MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu của ngân hàng "có câu chuyện riêng" sẽ lên ngôi trong năm 2022

27-01-2022 - 10:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu của ngân hàng "có câu chuyện riêng" sẽ lên ngôi trong năm 2022

Những ngày đầu năm 2022, cổ phiếu ngân hàng đang phát đi tín hiệu tích cực với sức bật mạnh mẽ, là động lực chính giữ cho chỉ số không bị rơi quá sâu. Nhiều chuyên gia nhận định, với triển vọng nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng, cổ phiếu ngân hàng sẽ "trở lại ngôi vương" trong năm nay.

Cổ phiếu của ngân hàng có câu chuyện riêng sẽ lên ngôi trong năm 2022 - Ảnh 1.

Chia sẻ tại Talkshow với chủ đề "Cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại ngôi vương trong năm 2022" do CafeF phối hợp với chuyên trang Nhịp sống kinh tế (Báo Tổ quốc) tổ chức mới đây, bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối Phân tích Công ty chứng khoán VNDirect nhận xét, diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng năm qua có thể chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn nửa đầu năm, ngân hàng là ngành tăng trưởng rất mạnh, góp phần đưa VNIndex chinh phục đỉnh cao 1.200-1.400 điểm. Điều này cũng phản ánh đúng thực tế kết quả kinh doanh ngành ngân hàng với lợi nhuận ròng của 17 nhà băng niêm yết tăng hơn 55% - so với mức tăng 12% cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu đầu ngành và ngân hàng cũng phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về sự phục hồi của nền kinh tế.

Cổ phiếu của ngân hàng có câu chuyện riêng sẽ lên ngôi trong năm 2022 - Ảnh 2.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng nổ tháng 6 tháng 7, Việt Nam bước vào giai đoạn giãn cách kéo dài, ngân hàng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn khi sự thắt chặt khiến tín dụng bị tác động, giảm rõ rệt trong tháng 7-9, kèm theo đó là lo ngại nợ xấu nhích dần lên khi doanh nghiệp và người lao động bị tác động mạnh. Hầu hết những yếu tố này phản ánh tới giá cổ phiếu ngân hàng nửa cuối năm. Quý 3, lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết cũng có xu hướng chậm lại, chỉ tăng khoảng 18%. Điều này đã phản ánh vào giá cổ phiếu, nửa sau năm 2021 có xu hướng điều chỉnh, có nhiều mã điều chỉnh giảm tới 15-20%.

Cũng do tác động của dịch bệnh, chất lượng tài sản, nợ xấu có sự nhích lên đáng kể. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống vào khoảng 1,9%, cao hơn so với mức 1,7% năm 2020, chưa kể nợ tiềm ẩn, nợ cơ cấu lại. Tuy nhiên, theo bà Khánh Hiền, ở thời điểm này, các ngân hàng Việt Nam đã khỏe hơn nhiều so với các lần khủng hoảng trước khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhiều ngân hàng rất cao, nhiều ngân hàng đạt trên 200%, và khá nhiều ngân hàng trích lập 50-60% lợi nhuận trước dự phòng để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu có thể cao hơn nữa trong năm 2022.

Cổ phiếu của ngân hàng có câu chuyện riêng sẽ lên ngôi trong năm 2022 - Ảnh 3.

Mặc dù những tháng cuối năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam, đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến giới đầu tư lo ngại nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tăng cao còn lợi nhuận thì bị ảnh hưởng bởi ngân hàng phải thực hiện các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn vì đại dịch.

Song, kể từ đầu tháng 10/2021, với những nỗ lực của Chính phủ, bao gồm chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, kinh tế dần hồi phục. Và Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục kinh tế và đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng gói kích cầu quy mô lớn và vừa được Quốc hội thông qua, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành vào ngày 17/01. Theo ông Nguyễn Danh Lương - thành viên HĐQT độc lập ABBank, gói kích cầu quy mô lớn sẽ trực tiếp hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Điều đó tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% năm nay là khả thi.

Cổ phiếu của ngân hàng có câu chuyện riêng sẽ lên ngôi trong năm 2022 - Ảnh 4.

