MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hoà Bình liên tục sụt giảm, vì đâu nên nỗi?

Những lo ngại của NĐT về chất lượng tăng trưởng đã tác động đến cổ phiếu HBC trong thời gian qua. Dù vậy, lãnh đạo HBC vẫn cho rằng, đó chủ yếu là cái cớ của nhóm đầu cơ trong khi Hoà Bình đang vào thời kỳ tăng trưởng mạnh.

Sau cú bứt phá mạnh mẽ từ năm 2017, cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HOSE: HBC) liên tục sụt giảm mạnh. Không nói đến sự ảnh huởng của thị trường chung, HBC đang khiến nhà đầu tư hoảng hốt với những phiên giảm sàn khiến những nhà đầu tư đứng ngồi không yên.

Trước tình trạng đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC đã từng phải đăng đàn để trấn an cổ đông và nhà đầu tư. Chủ tịch HĐQT HBC cho rằng những tin đồn thất thiệt dồn dập liên quan đến Hòa Bình là do những nhà đầu cơ cố tình đưa ra, tạo hiệu ứng lan toả nhằm phá giá cổ phiếu HBC.  "Đầu tiên là tin đồn HBC bị Khải Silk 'xù' nợ 2.500 tỷ đồng. Ngay sau tin đồn này, HBC đính chính, cổ phiếu đã tăng lên. Sau đó lại có tin đồn HBC quan hệ sâu sắc với Vũ 'nhôm'. Trong khi HBC không có hợp đồng nào với doanh nghiệp của Vũ 'nhôm' cả, Ông Hải cho giới báo chí trong một cuộc họp ngành xây dựng hồi đầu năm.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Duy, Phó Tổng giám đốc HBC cho biết, hoạt động kinh doanh của Hòa Bình trong những năm gần đây tăng trưởng rất mạnh. Trong 2 năm gần đây, doanh thu tăng hơn gấp 3 lần, lợi nhuận năm 2017 đạt gần gấp đôi năm 2016. Dự kiến năm 2018 lợi nhuận sẽ đạt lơi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng. 

Thế nhưng, mặc dù đã có những phát biểu trấn an cổ đông. Cổ phiếu HBC vẫn cứ liên tục giảm kể từ đầu năm 2018. Với mức giá 48.000 đồng/cp, HBC đã mất thêm 10.000 đồng/cp xuống còn 38.000 đồng cuối phiên ngày 26/4/2018.

Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hoà Bình liên tục sụt giảm, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu HBC 1 năm qua

Nhiều ý kiến cho rằng, đợt sụt giảm cổ phiếu HBC như tất yếu bởi nhìn lại quá trình tăng giá của HBC từ tháng 5/2016. Cổ phiếu này đã tăng một mạch lên gấp 5 lần tại đỉnh điểm tháng 10/2017 trước các thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh. Cho nên, việc cổ phiếu này điều chỉnh mạnh sau đó không phải là hiện tượng quá bất thường.

Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề vẫn luôn khiến nhà đầu tư quan ngại đó là chất lượng tăng trưởng.

Mối lo quá lớn về chất lượng tăng trưởng?

Với việc doanh số và lợi nhuận ghi nhận trong 2 năm 2016 và 2017 tăng trưởng mạnh, HBC đã tạo được tâm lý hưng phấn rất lớn đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng,  lợi nhuận tăng kèm theo việc các khoản phải thu theo tiến độ xây dựng tăng lên và các khoản nợ ngắn hạn tăng theo.

Dễ hình dung nhất là HBC đẩy mạnh vay nợ ngân hàng để xây dựng các dự án cho chủ đầu tư và chủ đầu tư còn nợ tiền HBC chưa thanh toán. Theo đó, dù đang ghi nhận lợi nhuận, nhưng trên thực tế thì chưa thu tiền. Theo đó, rủi ro hiện hữu của HBC đối với các khoản phải thu là rất lớn. Kéo theo tâm lý tiêu cực xuất hiện, thị trường đổ xô bán tháo đẩy cổ phiếu HBC giảm theo, tâm lý cực đoan đối với HBC càng tăng dần.

