MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu dầu khí Việt Nam GAS, PVD, PVS... “nín thở” chờ cuộc họp ngày 30/11

Khi quá trình tái cân bằng của thị trường dầu mỏ thế giới vẫn tiếp tục diễn ra thì nhiều khả năng giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng.

Sau chuỗi ngày thăng hoa, cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái giảm giá trong 2 phiên vừa qua.

PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí có thể nói là cổ phiếu dầu khí midcap nổi bật nhất trong vòng 1 tháng qua khi tăng từ 14.300 đồng lên 19.150 đồng vào ngày 24/11, tương ứng mức tăng 34%. Cổ phiếu này đã giảm 2 phiên gần 3% và đang tiếp tục giảm trong phiên hôm nay, 29/11.

PVS – cổ phiếu của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cũng tăng từ 15.200 đồng lên 18.500 đồng vào ngày 27/11, tương ứng mức tăng 21,7%. PVS cũng giảm 2,2% trong phiên 28/11 và tạm đứng giá tham chiếu trong phiên hôm nay.

Và không thể không nhắc đến Tổng Công ty khí Việt Nam PV GAS (GAS) – bluechips của thị trường chứng khoán. GAS đã tăng bền bỉ 8 tháng nay và trong 1 tháng qua, cùng với sự tăng giá tích cực của giá dầu thế giới và làn sóng cổ phiếu trụ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, GAS tăng tốc từ 70.000 đồng lên đến 82.700 đồng, tức tăng 18%. GAS rất nỗ lực giữ giá trên 80.000 đồng trong những phiên qua nhưng trong hôm nay cũng đã giảm về 79.400 đồng.

Vốn có sự nhạy cảm rất lớn với tình hình giá dầu thế giới, sự tăng tốc của các cổ phiếu “hot” ngành dầu khí Việt Nam trong thời gian này cũng không nằm ngoài mối liên kết đó. Đối với PVD – cổ phiếu tăng giá mạnh nhất ngành, có thêm yếu tố hỗ trợ là “thoát lỗ” nhờ hoàn nhập Quỹ phát triển Khoa học công nghệ năm 2012. Tuy nhiên, giá dầu tăng vẫn là yếu tố quan trọng nhất tác động đến các cổ phiếu dầu khí khi mở ra những kỳ vọng về tương lai sáng sủa hơn cho các doanh nghiệp.

Vì thế, việc giá dầu giảm ngày 27/11 sau khi lập đỉnh nhiều năm cũng khiến nhóm này rơi vào trạng thái đỏ giá. Và trong tuần lễ quan trọng này, cổ phiếu dầu khí có lẽ sẽ nằm trong trạng thái “nín thở” chờ cuộc họp giữa OPEC và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC sẽ diễn ra tại Vienna vào ngày 30/11.

Kết quả được mong đợi và khả dĩ nhất là thỏa thuận cắt giảm nguồn cung có khả năng sẽ được gia hạn đến cuối năm 2018. Trong báo cáo mới đây của CTCK HSC, các chuyên gia nhận xét, Saudi Arabia muốn giá dầu tăng để hỗ trợ cho sự kiện IPO Aramco trong năm sau. Trong khi đó các nước tham gia họp khác cũng muốn nhìn thấy giá dầu tăng như vài tháng gần đây. Và việc giá dầu lập đỉnh nhiều năm như đã nói ở trên đã gần như phản ánh hết thông tin.

Việc giá dầu giảm trong 2 phiên liên tiếp được giới chuyên gia đánh giá là biểu hiện tâm lý của nhà đầu tư khi lo lắng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ không đạt được đồng thuận về thỏa thuận cắt giảm sản lượng, mặt khác, là động thái chốt lời khi giá dầu đã có quá trình tăng giá mạnh.

Tuy nhiên, Adrienne Murphy, Giám đốc phân tích thị trường tại AvaTrade, nhận định: “Với việc dự trữ toàn cầu sụt giảm và giá dầu phục hồi, nhà đầu tư đang gửi một thông điệp rõ ràng đến OPEC rằng: Việc cắt giảm sản lượng đang hoạt động hiệu quả”.

CTCK HSC cũng cho rằng, khi quá trình tái cân bằng của thị trường dầu mỏ thế giới vẫn tiếp tục diễn ra thì nhiều khả năng giá sẽ còn tiếp tục tăng.

Trong khi đó Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm chủ nhật đã bổ nhiệm Tướng Manuel Quevedo giữ chức Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA. Tướng Manuel Quevedo không có kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu mỏ nên việc bổ nhiệm có vẻ là để chống tham những. Và nhiều khả năng sản lượng dầu của Venezuela sẽ giảm tiếp từ mức đáy của 30 năm do thiếu tiền và năng lực chuyên môn. Sản lượng đã giảm xuống dưới 1,9 triệu thùng/ngày trong những tuần gần đây. Việc thiếu tiền đã gây khó khăn cho việc bảo trì thiết bị và cả vốn lưu động. Do vậy rõ ràng sản lượng sẽ tiếp tục giảm dần trong thời gian tới.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên