MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên cấm lưu thông xe máy tại Hà Nội, TP HCM vào năm 2030?

Có nên cấm lưu thông xe máy tại Hà Nội, TP HCM vào năm 2030?

Ông Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, khuyến nghị Chính phủ cần cân nhắc những biện pháp hiệu quả hơn, toàn diện hơn trong cấm xe máy ở các thành phố lớn từ năm 2030, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm, tai nạn giao thông, tập trung vào chất lượng phương tiện lưu thông.

Vào năm 2017, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Nghị quyết 45 nhằm quản lý số lượng, chất lượng, và phạm vi hoạt động của Phương tiện Tham gia Giao thông (PTTGGT). Theo đó, lộ trình cấm lưu thông xe máy trong các quận nội thành Hà Nội nhằm tăng cường quản lý PTTGGT và giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường được thiết lập cho đến năm 2030.

Cũng trong năm 2017, chính quyền TPHCM đã thảo luận đề xuất hạn chế và cấm xe máy nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Theo đó, Quyết định 4341 được ban hành nhằm tạo ra kế hoạch thực hiện cho chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2018 – 2020.

Sau đó, vào năm 2019, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đề xuất giải pháp cấm xe máy ra vào các khu trung tâm của Thành phố với 3 giai đoạn: 2020, 2021-2025 và 2026-2030. Mục tiêu để đến năm 2030, giao thông công cộng sẽ phát triển tốt kết hợp với việc tăng cường kiểm soát phương tiện cơ giới.

Theo dữ liệu nghiên cứu của ABeam Consulting (ABeam Việt Nam), công ty tư vấn chiến lược hàng đầu Nhật Bản, xe máy hiện vẫn được coi là phương tiện giao thông chính ở Việt Nam. Cụ thể, vào năm 2020, với tổng dân số 98 triệu người, đã có hơn 65 triệu xe máy được đăng ký, có nghĩa là cứ 3 người thì có 2 người sở hữu một chiếc xe máy.

Có nên cấm lưu thông xe máy tại Hà Nội, TP HCM vào năm 2030? - Ảnh 1.

Nguồn: ABeam Consulting

Mới đây, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam - EU hậu Covid-19 và công bố Sách Trắng EuroCham 2021".

Liên quan đến ngành ô tô, xe máy, theo Sách Trắng Eurocham, việc chỉ cấm xe máy không phải là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông tại các thành phố lớn. Nguyên nhân của các vấn đề này nằm ở việc quản lý thiếu hiệu quả phương tiện tham gia giao thông, kỹ năng lái xe kém và ý thức chưa cao về an toàn giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, quy định cấm được đề xuất cũng có thể gây thách thức lớn cho ngành sản xuất xe máy. Bởi vì, trong một thập kỷ qua, lĩnh vực này đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước bên cạnh giá trị nộp thuế lớn và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Ông Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, khuyến nghị Chính phủ cần cân nhắc những biện pháp hiệu quả hơn, toàn diện hơn trong cấm xe máy ở các thành phố lớn từ năm 2030, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm, tai nạn giao thông, tập trung vào chất lượng phương tiện lưu thông.

Liên quan đến quan ngại về ô nhiễm, đại diện Eurocham nhấn mạnh, hiệp hội các nhà sản xuất xe máy đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để sửa đổi và đưa ra Luật Giao thông mới, với các quy định cụ thể về quản lý khí thải. Việc ban hành các giới hạn và tiêu chuẩn về khí thải cho phương tiện giao thông là giải pháp trực tiếp cho vấn đề nâng cao chất lượng xe máy có tác động môi trường tích cực.

Đồng thời, với các ngành xe điện vốn có vai trò trong giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại các thành phố, ông đề nghị cần đẩy nhanh mức độ chấp nhận xe điện với khách hàng và giảm 50% phí trước bạ với tất cả xe điện được nhập khẩu nguyên chiếc, sản xuất trong nước từ 3-5 năm.

Theo các chuyên gia của Eurocham, để giải quyết đúng vấn đề ô nhiễm, cần tập trung vào chất lượng của các phương tiện lưu thông hơn việc cấm tất cả các phương tiện vào các trung tâm thành phố. Điều này cần được thực hiện bằng cách quản lý hoặc cấm các loại xe máy quá hạn sử dụng và khuyến khích việc sử dụng các phương tiện có khí thải thấp.

Tuy nhiên, ông Jacques Bouflet lưu ý, các địa phương không nên áp đặt hoặc bắt buộc thu hồi xe máy cũ bỏ đi cho tới khi ban hành về định nghĩa thế nào là xe máy bỏ đi; đồng thời, có được chính sách khuyến khích đối với người dùng sử dụng xe máy cũ, vì đây cũng là tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, ùn tắc và ô nhiễm có thể được giảm thiểu bằng cách áp dụng các phương pháp hay nhất từ các quốc gia khác, nơi sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông và giao thông công cộng tiên tiến kết hợp với xe máy.

Hơn nữa, Chính phủ cũng cần đánh giá tác động xã hội đối với những người có phương tiện đi lại chính là xe máy nhưng hiện phải chuyển sang phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, cần nâng cao nhận thức về điều tiết và an toàn giao thông. Điều này sẽ làm giảm tắc nghẽn và qua đó, giảm mức độ ô nhiễm.

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên