Cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số của Việt Nam rất lớn
Ảnh minh họa
Nếu như năm 2022 là năm khởi động: bước đầu thiết lập thể chế gồm pháp lý, tổ chức quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, thì theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023 là năm nền tảng, có tính chất bản lề thực hiện các mục tiêu đến năm 2025.
- 22-01-2023Bến xe, nhà ga phải tăng cường ứng dụng công nghệ để hấp dẫn hành khách
- 22-01-2023Khi người dân không còn phải… ‘lên phường’
- 21-01-2023TikToker triệu view Đặng Thu Hà: “Muốn trở thành một người mà bản thân hiện tại có thể ngưỡng mộ”
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh thứ hai thế giới
Chỉ số các nền kinh tế số do Thời báo Kinh tế (Financial Times) và Omdia khảo sát công bố mới nhất (22/11/2022) trên quy mô 39 quốc gia trên toàn cầu, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh thứ hai thế giới (12,3%) vào năm 2022 (sau Ấn Độ), nhanh thứ ba thế giới (10,3%) vào năm 2023 (sau Mexico và Ấn Độ) và được dự báo dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn 2022 - 2026.
Tuy nhiên, điều cần quan tâm hiện nay là quy mô thị trường số của Việt Nam còn nhỏ, xếp thứ 25/39 quốc gia. Việt Nam có tiềm năng phát triển quy mô thị trường hơn thế khi tổng dân số Việt Nam xếp thứ 15 toàn cầu [WorldBank, 2021] và Báo cáo này cũng cho rằng Việt Nam sẽ trải nghiệm sự mở rộng đột phá về khả năng kết nối và thâm nhập thiết bị, tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán và giải trí kỹ thuật số.
Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á e-Conomy SEA lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội” do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện và công bố vào 27/10/2022, kinh tế Internet của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và đang trên đà đạt 49 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực.
Người dùng số thành thị tại Việt Nam có mức tiếp nhận dịch vụ số cao nhất, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ vận tải và giao đồ ăn đứng đầu danh sách với tỷ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%. Dịch vụ tài chính số được kỳ vọng phát triển vượt bậc. Lĩnh vực cho vay số đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) nhanh nhất ở mức 114% giai đoạn 2021 - 2022 và duy trì ở mức tăng 56% giai đoạn 2022 - 2025.
Lĩnh vực đầu tư dự kiến sẽ có bước nhảy vọt với mức hơn 106% CAGR giai đoạn 2022 - 2025. Hơn nữa, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn.
Hiện giờ, về xã hội số, Việt Nam xếp thứ 9 toàn cầu về số lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động với tổng số lượng lượt tải đạt gần 3 tỷ lượt (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước).
Trong số 20 nhóm nền tảng số có lượng người dùng thường xuyên hằng tháng lớn nhất cả nước, ưu thế thuộc về nhóm ứng dụng mạng xã hội (với số lượng tài khoản hoạt động thường xuyên của ứng dụng top 1 của Việt Nam hiện nay đạt 75 triệu); tiếp đến là nhóm nền tảng số thương mại điện tử, nền tảng số ngân hàng; đây cũng là các nhóm có tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng lớn nhất trong năm 2022.
Về kinh tế số, theo tính toán của Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông, quy mô nền kinh tế số ghi nhận sự tăng trưởng trên cả 3 khía cạnh: kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành trong suốt 3 quý năm 2022.
Trong đó, hoạt động có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế số là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin (chiếm khoảng 30% tổng giá trị đóng góp của kinh tế số), tiếp đến là thương mại điện tử (14,3%), sản xuất phần cứng (12,83%) và hoạt động có tốc độ tăng trưởng cao nhất là thông tin nội dung số (tăng gần 104% so với Quý I/2022).
Theo số liệu tạm tính, đóng góp của kinh tế số cho GDP Quý III/2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó: kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,15%; kinh tế số nền tảng ước tính đóng góp 2,84% và kinh tế số ngành ước tính đóng góp khoảng 4,28%.
Ngoài ngành Thông tin và Truyền thông, 03 ngành có tỷ lệ đóng góp nhiều nhất của công nghệ số là các hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (23,17%); hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc (18,54%) và nghệ thuật, vui chơi, giải trí (12,09%).
Xét về mặt giá trị, công nghệ số đóng góp nhiều nhất ở ngành công nghệ chế biến, chế tạo; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, xe có động cơ khác và các hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.
Về đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay các bảng cân đối liên ngành IO của các địa phương đang được hoàn thiện nên việc đo lường sẽ được thực hiện trong năm 2023.
Hướng thúc đẩy, phát triển kinh tế số - xã hội số trong năm 2023
Nếu như năm 2022 là năm khởi động: bước đầu thiết lập thể chế gồm pháp lý, tổ chức quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, thì theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023 là năm nền tảng, có tính chất bản lề thực hiện các mục tiêu đến năm 2025.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số, cần tập trung vào hoàn thiện văn bản pháp lý về giao dịch điện tử, chính sách thúc đẩy kinh tế số, xã hội số; xây dựng các mô hình điểm kinh tế số, xã hội số để rút kinh nghiệm, nhân rộng; chuẩn hóa phương pháp đo và thu thập dữ liệu về kinh tế số, xã hội số; Bộ chỉ số chuyển đổi số DTI sẽ là trọng số quan trọng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các Bộ/Ngành/địa phương và từ đó sẽ phản ánh tỷ trọng kinh tế số trong GRDP.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, Ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của mình; chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hạ tầng kết nối, hạ tầng IoT để đưa mọi hoạt động lên môi trường số, phủ sóng vùng lõm, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ đảm bảo đạt được chỉ tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 80%, số hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt trên 80% vào năm 2025. Chỉ tiêu này sẽ là cơ sở để điều chỉnh tính toán mức độ đóng góp của công nghệ số trong các ngành, các lĩnh vực tại các Bộ, Ngành, địa phương.
Định hướng năm 2023 là “năm dữ liệu số” tập trung giải quyết các vấn đề dữ liệu số và nâng cao nhận thức, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, đẩy mạnh quản trị số. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho giao dịch điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế số - xã hội số và đẩy mạnh việc kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Tiếp tục phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng và nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà (MOOC) tại địa chỉ onetouch.mic.gov.vn để đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số cho cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân hướng tới hình thành thói quen số, văn hóa số.
Đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, hướng tới thương mại điện tử tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Vnmedia