Cổ phiếu doanh nghiệp cung ứng hệ thống cho các dự án của Heineken, Biwase bỗng chốc "bốc hơi" 40% chỉ sau 5 phiên
Từ sau khi lên sàn cuối năm 2018, DDG gần như chỉ tăng mà không có nhịp điều chỉnh nào thực sự đáng kể. Vì thế, cú trượt chân lần này có thể phần nào gây sốc cho giới đầu tư cũng như cổ đông.
- 15-04-2023LDG giảm mạnh sau kết luận thanh tra, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu
- 14-04-2023Vợ và em trai Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest bị đình chỉ giao dịch 4 tháng do bán “chui” cổ phiếu HPX
Tuần vừa qua là khoảng thời gian đáng quên đối với cổ đông của CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex – mã DDG). Cổ phiếu DDG bất ngờ “trắng sàn” cả 5 phiên, thậm chí có phiên gần như “tắt” thanh khoản. Chỉ sau đúng 1 tuần, cổ phiếu này đã “bốc hơi” hơn 40% thị giá, tương ứng vốn hoá bị thổi bay hơn 1.000 tỷ, xuống còn 1.500 tỷ đồng.
Tuần giao dịch tệ hại nhất kể từ khi niêm yết đã thổi bay thành quả tăng giá của DDG trong 18 tháng và đẩy cổ phiếu này rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2021. Từ sau khi lên sàn cuối năm 2018, DDG gần như chỉ tăng mà không có nhịp điều chỉnh nào thực sự đáng kể. Vì thế, cú trượt chân lần này có thể phần nào gây sốc cho giới đầu tư cũng như cổ đông.
DDG tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Thành được thành lập ngày 25/6/2010 vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Sau 2 lần tăng vốn vào tháng 9/2015 và tháng 9/2016 nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ của công ty được nâng lên mức 120 tỷ đồng.
Đến tháng 1/2017, DDG trở thành công ty đại chúng và sau đó chính thức niêm yết 12 triệu cổ phiếu trên sàn HNX vào ngày 18/12/2018. Sau khi niêm yết, công ty đã liên tục có động thái tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 21% vào tháng 5/2020; phát hành riêng lẻ 14 triệu cổ phiếu vào tháng 7/2020; chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 vào tháng 10/2021; và ESOP 2,8 triệu cổ phiếu vào tháng 10/2022.
Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của DDG đã xấp xỉ 600 tỷ đồng, gấp 5 lần thời điểm mới chào sàn. Cơ cấu cổ đông khá loãng với 96,5% cổ phần nằm trong tay các cá nhân nhưng chỉ có 2 cổ đông lớn là ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT nắm 6,48% và bà Trần Kim Sa - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc nắm 6,39%.
Lợi nhuận liên tục tăng nhưng cổ đông không có cổ tức bằng tiền
Liên tục tăng vốn nhưng sau hơn 5 năm lên sàn, DDG lại chưa một lần chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông dù kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng. Năm 2022, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu đạt 975 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 44,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 7% so với cùng kỳ.
Năm 2023, DDG lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 11% và 27% so với thực hiện năm ngoái. Nếu hoàn thành mục tiêu đề ra, DDG sẽ tiếp tục phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận. Dù vậy, DDG đánh giá năm nay vẫn còn nhiều thách thức với nền kinh tế nói chung và ngành năng lượng nói riêng.
Công ty vẫn đang mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo nguồn vốn cho các dự án. Một số dự án trọng điểm DDG đã và đang triển khai có thể kể đến như: dự án đốt rác phát điện Biwase – Bình Dương, giai đoạn 2 dự án cấp hơi nhiệt và xử lý bã hèm Heneiken Vũng Tàu, dự án thu hồi và sản xuất khí CO2 hóa lỏng, dự án xử lý rác công nghiệp Long An.
DDG đánh giá lĩnh vực chính là cung ứng hơi nhiệt với đặc thù sử dụng công nghệ cao, có thể chịu tác động bởi sự hỏng hóc máy móc. Ngoài ra, rủi ro của lĩnh vực này còn đến từ việc thiếu nguồn đầu vào khiến công ty không đảm bảo được nguyên liệu cung cấp cho các hệ thống nhiệt - điện. Tuy nhiên, công ty cũng tự tin công nghệ cung cấp hơi, nhiệt, điện chính là một bí quyết và lợi thế cạnh tranh trên sàn chứng khoán.
Nhịp Sống Thị Trường