Cổ phiếu các hãng xe Trung Quốc “đỏ lửa” vì kế hoạch mở cửa thị trường ôtô
Trung Quốc tuyên bố từ nay đến 2022 sẽ dần xóa bỏ hạn chế đối với quyền sở hữu nước ngoài trong các hãng xe...
- 17-04-2018Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh
- 17-04-2018Trung Quốc mua trái phiếu kho bạc Mỹ mạnh nhất 6 tháng
- 16-04-2018Ngân hàng không nhân viên đầu tiên tại Trung Quốc
Cổ phiếu các hãng xe Trung Quốc, đặc biệt là các hãng liên doanh với nước ngoài để sản xuất xe tại nước này, đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến tới "mở toang cửa" cho các hãng xe ngoại.
Theo tin từ CNBC, cổ phiếu của BAIC Motor niêm yết tại thị trường Hồng Kông là một trong những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất, có thời điểm "bốc hơi" gần 16% trong phiên giao dịch buổi sáng. BAIC hiện có liên doanh tại Trung Quốc với hãng Daimler của Đức và Hyundai của Hàn Quốc.
Cổ phiếu của Guangzhou Automobile Group - hãng có liên doanh với ba hãng xe Nhật Bản là Toyota, Honda và Mitsubishi - có lúc giảm 8,2% tại thị trường Hồng Kông và 4,7% tại thị trường Thượng Hải.
Cổ phiếu một loạt hãng khác như Dongfeng Auto, Brilliance Auto, SAIC… đều giảm từ 2-9%.
Vào ngày thứ Ba, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố từ nay đến năm 2022 sẽ dần xóa bỏ hạn chế đối với quyền sở hữu nước ngoài trong các hãng xe ở nước này.
Hiện nay, các nhà sản xuất ôtô nước ngoài chỉ được nắm tối đa 50% trong bất kỳ liên doanh nào ở Trung Quốc. Hạn chế này đã dẫn tới sự phản đối của nhiều hãng xe nước ngoài như nhà sản xuất xe điện Tesla của Mỹ.
Theo một số nhà phân tích, nếu trần sở hữu trên bị loại bỏ, các hãng xe nước ngoài có thể sẽ tìm cách nắm cổ phần lớn hơn hoặc thậm chí là toàn quyền kiểm soát các liên doanh tại Trung Quốc - động thái có thể khiến các đối tác Trung Quốc thiệt hại.
Mặc dù vậy, hãng tin Bloomberg nói rằng các hãng xe nước ngoài có thể sẽ không vội loại bỏ đối tác Trung Quốc. Các thỏa thuận liên doanh giữa hai bên thường kéo dài hàng thập kỷ và có các điều khoản rõ ràng, chưa kể việc giành quyền soát có thể sẽ là một công việc tốn kém.
Các hãng Đức và Mỹ đều đã nhanh chóng trấn an rằng họ sẽ không từ bỏ đối tác Trung Quốc. Volkswagen, hãng nắm cổ phần trong liên doanh SAIC Group, nói liên doanh hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng. Hãng GM nói sự tăng trưởng mà hãng có được tại thị trường Trung Quốc là một phần nhờ vào các đối tác tại nước này, nên liên doanh sẽ được duy trì.
Nguyên tắc "50:50" đã trở thành "hòn đá tảng" trong ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc từ năm 1994. Tỷ lệ sở hữu này hằm giúp các hãng xe trong nước có thời gian để tích lũy công nghệ và xây dựng thowng hiệu trước khi Bắc Kinh trao cho các hãng xe ngoại quyền tiếp cận không hạn chế với một thị trường giờ đây đã trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới.
Việc loại bỏ trần sở hữu nước ngoài trong ngành ôtô là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc giờ đây đã tự tin hơn về các hãng xe trong nước. Thị phần của các thương hiệu xe nội tại thị trường Trung Quốc đã tăng dần lên mức 43,9% vào năm 2017, so với mức 41% cách đây 1 thập kỷ, theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc.
Tuy vậy, hơn một nửa trong con số kỷ lục 24,8 triệu ôtô 4 chỗ, xe đa dụng có tính năng thể thao (SUV) và xe minivan bán được ở Trung Quốc trong năm 2017 vẫn là xe thương hiệu nước ngoài, đồng nghĩa với việc các hãng xe ngoại vẫn đang nắm quyền kiểm soát thị trường xe tại nước này.
VnEconomy