"Theo những nghiên cứu gần đây thì khi hiệu quả của dòng vốn ngân hàng được cải thiện thì tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể gấp trên 2 lần tăng trưởng GDP. Các ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng lớn hơn, khách hàng của hệ thống ngân hàng khi phục hồi được sản xuất kinh doanh cũng sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ và khả năng trả nợ của họ được cải thiện. Những điều đó sẽ giúp hệ thống ngân hàng tăng trưởng quy mô, phát triển thêm các sản phẩm, đảm bảo được chất lượng danh mục tài sản, cải thiện khả năng thu hồi/xử lý nợ xấu. Đó là cơ sở để dự báo về kết quả hoạt động khả quan của ngành ngân hàng trong thời gian tới" – ông Lương nói.

Cổ phiếu của ngân hàng có câu chuyện riêng sẽ lên ngôi trong năm 2022 - Ảnh 5.

Nói về cổ phiếu, theo ông Nguyễn Danh Lương, thị trường sớm muộn gì cũng nhận ra ưu điểm của cổ phiếu ngành ngân hàng xét trên các mặt như tính ổn định, tính minh bạch do hoạt động ngân hàng tuân theo các chuẩn mực quốc tế và được kiểm soát chặt chẽ.

Trên thực tế, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế và khi nền kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng thì ngành ngân hàng có nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, "trong nguy có cơ", khi dịch bệnh xảy ra cũng đã buộc hệ thống ngân hàng tiến nhanh hơn trong quá trình số hóa các sản phẩm dịch vụ. Vì thế thu nhập từ phí dịch vụ và từ các sản phẩm số đã là trở thành một điểm sáng trong hoạt động của các ngân hàng năm qua. Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc các ngân hàng tập trung nâng cao năng lực tài chính, tuân thủ các lộ trình/giải pháp của đề án "cơ cấu lại gắn liền với xử lý nợ xấu", thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực quản trị, đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cũng đã tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư về sự phát triển bền vững của các ngân hàng trong trung, dài hạn và sự hấp dẫn của cổ phiếu ngành ngân hàng.

Cổ phiếu của ngân hàng có câu chuyện riêng sẽ lên ngôi trong năm 2022 - Ảnh 6.

Còn theo bà Trần Thị Khánh Hiền, những diễn biến của cổ phiếu ngân hàng năm 2021 đã phản ánh kỳ vọng và lo ngại của nhà đầu tư với nhóm ngân hàng. Vừa qua, khi dòng tiền tập trung quá nhiều vào bất động sản, cổ phiếu vừa và nhỏ khiến định giá nhóm này lên rất cao, thì điều này lại đưa định giá ngân hàng trở nên hợp lý, thấp hơn khoảng 15% so với mức đỉnh của năm 2021. Hiện P/B khoảng 2 lần, tỷ lệ sinh lời (ROE) của các ngân hàng niêm yết là khoảng 18-20%. Nếu so với các ngân hàng khu vực thì ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, do đó dư địa ngân hàng Việt Nam được định giá lại, có dư địa tăng trưởng còn khá lớn.

Cũng theo bà Hiền, một trong những yếu tố kỳ vọng sự định giá lại là từ dòng vốn nước ngoài. Năm 2021, khối ngoại bán ròng khá mạnh khi họ lo ngại tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam còn thấp, FED tăng lãi suất thì dòng tiền chảy khỏi thị trường mới nổi như Việt Nam. Nhưng hiện tỷ lệ bao phủ vaccine cao, Việt Nam đang nằm trong top đầu về tiêm vaccine, và đánh giá tác động từ FED không lớn thì kỳ vọng dòng vốn nước ngoài quay lại và nhóm hưởng lợi đầu tiên là ngân hàng.

Cổ phiếu của ngân hàng có câu chuyện riêng sẽ lên ngôi trong năm 2022 - Ảnh 7.

Dưới góc nhìn của nhà phân tích, theo bà Trần Thị Khánh Hiền- Giám đốc Khối Phân tích Công ty chứng khoán VNDirect, để nhận định về triển vọng cổ phiếu thì cần có 2 góc nhìn đó là về thị trường chung và về kinh doanh riêng.

Ở góc độ thị trường, thị trường chứng khoán vẫn có sự tham gia nhiệt tình của nhà đầu tư trong nước khi tài khoản mở mới tăng cao, giúp duy trì thanh khoản trên thị trường năm 2022. "Chúng ta bắt đầu ghi nhận những phiên có tới 40-50 nghìn tỷ. Với lượng thanh khoản như vậy, khi nhà đầu tư nhận ra việc đầu tư theo cổ phiếu được hô hào trên các hội nhóm, các doanh nghiệp ít thông tin sẽ rất rủi ro, họ sẽ quay lại các cổ phiếu cơ bản, có công bố thông tin minh bạch thì ngành ngân hàng sẽ được chú ý".

Còn nhìn dưới góc độ kinh doanh, bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ thấp hơn 2021 khi phải cân bằng kiểm soát rủi ro, VNDirect dự báo lợi nhuận chỉ tăng 19%, thấp hơn năm 2021.

Bà Hiền cho rằng năm 2022 sẽ khó có sóng ngành (ngân hàng) nhưng sẽ có sự phân hóa. Cơ hội không đồng đều, có ngân hàng sẽ tăng trưởng vượt bậc nhưng có ngân hàng sẽ không. Việc tăng vốn, nới room ngoại, chuyển sàn có thể dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng năm nay. Ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng sẽ vượt trội, hoặc ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như bancassurance cũng sẽ có lợi thế. Ngoài ra, ngân hàng nào có cho vay cá nhân nhiều thì có biên lãi suất cao hơn, ngân hàng nào có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có cơ hội nhiều hơn trong năm 2022.

Cổ phiếu của ngân hàng có câu chuyện riêng sẽ lên ngôi trong năm 2022 - Ảnh 8.

Đi sâu vào phân tích trường hợp cụ thể của ABB, theo ông Nguyễn Danh Lương, giá cổ phiếu đôi khi tùy thuộc vào nguồn vốn, dòng tiền và tâm lý trên thị trường. Do đó có thể tại những thời điểm nhất định, giá thị trường không phản ánh chính xác giá trị thực của cổ phiếu. cổ phiếu ABB tuy đang có sự điều chỉnh về vùng hỗ trợ ở mức giá 20,5 – 21 nghìn đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn cho thấy xu hướng đi lên trong trung và dài hạn.

"Với những kết quả hoạt động tích cực của ABBank trong năm 2021 cho thấy ngân hàng đang nỗ lực để thực hiện các kế hoạch đại hội đồng cổ đông thông qua. Việc thực hiện thành công đợt tăng vốn gần đây của ABBank cho thấy các nhà đầu tư đang tin tưởng vào sự phát triển ổn định của ngân hàng trong dài hạn. Với nguồn vốn được bổ sung, ABBank có thêm điều kiện để thực hiện các mục tiêu, các dự án chiến lược trong thời gian tới, phát triển hiệu quả và an toàn, mang lại lợi ích lớn hơn cho cổ đông và các nhà đầu tư. Đó là tiềm năng cho việc tăng giá của cổ phiếu ABB" – ông Lương nói.

Trong năm 2022, ABB cũng là 1 trong những cổ phiếu "có câu chuyện riêng". Cụ thể, ngân hàng này đang thực hiện các thủ tục để trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% cho cổ đông, qua đó hoàn tất kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2 của 2021 -2022. Tiếp đến, ngân hàng sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để chuyển sàn niêm yết cho ABB.

Cổ phiếu của ngân hàng có câu chuyện riêng sẽ lên ngôi trong năm 2022 - Ảnh 9.

Về kinh doanh, trong những năm trở lại đây, đà tăng trưởng của ABBank luôn giữ được nhịp độ ổn định vững chắc năm sau cao hơn năm trước. Đến cuối năm 2021 ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch đề ra, cụ thể là lợi nhuận trước thuế đạt 1.979 tỷ đồng, tăng trưởng 145%, tổng tài sản đạt 121.620 tỷ đồng, chỉ số ROE sau thuế tăng 125% so với năm 2020, xử lý nợ xấu vượt kế hoạch. Trong năm 2022 ABBank đang có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 156%, ROE 117%, ROA 128% so với 2021. "Để làm được những con số đó, chúng tôi đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ vận hành cho đến bán hàng, từ quản trị rủi ro đến phát triển nhân lực và đặc biệt quan trọng là triển khai dự án chiến lược về công nghệ theo tư vấn của Mc Kinsey. ABBank tự tin khẳng định là chúng tôi đã có nền tảng vững chắc cho phát triển hiệu quả và an toàn" – ông Nguyễn Danh Lương chia sẻ tại Talkshow.

Hằng Kim - Ánh Dương
Hoài Linh
https://cafef.vn/co-phieu-cua-ngan-hang-co-cau-chuyen-rieng-se-len-ngoi-trong-nam-2022-20220127103122766.chn

Ánh Dương - H. Kim

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên