MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Cổ phiếu hoa hậu] PVI lên cơn sốt ngắn hạn hay tăng trưởng dài hạn?

Nhà đầu tư khi chọn cổ phiếu ngành bảo hiểm dường như rất ít để ý tới cổ phiếu PVI và cổ phiếu này hầu như chỉ biến động đi ngang quanh mốc 23.000 đồng đến 25.000 đồng kể từ năm 2015 cho đến những ngày cuối tháng 3 vừa qua, khi doanh nghiệp lên kế hoạch nâng room khối ngoại lên 100% và nâng cổ tức lên 20%.

Trong ngắn hạn giá cổ phiếu luôn có những biến động bất ngờ, và PVI đã thể hiện điều đó

Với việc cổ đông lớn sở hữu khối lượng lớn, thanh khoản của PVI ở mức khá thấp so với số lượng cổ phiếu niêm yết. Thậm chí thị trường đã xác lập đáy và đi lên tới hơn 3 tháng, nhưng PVI vẫn không chịu tăng giá. Tuy nhiên mọi thứ đã khác kể từ phiên “ rũ bỏ” kinh điển vào ngày 20/3/2017.

Trong phiên giao dịch trên, cổ phiếu PVI đã có lúc giảm sâu nhất về 22.100 đồng, nhưng kết thúc phiên giá đóng cửa khá tích cực ở mức 24.100 đồng. Từ thời điểm này PVI lên tục đi lên “ một cách êm đềm” do khối lượng giao dịch vẫn thấp chỉ xoanh quanh 30.000 cổ phiếu/ phiên. Biến động chỉ thực sự nổi bật khi tin tức nới room được đưa ra do cả khối lượng và giá đều gia tăng một cách ngoạn mục so với giai đoạn trước đó, và chỉ trong tuần vừa qua với mức giá đóng cửa là 32.000 đồng, cổ phiếu này cũng đã “ kịp kiếm” cho nhà đầu tư tới 29,55%.

Vậy PVI đang tạo cơn sốt ngắn hạn, hay đã thực sự đi vào chu kỳ tăng trưởng cho dài hạn?

Không thể phủ nhận việc PVI có tình hình tài chính khá lành mạnh khi sở hữu số dư tiền lên tới gần 7.000 tỷ, việc này sẽ giúp luôn trụ vững qua được những giai đoạn khó khăn do có khoản phòng thân rất tốt. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại như vậy doanh nghiệp cũng khó có thể liên tục phát triển trong dài hạn, bởi lẽ vấn đề này phụ thuộc vào doanh thu, lợi nhuận có tăng trưởng qua các năm hay không.

Nếu để ý tới các báo cáo kết quả kinh doanh của PVI được công bố kể từ 2011, doanh thu của doanh nghiệp này cũng có chiều hướng tăng trưởng ổn định ngoại trừ 2 năm là 2014 và 2016. Tuy nhiên lợi nhuận tương ứng không ổn định với năm cao năm thấp, tỷ suất sinh lời ở mức khá thấp chỉ ở khoảng từ 5 đến 10%. Đây có thể là lý do chính khiên cổ phiếu PVI không có sức hấp dẫn lớn đối với đa phần các nhà đầu tư theo trường phải tăng trưởng, những cơn sóng trong ngắn hạn chỉ đến từ việc định giá cổ phiếu thấp trong điều kiện thị trường đi lên hoặc những thông tin tích cực trong ngắn hạn được đưa ra.

Kết quả kinh doanh năm 2016 của PVI sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận so với năm 2015. Tuy nhiên có 1 điểm đáng lưu ý, sự sụt giảm này nằm trong kế hoạch tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty là bảo hiểm phi nhân thọ, khi đã thoái vốn ở PVI-sunlife (1 công ty về bảo hiểm nhân thọ) và không được hợp nhất trên kết quả kinh doanh hoặc ghi nhận doanh thu đột biến như ở 2015.

Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tăng trưởng ổn định, và theo nhiều đánh giá mức phí bảo hiểm xe cơ giới tăng cùng với việc bổ sung bảo hiểm bắt buộc đối với đầu tư xây dựng trong thời gian tới là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn. Ngoài ra công ty có kế hoạch tiếp tục thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh không chủ chốt trong thời gian tới, theo đó có thể thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.

Một điểm đáng lưu ý nữa là hiện nay, phí bảo hiểm ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1,5% GDP so với mức 3,8% ở Đông Nam Á. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiệm còn thấp bên cạnh cơ cấu dân số hiện tại với hơn 60% là dân số trẻ cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành tại Việt Nam còn rất lớn.

Như vậy có thể nói đợt tăng giá mạnh vừa qua không chỉ là bắt nguồn từ việc thông tin nới room khối ngoại lên 100% và nới cổ tức lên 20%, mà cũng đến từ sự kỳ vọng của các nhà đầu tư vào tình hình kinh doanh của công ty trong tương lai. Tuy nhiên kỳ vọng vẫn là kỳ vọng, có lẽ kết quả của sự kỳ vọng sẽ được giải đáp được phần nào trong ngắn hạn khi kết quả kinh doanh quý I được công bố!

Các mốc hỗ trợ kháng cự cần lưu ý

Phiên giao dịch cuối tuần qua cổ phiếu PVI đóng cửa ở mức giá 32.000 đồng, giảm nhẹ so với phiên giao dịch gần nhất. Tuy nhiên kết thúc tuần, PVI đang thể hiện rất tốt khi mức tăng giá lên tới gần 30%, và là 1 trong những tỷ suất đáng mơ ước đối với đa số nhà đầu tư. Có khả năng cổ phiếu này sẽ tiếp cận mốc kháng cự ngắn hạn ở khoảng 36.500 đồng và xa hơn ở 42.000 đồng trong thời gian sắp tới, nếu như kết quả kinh doanh quý I đáp ứng được kỳ vọng tăng trưởng của các nhà đầu tư. Mốc 30.000 đồng sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh trong trường hợp PVI điều chỉnh, bởi tại mốc này giá cổ phiếu PVI tăng rất mạnh với khối lượng lớn nhất kể từ tháng 6/2016 đến nay.

Tú Phạm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên