MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho cổ phiếu ngành xây dựng?

Theo đánh giá phân tích của các công ty chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành Xây dựng xây lắp vẫn là nhóm thu hút sự quan tâm, theo dõi của các nhà đầu tư do nhóm cổ phiếu này đã giảm sâu về dưới mức giá trị sổ sách của doanh nghiệp.

Đại dịch Covid _19 đã ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế toàn cầu dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới rơi vào tình trạng giảm sút nghiêm trọng. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB đều hạ dự báo đối với nhiều nền kinh tế, khu vực như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. Tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam chỉ đạt mức 3,82% thấp hơn nhiều so với con số 6,79% cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 4, thế giới chứng kiến sự mất phanh của giá ‘vàng đen’ khi rơi về vùng dưới 0 USD/thùng - mức giá không tưởng trong lịch sử giá dầu đã gây tác động kép khiến TTCK toàn cầu chao đảo. Trước thời điểm trên, TTCK Việt Nam đã mất hơn 300 điểm khi giảm từ vùng 990 điểm về ngưỡng 650 điểm, tuy nhiên, những phiên giao dịch trong tháng 4, TTCK Việt Nam đã duy trì sắc xanh trở lại mặc dù có những tác động xấu từ yếu tố khách quan.

Trái ngược với sự ảm đạm của nền kinh tế Việt Nam, TTCK Việt Nam đã có những diễn biến sôi động trong giai đoạn này khi thị trường đã rơi về vùng giá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo con số thống kê từ Trung tâm lưu ký Việt Nam (VSD), trong tháng 3/2020, số lượng mở tài khoản mới của NĐT trong nước tăng đột biến hơn 32.000 tài khoản với kỳ vọng bắt đáy cổ phiếu thành công. Điều này cho thấy, dù nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, TTCK Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã giảm về mức quá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Như vậy cùng với việc TTCK giảm giá sâu về mức khá thấp và tạo đáy quanh vùng 650 điểm giai đoạn cuối tháng 3 và đang có xu hướng phục hồi trở lại vùng 800 – 850 điểm trong giai đoạn tới – P/E thị trường khoảng 11x trong khi nhiều nhóm cổ phiếu ngành xây dựng xây lắp, ngành ngân hàng, dầu khí đã giảm về mức giá hấp dẫn. Giai đoạn xấu nhất của thị trường đã trôi qua, thị trường đang trong quá trình phục hồi và kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới khi đại dịch được Việt Nam kiểm soát tốt. Đây chính là thời điểm phù hợp đối với các nhà đầu tư giá trị cũng như các nhà đầu cơ lướt sóng.

Dòng tiền đổ về đâu trên thị trường chứng khoán?

Theo đánh giá phân tích của các công ty chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành Xây dựng xây lắp, Ngân hàng, Dầu khí…vẫn là nhóm thu hút sự quan tâm, theo dõi của các nhà đầu tư do nhóm cổ phiếu này đã giảm sâu về dưới mức giá trị sổ sách của doanh nghiệp.

Năm 2020 được xem là năm vượt khó của tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, trong "nguy có cơ", ngành Xây dựng được dự đoán là một trong những ngành có sức bật mạnh nhất trong giai đoạn này. Với chính sách đẩy mạnh đầu tư công nhằm gỡ khó cho nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng như Fecon (FCN), Contecons (CTD) hay Hòa Bình (HBC)…dự báo có nhiều khởi sắc trong năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 18,1% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay nếu được giải ngân hiệu quả sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Một trong những cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng đang được nhà đầu tư quan tâm hiện nay là FCN (Công ty Cổ phần FECON). Theo Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), FCN có những nền tảng vững chắc để bứt phá trong giai đoạn tới. Giữa đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của FECON vẫn đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan, với tổng giá trị trúng thầu mới từ đầu năm đến nay vào khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Ba dự án mà FECON tham gia với tư cách nhà thầu thi công hạ tầng là dự án cảng Vĩnh Tân tại Đồng Nai thuộc tập đoàn Hòa Phát, dự án Khu công nghiệp -Cầu cảng Phước Đông, Long An và dự án hạ tầng khu đại đô thị Lotus Đại Phước, Đồng Nai dự kiến thu về trên 400 tỷ đồng doanh số; việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra nguồn công việc rất lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng như FECON.

Trong mảng xây dựng công nghiệp, FECON đã trúng thầu hai dự án thi công điện gió là Nhà máy điện gió Cầu Đất Đà Lạt và Điện gió Thái Hòa Bình Thuận, với doanh thu ước tính của 2 dự án đạt trên 100 tỷ đồng và đang tiếp tục đàm phán vòng cuối cùng với 3 dự án nữa.

Nhiều thông tin cho thấy, FECON đang coi xây dựng công nghiệp, đặc biệt là các dự án điện gió là một trong các mảng kinh doanh chiến lược của doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2023. Hiện nay, FECON là đơn vị duy nhất có quyền sử dụng sáng chế "Phương pháp xây dựng móng trụ đỡ Tuabin gió của máy phát điện bằng sức gió ở vị trí nước nông gần bờ" theo bản quyền công nghệ của tập đoàn CTE trên lãnh thổ Việt Nam. Công nghệ này được đánh giá sẽ giúp tiết kiệm 30% đến 50% chi phí so với các phương pháp nước ngoài đang được sử dụng tại Việt Nam. Đại diện FECON cho biết năm 2020, tổng doanh thu dự kiến từ các dự án điện gió đem lại cho FECON vào khoảng trên 1000 tỷ đồng.

Contecons (CTD) – ông lớn trong ngành Xây lắp xây dựng cũng đã có những những thành tựu đáng kể trong quý 1 bất chấp sự ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Theo BCTC quý 1/2020, biên lợi nhuận gộp CTD tiếp tục phục hồi trong lên 5,5% so với mức 4,5% trong quý 4/2019 – đây là quý thứ 4 biên lãi Công ty hồi phục kể từ mức thấp nhất vào quý 2/2019.

Trong quý 1/2020, Coteccons đã công bố ký kết mới 2 hợp đồng thi công dự án cao cấp, nâng tổng giá trị trên 5.000 tỷ đồng, bao gồm Complex Building có quy mô 8.320 m2 với kết cấu 2 tòa tháp đôi cao 48 tầng, với 1.074 căn hộ hạng sang tại quận 1, Tp.HCM và dự án The Metropole Thủ Thiêm.

Năm 2020 bắt đầu với những diễn biến bất lợi do ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong "nguy có cơ", với giá trị cốt lõi từ nội tại doanh nghiệp, ngành xây dựng được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn sau giai đoạn "lửa thử vàng" đầy khắc nghiệt này.

Bảo Sơn

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên