Có nên bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy?
Ý nghĩa nhân đạo của chính sách bảo hiểm xe máy bắt buộc là giúp cho nạn nhân có nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời
Xóa bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy, hay vẫn duy trì và tiếp tục cải tiến để mang đến sự hài lòng cho người dân… là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua.
- 19-11-2022Phát triển năng lượng tái tạo thông qua đấu thầu: Kinh nghiệm quốc tế
- 19-11-2022Lương cơ sở tăng từ 01/7/2023, mức hưởng một khoản trợ cấp tăng mạnh, tối đa lên đến 108 triệu đồng?
- 19-11-2022Cần khung pháp lý cao nhất để phát triển năng lượng tái tạo
Hướng đến đảm bảo lợi ích cho nạn nhân tai nạn giao thông
Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã và đang áp dụng chế độ bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới, bắt đầu từ năm 1988 dựa trên nhận thức rằng phương tiện cơ giới được xem là nguồn nguy hiểm cao, kể cả đối với xe máy khi đi với tốc độ cao.
Để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, các chính phủ đã ban hành chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe, trong đó có cả ô tô và xe máy, đảm bảo các chủ xe khi mua bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm chi trả cho các hậu quả mà họ có thể gây ra cho bên thứ ba khi tham gia giao thông trên đường. Hiện nay chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, bao gồm Mỹ, Nhật, Australia, Thái Lan…
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, bảo hiểm ô tô, xe máy cho dù là để bảo vệ cho bên thứ ba thì cũng chỉ nên là tự nguyện, để người dân có quyền lựa chọn tham gia hay không, vì suy cho cùng, nếu chẳng may gây ra tai nạn, họ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường bằng tiền túi của mình. Ý kiến ngược lại là quan điểm này chưa quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân không may bị tai nạn giao thông.
Trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, các vụ tai nạn giao thông xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau. Người gây tai nạn cũng có thể bị thiệt mạng, hoặc không có khả năng tài chính để khắc phục những thiệt hại do họ gây ra.
"Nếu những vấn đề này không được giải quyết, người bị nạn không có nguồn tài chính để được hỗ trợ kịp thời, thì các vấn đề về công bằng, về an sinh xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng", TS. Trần Hữu Minh nhấn mạnh.
Bởi vậy, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới được đặt ra là để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra. Điều này thể hiện rất rõ ý nghĩa nhân đạo của chính sách, đảm bảo nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân tai nạn giao thông do xe máy, giúp nhanh chóng khắc phục những tổn thất về người mà không phụ thuộc vào việc người chủ xe máy đó có khả năng chi trả hay không.
Giải thích về tỉ lệ bồi thường xe máy khá thấp, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, lâu nay nhiều người vẫn có suy nghĩ việc đòi bồi thường bảo hiểm xe máy phức tạp nên mỗi khi có va chạm ngoài đường, không có thiệt hại đáng kể, các bên thường chọn phương án "tự thỏa thuận" cho nhanh. Còn khi có người bị thương phải đưa vào bệnh viện, trong lúc vội vã nhiều người cũng quên mất việc phải gọi cho bảo hiểm hoặc công an để ghi nhận lại hiện trường, dẫn đến việc hiện trường bị xóa bỏ khiến hồ sơ công tác giải quyết bồi thường rất khó khăn.
Tuy nhiên, Hiệp hội cũng lưu ý rằng, với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, việc so sánh giữa tổng số tiền bồi thường trên tổng doanh thu phí bảo hiểm rồi rút ra đánh giá rằng tỉ lệ này thấp là minh chứng của việc sản phẩm "không có nhiều giá trị thực tiễn" là chưa hợp lý và không toàn diện.
"Bản chất loại hình bảo hiểm bắt buộc này là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nạn nhân tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, bao gồm cả xe máy, trong mọi trường hợp đều nhận được quyền lợi bồi thường từ công ty bảo hiểm. Tôi cho rằng giá trị thực tiễn, tính nhân văn văn và lợi ích xã hội của sản phẩm bảo hiểm bắt buộc này đã được thế giới thừa nhận và không có gì cần tranh luận thêm. Điều chúng ta cần bàn là những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực thi chính sách cần tiếp tục được nhận diện, phản ánh, để có giải pháp tháo gỡ, cải tiến và hoàn thiện", vị đại diện của Hiệp hội khẳng định.
Xe cơ giới được xem là nguồn nguy hiểm cao, nên hiện nay chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới được gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đang áp dụng.
Để thuận lợi hơn trong thủ tục bồi thường
Cũng theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Nghị định 03/2021/NĐ-CP và Thông tư 04/2021/TT-BTC ra đời từ đầu năm 2021 đã mang đến nhiều điểm thay đổi vượt trội, tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức cho các bên liên quan.
Kể từ thời điểm này, các chuyên gia bảo hiểm nhận định rằng đòi bồi thường bảo hiểm xe máy nhìn chung đã có thủ tục đơn giản hơn nhiều so với trước đây. Khi xảy ra tai nạn, chủ xe chỉ cần gọi hotline thông báo cho công ty bảo hiểm để được hướng dẫn, hoặc để công ty bảo hiểm cử người tới giám định, hướng dẫn, sau đó thu thập các giấy tờ, hồ sơ luôn có sẵn trong quá trình sửa chữa khôi phục tài sản, điều trị thương tật, chi phí bồi thường tử vong của bên thứ ba cung cấp cho công ty bảo hiểm là được bồi thường. Hotline 24/7 của công ty bảo hiểm được thể hiện trên giấy chứng nhận bảo hiểm và các chuyên gia khuyên mỗi người dân nên lưu số điện thoại này lại để gọi ngay khi cần.
Người mua bảo hiểm được hướng dẫn báo cáo tai nạn cho công ty bảo hiểm, cơ quan công an và chính quyền địa phương nơi gần nhất. Tuy nhiên, trong lúc bối rối, họ thường không tìm số điện thoại hoặc gọi điện nhưng không liên hệ được, cũng không nhờ được sự giúp đỡ để chạy đến tận nơi cấp báo. Trước những khó khăn này, Nghị định 03/2021/NĐ-CP đã có những quy định đơn giản hóa thủ tục yêu cầu bồi thường, trong đó bỏ yêu cầu người dân phải tự liên hệ, thu thập hồ sơ từ công an (nếu có tử vong công ty bảo hiểm trực tiếp thu thập hồ sơ công an). Như vậy, việc người dân phải trực tiếp làm việc với cơ quan công an để thu thập hồ sơ yêu cầu bồi thường chỉ còn là chuyện quá khứ.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những cải tiến trong thủ tục, hồ sơ bồi thường cũng như luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm là điều kiện tiên quyết để người dân tin tưởng tham gia bảo hiểm.
Các chuyên gia cho rằng để cân đối và duy trì quỹ bảo hiểm hướng đến phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, Bộ Tài chính cần cân nhắc tăng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với người và tài sản cũng như tiếp tục cải tiến hồ sơ, thủ tục bồi thường hơn nữa trong thời đại kỹ thuật số, trong đó cần chấp nhận việc các bên liên quan có thể cung cấp bằng chứng hiện trường qua camera ô tô, camera nhà dân, video của người đi đường... để có thể giải tỏa nhanh hiện trường, kịp thời đưa người bị nạn đi cấp cứu, giảm ùn tắc giao thông. Các công ty bảo hiểm cũng cần nâng cao nghiệp vụ thẩm định các bằng chứng kỹ thuật số để phòng, chống gian lận bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân tai nạn giao thông
Người dân có người nhà bị thương hay tử vong trong tai nạn giao thông thuộc các trường hợp xe gây tai nạn không có bảo hiểm, hoặc không được bảo hiểm chi trả do bị loại trừ bảo hiểm, hoặc không xác định được xe gây tai nạn có thể liên hệ Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để được hỗ trợ (tầng 5, 141 Lê Duẩn, Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hotline: 0948 485 285).
Theo đó, nạn nhân được hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng đối với trường hợp bị thương phải cấp cứu và 45 triệu đồng đối với trường hợp tử vong.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Ngoài chi hỗ trợ nhân đạo, quỹ còn được sử dụng cho công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các hoạt động liên quan nhằm góp phần bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an toàn xã hội.
VGP