Đến cuối năm 2017, khoản thu này vẫn chưa được cắt giảm. Năm 2017, khoản "Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng" của HBC đã tăng từ 2.904 tỷ đồng lên 4.673 tỷ đồng (tăng 1.769 tỷ đồng), tương đương tăng 61%. Bên cạnh đó, khoản "Phải thu ngắn hạn của khách hàng" cũng có sự gia tăng đáng kể, từ 2.250 tỷ đồng lên 3.225 tỷ đồng (tăng 974 tỷ đồng), tương đương tăng 43%. Tổng cộng lại, các khoản phải thu ngắn hạn của HBC là 9.190 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu kỳ và chiếm tới 65,6% tổng tài sản. Đó là lý do mà dòng tiền kinh doanh của HBC liên tục âm và khiến giới đầu tư tỏ ra quan ngại.

Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hoà Bình liên tục sụt giảm, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Nói về điều này, ông Hải cho rằng, khách hàng của HBC hiện nay đa phần là các Tập đoàn lớn có năng lực mạnh. Hiện danh sách chủ đầu tư đang sẵn sàng ký hợp đồng của HBC rất lớn nhiều. Khi công ty đang đi vào giai đoạn tăng trưởng mạnh, doanh số tăng nhanh, khoản phải thu tăng cũng là tất yếu."

Còn theo ông Lê Quốc Duy – Phó tổng phụ trách đầu tư HBC cho biết khoản thu từ một chủ đầu tư lớn nhất cũng chỉ từ 400 tỷ đồng. "Dù vậy, chúng tôi cũng đang rất lưu ý về các khoản thu và sẽ rà soát chặt chẽ hơn các khoản thu và chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ thu tiền.

Hiện HBC có 2 khoản phải thu trích lập khá lâu rồi. Ông Duy cho biết, "Dự án 15 Lê Thánh Tôn sắp tới sẽ thu hồi được vốn theo hình thức HBC sẽ triển khai theo hình thức hợp tác đầu tư. Trong khi đó, phía đối tác cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn đối với vấn đề trả nợ."

"Các khoản thu theo tiến độ của HBC đang có diễn biến tốt từ tháng 4 năm nay. Theo đó, việc dòng tiền HBC trong thời gian qua bị âm sẽ chuyển biến tích cực hơn từ quý II."

Chủ tịch HBC cho biết, tới đây sẽ trình cổ đông thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ tối đa 25% sau khi tiến hành trả cổ tức năm 2017. Mức giá phát hành sẽ không thấp hơn 2 lần so với giá trị sổ sách.

Bên cạnh đó, để bù đắp lượng tiền mặt thiếu hụt khi khoản thu về chậm. HBC sẽ bán 2 dự án bất động sản là Dự án KDC Hoà Bình - Long Thới 3 hecta, Phúc Lộc Thọ gần 3 hecta và sẽ ghi nhận 1 số lợi nhuận tốt do giá đất tăng cao.

"Dự kiến HBC sẽ thu về khoảng 500 tỷ đồng từ bán đất và 600 – 700 tỷ đồng từ đợt phát hành. Khả năng tài chính của HBC vẫn rất tốt, đó không phải là vấn đề quá nghiêm trọng như các nhà đầu tư quan ngại." 

Về hoạt động kinh doanh, ông Duy cho biết thêm, tổng giá trị Backlog tại 31/12/2017 là 21.250 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2018 là 12.135 tỷ đồng, còn lại thực hiện từ năm 2019. Quý 1/2018 Hòa Bình đã trúng thầu các hợp đồng mới với tổng giá trị 3.810 tỷ đồng, dự kiến thực hiện năm 2018 là 3.111 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng dự kiến sẽ ký tiếp trong 3 quý còn lại của năm 2018 là 23.190 tỷ đồng, trong đó dự kiến sẽ thực hiện 6.710 tỷ đồng trong năm 2018. Do đó, việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2018 của Hòa Bình khá lạc quan.

Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hoà Bình liên tục sụt giảm, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 3.

"Nhìn lại quá trình tồn tại và phát triển hơn 30 năm của HBC. Chúng tôi đã làm được những việc không phải bất cứ DN nào cùng ngành có thể thực hiện được. Uy tín trong ngành cũng như khả năng thực hiện các dự án xây dựng yêu cầu Kỹ - Mỹ thuật cao với chi phí hợp lý là thế mạnh hàng đầu của chúng tôi.

HBC đã là DN xây dựng đầu tiên đã đưa người sang thi công ở thị trường nước ngoài và thấy rằng, chúng ta đang có cơ hội rất lớn ở thị trường này. Bởi không chỉ có giá rẻ, mà chất lượng thi công của chúng ta được đối tác đánh giá không thua kém các nhà thầu khác nước trong khu vực." Ông Hải cho hay.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên