Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm chân trắng sang EU
EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,7% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường.
- 08-11-2018Ô tô đồng loạt giảm giá mạnh, cao nhất gần 100 triệu đồng
- 08-11-2018Cửa hàng xăng ở Nghệ An “quên” giảm giá theo quy định
- 08-11-2018Làm giàu từ trồng cây dược liệu
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết EU chiếm khoảng 28% tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới. Trong 10 năm (2007-2017), nhập khẩu tôm vào EU tăng từ 5,6 tỷ USD lên 6,9 tỷ USD năm 2017. Xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt là tôm chân trắng sang một số thị trường tại EU hiện đang có những cơ hội để tăng trưởng.
EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,7% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này tính tới tháng 9 năm nay đạt 648,4 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khối EU, Anh là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm của Việt Nam, chiếm 27% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU và chiếm 6,7% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh đạt gần 176 triệu USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục từ 114,6 triệu USD năm 2014 lên 210,6 triệu USD năm 2017, tăng gần 84%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh có xu hướng ngày càng tăng do Anh đẩy mạnh nhập khẩu tôm nước ấm nhờ giá phải chăng để thay thế cho tôm nước lạnh. Anh ưa chuộng các sản phẩm như tôm chân trắng block đông lạnh, bỏ đầu, đã qua xử lý và lột vỏ rút chỉ lưng PD, tôm chân trắng đông lạnh IQF hấp & nguyên liệu, đã qua xử lý.
Hà Lan là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Anh. Chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hà Lan đạt 158,6 triệu USD, tăng 11,6%. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hà Lan, chiếm 37,6% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường này trong năm 2017.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan, tôm chân trắng chiếm tỷ lệ cao nhất 86%, tiếp đó tôm sú chiếm 10% và tôm loại khác chiếm 4%. Hà Lan ngày càng có nhu cầu cao với các sản phẩm tôm chân trắng chế biến (HS 16) từ Việt Nam.
Theo VASEP, tôm Việt Nam vẫn duy trì được những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ lớn khác trên thị trường EU như Ấn Độ và Thái Lan. Hai đối thủ này của Việt Nam đang ngày càng giảm xuất khẩu sang EU do vướng phải những vấn đề về đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã thông qua việc đệ trình Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình. Sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu và tôm chế biến vào thị trường này.
Đối với phân khúc người tiêu dùng, ngày càng có nhiều người châu Âu mua tôm ở siêu thị để chế biến ở nhà, thay vì ăn tôm tại các nhà hàng. Đây là lợi thế của tôm chân trắng vì tỷ trọng tôm chân trắng trên thị trường bán lẻ đang tăng.
Các nhà hàng châu Âu thường dùng tôm sú do hương vị thơm ngon và kích cỡ vượt trội nhưng khủng hoảng kinh tế đang khiến tôm chân trắng được ưa chuộng hơn. Tôm sú vẫn được ưa chuộng tại ở các nhà hàng cao cấp và ở miền nam châu Âu. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp nào có thể cung cấp tôm chân trắng cỡ lớn với giá thấp hơn tôm sú.
Đối với phân khúc chế biến, châu Âu ngày càng tăng nhu cầu với tôm hấp nguyên liệu phục vụ cho sản phẩm MAP (sản phẩm đóng gói khí quyển biến đổi).
Để thúc đẩy doanh số bán tôm sang EU, doanh nghiệp nên tăng số lượng trại nuôi, nhà máy được chứng nhận các biện pháp thực hành nuôi tốt, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, xã hội đồng thời tăng số lượng nhà máy được nâng cấp dây chuyền chế biến đáp ứng tiêu chuẩn bán lẻ của châu Âu.
Nhịp sống kinh tế