MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan

08-06-2021 - 08:43 AM | Sống

Từ khắp mọi miền Tổ quốc, tập thể thầy trò các trường đại học Y Dược lại cùng lên đường, ra đầu tuyến chống dịch để chung vai sát cánh cùng đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm nỗ lực vì một Việt Nam sớm trở lại cuộc sống thanh bình.

"Trên này nắng, nắng lắm, được hôm nay thì dịu mát rồi. Trời cứ mát như này thì bọn em mừng, xét nghiệm nhanh cho mọi người đỡ khổ."

Tin nhắn tôi nhận được từ một người em xa lạ, được bạn bè làm ở Đại học Y kết nối. Em là một trong khoảng 60 thầy trò trường Đại học Y đã lên đường lên Bắc Giang hỗ trợ cho công tác chống dịch tại địa phương, cùng với 50 thầy trò trước đó đã tới Bắc Ninh, tỉnh liền kề Bắc Giang cũng đang gồng mình chống dịch. Em không có đăng những bức ảnh mệt nhoài trên Facebook nhưng cũng như biết bao sinh viên của các trường đại học Y Dược khác, những ngày này quả thật rất… đặc biệt.

Phải dùng từ "đặc biệt" vì mệt mỏi, căng thẳng hay áp lực thôi là chưa đủ. Đằng sau những tấm lưng bỏng rẫy, tấm áo ướt mồ hôi là những thiện tình, sự quan tâm của mọi người và hơn tất cả - có cả những niềm hạnh phúc khi nay xét nghiệm xong sớm, khi thấy số ca giảm hơn mọi ngày.

"Cô ơi, bác Quý bác gọi lại cho bánh, cho sữa",

"Cô ơi, thầy C. đưa cả đồ lên cho đoàn, sợ chúng em nóng quá không chịu được",

"Chị ơi có đơn vị gửi tặng các chị 2 thùng chè với nước ép dưa hấu để làm việc xong các chị giải khát",

"Cô ơi có anh bảo hết đá chườm thì gọi anh í, anh í đưa cho cả túi bóng luôn ạ",

"Cô ơi có bác tặng đoàn mình 1 thùng chanh muối, em đã kịp ghi tên và số điện thoại của bác để cảm ơn ạ"...

Đó là những dòng tâm sự của chị Huỳnh Thị Hồng Nhung, một trong những giảng viên được trường Học viện Y dược cổ truyền học Việt Nam cử đi cùng các sinh viên đến với tâm dịch làm nhiệm vụ hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong công tác xét nghiệm, lấy mẫu. Ở trên này, chẳng mấy ai nhớ mặt nhau ra sao - cán bộ nào cũng trong bộ đồ bảo hộ trắng kín mít. Nhưng tất cả họ đều đang gồng mình cùng người dân qua mùa Covid, mùa nắng nóng 40 độ. Những nghĩa cử, hành động hết mình của tuổi trẻ nơi tuyến đầu chống dịch ấy, như viết tiếp câu chuyện của bao thế hệ thanh niên Việt Nam, khi Tổ quốc gọi là sẵn sàng lên đường.

Những người trẻ lên đường chi viện cho Bắc Ninh, Bắc Giang

Khi những người dân thành thị còn than trời vì cửa hiệu cắt tóc đóng cửa, không kịp đi cắt trước khi thành phố giãn cách xã hội, bác sĩ Đặng Minh Hiệu từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã cắt phăng mái tóc của mình trước ngày lên Bắc Giang. Biết đâu hành trình chống dịch này còn dài, cứ cắt đi cho gọn gàng, đỡ nóng nực. Hình ảnh người bác sĩ trẻ cười tươi xuất hiện trên khắp trang mạng xã hội để người ta không quên rằng, nhiều người trẻ sẵn sàng tạm quên đi những niềm vui cá nhân để cống hiến cho một nhiệm vụ cao cả hơn: chống dịch Covid.

Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 1.
Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 2.

