp ước NAFTA. Điểm mấu chốt là Quốc hội đã đưa ra các cam kết NAFTA quan trọng như là ưu đãi thuế 0% cho hầu hết hàng hóa, như một phần của luật lệ Mỹ. Do vậy đơn phương rút khỏi NAFTA sẽ không thực sự khả thi, các công ty Mexico vẫn sẽ bán hàng vào Mỹ mà không phải trả thuế.

Để thay đổi điều này, ông Trump phải khiến Quốc hội bãi bỏ luật lệ đã thực hiện yêu cầu của NAFTA trong những năm 1990. Trong khi đó, rất nhiều thành viên Quốc hội, đặc biệt là đảng của ông Trump, là những nhà thương mại tự do đầy nhiệt huyết. Họ có mối quan hệ thân thiết với các tổ chức kinh tế như Phòng thương mại Mỹ vốn từ lâu đã ưu ái tự do thương mại. Do vậy họ sẽ không đồng tình với việc rút khỏi NAFTA đặc biệt khi ông Trump không có tổ chức khác để thay thế.

Simon cho rằng nhiều khả năng ông Trump sẽ đi đến các quốc gia như Mexico và tìm kiếm sự thay đổi khiêm tốn hơn cho mối quan hệ thương mại của họ. Nếu người Mexico chịu nhượng bộ, ông có thể tuyên bố chiến thắng và tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc hội mà không cần thay đổi hệ thống thương mại toàn cầu.

Cho dù như vậy cũng khó mà chắc chắn được. Ông Trump cho rằng NAFTA là xấu và Trung Quốc đang tách dần Mỹ ra. Luật pháp thương mại thì khá phức tạp, và chính quyền ông Trump sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho dù ai là người hỗ trợ chính sách thương mại cho ông đi chăng nữa.

Tương lai u ám cho người nghèo và người nhập cư

Từ góc nhìn nhân đạo, ảnh hưởng lớn nhất của chính quyền ông Trump có lẽ là việc đối xử với dân nhập cư. Ông đã từng tuyên bố sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Chưa thể kết luận được chi phí cho các cá nhân bị nhắm tới, các doanh nghiệp mà họ làm việc hay khách hàng của họ.

Và nếu ông Trump thông qua chương trình nghị sự kinh tế của chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, nó có thể dẫn tới cắt giảm sâu các chương trình xã hội, bao gồm y tế và thực phẩm. Sau cùng, ông Trump và quốc hội đảng Cộng hòa rất mong có thể bãi bỏ chương trình Obamacare mà không ai biết họ sẽ thay thế chương trình gì vào đó. Chỉ biết rằng 22 triệu người có thể mất bảo hiểm y tế, theo báo cáo của Sarah Kliff từ Vox.

Phương Anh

The Vox

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên