Cổ phiếu dược kỳ vọng nới room
Theo MBKE, về dài hạn, triển vọng chung của ngành dược vẫn được đánh giá khá lạc quan với tỷ lệ tăng trưởng tổng chi tiêu thuốc cả nước kỳ vọng ở mức 2 con số.
- 05-05-2016Dược phẩm Imexpharm chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%
- 05-05-2016Dược Hậu Giang chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 35%, SCIC nhận được khoảng 132 tỷ
- 25-04-2016Dược Hậu Giang: Mất mảng bán sỉ, thay đổi cách chiết khấu là mất đi 432 tỷ doanh thu
- 21-04-2016Dược Cửu Long: Tăng trưởng lợi nhuận quý I/2016 đạt 68,82%
Theo thống kê, giá CP 4 doanh nghiệp dược nội địa niêm yết có vốn hóa lớn nhất là CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Traphaco (TRA), CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) và CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), đã tăng bình quân gần 45% từ đầu năm đến nay.
Đây là mức tăng ấn tượng so với thị trường chung. Trong đó, dẫn đầu là DMC và DHG với mức tăng hơn 80% và 38%.
Theo nhận định của CTCK Maybank KimEng (MBKE), tâm lý kỳ vọng của thị trường vào khả năng bỏ trần quy định 49% đối với tỷ lệ sở hữu của nước ngoài, cùng với việc thoái vốn của SCIC, là chất xúc tác quan trọng cho biến động giá của các CP này trong thời gian qua.
Nếu VNM trước đây cũng được xem là khoản đầu tư dài hạn của SCIC và gần đây trở thành tâm điểm của thị trường về câu chuyện “nới room khối ngoại và SCIC thoái vốn”, thì DHG, DMC cũng có thể được kỳ vọng tương tự, do đây cũng là các cổ phiếu ưa thích của NĐTNN.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, dược phẩm hiện đang là một trong những mặt hàng NĐTNN không được thực hiện quyền phân phối tại Việt Nam. Do vậy, tại ĐHCĐ vừa qua, DMC đã trình cổ đông thông qua tờ trình việc điều chỉnh loại bỏ các ngành nghề kinh doanh chi tiết có liên quan đến phân phối dược phẩm, tiến tới trình UBCKNN thông qua quyết định không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp. Nếu loại bỏ mảng phân phối, khả năng các công ty dược niêm yết có thể bỏ được trần sở hữu nước ngoài.
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các công ty dược nội địa lớn như DHG hay DMC là việc phân phối được xem là khâu quan trọng trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, nên việc loại bỏ khâu này ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Theo MBKE, về dài hạn, triển vọng chung của ngành dược vẫn được đánh giá khá lạc quan với tỷ lệ tăng trưởng tổng chi tiêu thuốc cả nước kỳ vọng ở mức 2 con số. Định giá CP ngành dược Việt Nam đang tương đối hấp dẫn với P/E kỳ vọng và P/B bình quân chỉ khoảng 11,3x và 1,9x, so với mức 24x và 5x trung bình của các thị trường dược phẩm mới nổi tại châu Á.
Sài Gòn đầu tư