Khi bức ảnh tấm áo bảo hộ y tế với dòng chữ "FB: Huệ Nguyễn, chưa có người yêu" được truyền tay nhau, người ta đi tìm xem "Huệ Nguyễn" là ai. Huệ là sinh viên lớp Y4F, chuyên ngành bác sĩ đa khoa - Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Nhìn bức ảnh của Huệ, người ta thấy hừng hực khí thế của lớp trẻ, dù trong khó khăn vẫn giữ tinh thần lạc quan, để động viên nhau vượt qua những tháng ngày nhọc nhằn này. Người như Huệ, "xứng đáng có 10 người yêu". Và gần 1.000 sinh viên của các trường Y, dược chi viện cho Bắc Ninh, Bắc Giang, từ Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, Đại học Điều dưỡng Nam Định, Cao đẳng Y tế Bạch Mai, Đại học Y dược Thái Bình... tất cả các sinh viên, các thầy cô đều xứng đáng với những lời chúc, động viên tốt đẹp nhất mọi người dành cho. Đó có thể là Huệ, là Hiệu hay bất cứ cái tên nào. Không ai nhớ mặt đặt tên từng người đằng sau những tấm áo trắng kín bưng, chỉ cần biết rằng các em, các thầy cô vẫn đang âm thầm và miệt mài cho một trận chiến dai dẳng.

Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 3.

Gác lại việc học tập, tạm quên đi những công việc cá nhân, sinh viên y theo từng chuyến xe lăn bánh hướng về Bắc Giang, Bắc Ninh. Hình ảnh từng đoàn xe của sinh viên các trường Y dược mang theo niềm hy vọng và ý chí chống dịch hướng về Bắc Giang như gợi nhớ chúng ta đến những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh trong những thước phim xưa cũ, sinh viên Văn khoa bỏ lại mái trường, mang theo cả những trang thơ ra chiến dịch. Những tưởng cái tinh thần ấy đã bị quên lãng trong tháng năm hòa bình nhưng nhìn xung quanh mà xem, người trẻ vẫn đang hừng hực một tinh thần đóng góp, đồng lòng vì đất nước. Không còn chiến trường với bom rơi đạn nổ nhưng còn đó "chiến trường" với những thứ vô hình đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân Việt. Có những điều được truyền qua nhiều thế hệ, tưởng đã ngủ vùi nhưng luôn sẵn sàng được đánh thức, như tinh thần chung vì vận mệnh của dân tộc.

Và những tấm hình "Biệt đội săn Covid", "Mệt chỉ là cảm giác…" khiến chúng ta, những người ở hậu phương vững tâm hơn khi biết các sinh viên trên tuyến đầu chống dịch đều đang gồng hết sức mình, đương đầu với thách thức, chạy đua với thời gian để bên ngoài những "thành trì" phong tỏa ấy, cuộc sống của người dân đâu đó vẫn được bình yên.

Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 4.

Đằng sau những nụ cười...

Từ trang nhật ký của chị Hồng Nhung, người ta thấy nhiều câu chuyện hơn đằng sau những nụ cười. Chiến đấu với dịch bệnh không phải một công việc dễ dàng. Từ tâm dịch Bắc Giang, hình ảnh các bác sĩ mệt nhoài nằm ngay trên sàn, gục đầu xuống ghế, vật vờ đêm hôm để cố cho xong việc khiến người xem không khỏi xót xa.

"Hôm nay 29/5/2021, đoàn tự chiến đấu 1 mình, không có sự kèm cặp của các bác sĩ đoàn Việt Nam - Thuỵ Điển. Thế mới thấm sự dẻo dai, kiên cường, nỗ lực biết bao nhiêu để vượt chỉ tiêu đề ra giữa nắng hè gay gắt, lấy mẫu giữa sân đình hay bóng cây xà cừ... Những lời khen của các anh chị CDC Bắc Giang 'em ơi sinh viên của em làm nhanh mà tốt lắm', 'các bạn vào guồng rất nhanh, làm đâu ra đấy', xin giữ lại để chúng mình cùng cố gắng nhiều hơn nữa các em nhé.

Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 5.
Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 6.

Ngày hôm nay không biết bao nhiêu lần đã nghe 'cô ơi em không trụ được nữa, em vào nghỉ 15 phút sau em tiếp sức cho các bạn', 'cô ơi mình cố nốt xóm này quyết tâm chiều không phải quay trở lại nữa ạ', 'thôi mệt rồi vào nghỉ để tớ thay cậu', 'cô ơi hôm nay riêng bàn em bắt được hẳn 7 con'…

'Mệt thế này rồi có quyết chiến tiếp không các em??? Cô ơi chúng em chiến được!'

'Chính quyền báo còn 200 nữa, chiến được không các em? Cô cho tụi em nghỉ 10 phút chúng em chiến tiếp'...

Nghĩ thương các cô cậu học trò vẫn đang miệt mài trên giảng đường nay được trở thành các chiến binh quả cảm và cũng tự hào về các em rất nhiều.

Cố lên, chúng mình hãy cùng nhau góp phần trả lại sự yên bình cho mảnh đất đầy yêu thương, chân thành này các em nhé!

Mệt một chút thôi rồi chúng mình lại chiến đấu tiếp!

Đúng là 'Mệt chỉ là cảm giác!'"

Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 7.
Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 8.
Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 9.
Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 10.

Mệt có phải là cảm giác không? Mệt chỉ là cảm giác khi chúng ta hiểu rõ được những mệt mỏi ấy đáng đánh đổi cho một điều kì vĩ lớn lao hơn. Bác sĩ không phải là siêu nhân, các em sinh viên càng không phải những anh hùng chỉ khoác lên tấm áo choàng đi cứu thế giới. Họ cũng là con người, cũng có người thân, cũng biết mệt mỏi khi ở trong cái nắng 40 độ của miền Bắc, cũng nhớ gia đình và chạnh lòng khi gọi điện về cho bố mẹ, người thân. Không ai mong muốn đại dịch trở lại để trở thành anh hùng hay siêu nhân gì cả nhưng khi có tiếng gọi lên đường, họ sẵn sàng chấp nhận đối mặt với mệt mỏi, khó khăn, thử thách. Các em sinh viên, nhiều bạn chưa được đọc lời thề Hippocrates thiêng liêng trước khi ra trường để chuẩn bị hành nghề, nhưng đã thấm nhuần lý tưởng cứu người của một người thầy thuốc.

Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 11.

Tôi có hỏi người em ở đầu câu chuyện rằng, đi chuyến này có sợ không? Có cần chuẩn bị nhiều thứ đặc biệt mang lên không? Em nói cũng lo chứ, sợ thì không sợ vì mình cũng có kiến thức mà, chỉ hơi "rén" một xíu khi những thứ mà các em đang phải đối đầu là vô hình, còn chúng ta thì quá hiện hữu trước virus có thể tấn công bất cứ lúc nào chỉ với một chút sơ sẩy. Hành trang lên đường của em cũng không có quá nhiều thứ đặc biệt, vẫn là các đồ dùng cá nhân và những trang thiết bị y tế được cấp hoặc tự chuẩn bị. Nhưng ngày lên đường, em mang theo tất cả lời dặn dò, hỏi thăm của gia đình, động viên của bạn bè và người thân. Mỗi ngày, những tin nhắn hỏi han chỉ tranh thủ mở ra vào buổi tối khiến "cuộc chiến" giữa tâm dịch vơi bớt phần căng thẳng. Những lý tưởng xa xôi, các em không có biết; chỉ biết rằng mình sẽ là một bác sĩ trong tương lai, có những người cần mình cứu giúp, có những lời động viên nhiệt thành từ gia đình, có người thân ở nhà cũng cần được an toàn trước sự lây lan của dịch bệnh, có không ít người bạn cũng rủ nhau đi với trách nhiệm và sự nghiêm túc. Vậy là, các em lên đường.

Mùa hè đổ lửa 2021, không ít sinh viên y khoa tạm gác cuộc sống cá nhân, xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Mùa hè đó, tuổi trẻ của các em đã không hoài phí.

Có một mùa hè đổ lửa, sinh viên Y khoa mang cả tuổi trẻ đến tuyến đầu nguy nan - Ảnh 13.

Theo PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên