MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội đầu tư từ sự dịch chuyển sang lĩnh vực năng lượng tái tạo

Theo đánh giá từ CTCK Dầu khí (PSI), việc phát triển năng lượng tái tạo đang là xu hướng tất yếu trong tương lai của toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Nhìn vào cơ cấu năng lượng thế giới trong các năm gần đây, dầu mỏ, khí đốt và than đá đang chiếm tỷ trọng lớn nhất lần lượt khoảng 32%, 26% và 23% trong khi mảng năng lượng sinh khối chỉ chiếm khoảng 10% (theo số liệu 2019 của IRENA - Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế).

Tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) trong sản xuất điện toàn cầu tăng lên với tốc độ rất nhanh, cuối năm 2000 ghi nhận tỷ lệ 0,8% và đến hết năm 2019 là 27,3%. Năm 2009, tổng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu khoảng 1.136 GW, nhưng đến năm 2018 con số ghi nhận đã tăng gấp đôi lên 2.350 GW.

Tiềm năng phát triển ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam

Việt Nam nằm ở vị trí địa lý khá thuận lợi cho việc phát triển nguồn năng lượng điện gió, thuộc vùng khí hậu gió mùa, được định hình bởi đường bờ biển dài hơn 3.000 km. 39% lãnh thổ có tốc độ gió lớn hơn 6m/s, tương đương tiềm năng sản lượng điện gió 513 GW. Đặc biệt, khoảng 10% trong số đó, được coi là có tiềm năng năng lượng điện gió rất lớn nằm tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ. Trong bối cảnh tài nguyên năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường, sản lượng dự trữ dầu thô và các mỏ dầu khí truyền thống như Bạch Hổ, Sư Tử, Rồng, Ruby đang sụt giảm; xu hướng thúc đẩy sản xuất điện từ năng lượng tái tạo trở thành xu hướng tất yếu.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã quy hoạch công suất hệ thống điện quốc gia phải đạt 60 GW vào năm 2020, trong đó tỷ trọng năng lượng tái tạo là 9,9%. Tuy nhiên tổng công suất đến thời điểm này chỉ đạt 56 GW, thấp hơn khoảng 4 GW theo con số được phê duyệt. Cũng theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến phải bổ sung nguồn cung cấp điện ít nhất 32 GW, chủ yếu từ các dự án điện than và điện khí, tuy nhiên các dự án này đến nay thường bị chậm 3-4 năm, dự báo năm 2023 sẽ thiếu hụt 13 GW và 2025 thiếu hụt khoảng 8 GW nguồn điện.

Tại tờ trình số 1931 ngày 19/3/2020 Bộ công thương đã đề xuất chính phủ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, tương đương 11,6 GW. Đồng thời tại Tờ trình 3299/BCT-ĐL ngày 08/05/2020 Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió theo Quyết định 39 tới hết ngày 31/12/2023 nhằm tạo niềm tin và động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Với cơ chế giá FIT ưu đãi được kéo dài thêm 2 năm, sẽ tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển sau một thời gian trầm lắng do giá thấp. Trong văn bản kiến nghị mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng với tiềm năng lớn, điện gió sẽ là một trong những nguồn điện quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn 2021 - 2025, bù đắp vào phần thiếu hụt do nhiều dự án nguồn điện lớn khác đang chậm tiến độ.

Bên cạnh đó Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về việc bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực tại công văn số 693/TTg-CN ngày 9/6/2020 gửi Bộ Công Thương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch điện gió điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 với quy mô công suất 11.630 MW nhằm đảm bảo cung cấp điện, phát triển nguồn điện đủ dự phòng, đồng thời, xem xét quyết định bổ sung quy hoạch các dự án điện gió với phương án đấu nối và điều kiện giải tỏa công suất; bổ sung quy hoạch/đẩy sớm tiến độ các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ nhằm giải tỏa công suất các dự án điện gió...

Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gia nhập lĩnh vực tiềm năng sinh lợi cao này như Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Xuân Cầu, Công ty Pacific, Công ty Fecon, Tập đoàn Thành Công Group, BCG Bamboo Capital, Tập đoàn Trường Thành hay Tập đoàn Hà Đô, …

Với thế mạnh là nhà thầu uy tín tại Việt Nam, CTCP Fecon (mã FCN) đã có những quyết sách chuyển mình theo xu hướng và nhu cầu của thị trường chung. Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra vào ngày 18/6/2020, FECON đặt mục tiêu chinh phục lĩnh vực xây dựng công nghiệp và đầu tư dự án năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió, điện mặt trời tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Cho đến thời điểm này, FECON đã thi công hoàn thành 4 dự án điện mặt trời, trúng thầu 4 dự án điện gió, đã đầu tư hoàn thành 1 dự án điện mặt trời và đang chuẩn bị tham gia đầu tư một dự án điện gió công suất 120 MW tại tỉnh Sóc Trăng, đồng thời công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư 2 dự án điện gió và 2 dự án điện mặt trời với tổng công suất 5 dự án sau khi hoàn thành khoảng 700MW.

Theo đánh giá từ CTCK Dầu khí (PSI), việc phát triển năng lượng tái tạo đang là xu hướng tất yếu trong tương lai của toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, dự kiến nhu cầu điện tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt sau khi Việt Nam đã chính thức đạt được các thỏa thuận CPTPP, EVFTA cũng như đang được đánh giá là quốc gia hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn đang leo thang.

Trên thị trường chứng khoán niêm yết hiện nay có gần 30 doanh nghiệp phát điện, tuy nhiên hầu hết là các doanh nghiệp nhiệt điện than, nhiệt điện khí và thủy điện, tuy nhiên các doanh nghiệp này khó có khả năng gia tăng công suất trong thời gian tới do ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu, điều kiện thủy văn,...Do vậy, các doanh nghiệp tham gia đón sóng năng lượng tái tạo như FCN hay Thành Công Group, BCG Bamboo Capital…sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội phát triển khi thị trường năng lượng sạch được đánh giá là dư địa lớn cho việc gia tăng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên