Cổ phiếu ngân hàng đã tăng đến mức “đáng lo ngại”?
“Mức tăng của nhóm này đi kèm với việc tăng trưởng của ngành, quy mô cũng như doanh thu của nhóm ngân hàng tăng nhanh cùng với tốc độ tăng giá cổ phiếu nên không quá bất thường. Tuy nhiên cái đáng lo ngại đó là những tháng gần đây tốc độ tăng giá có phần nhanh hơn”, ông Phan Dũng Khánh nhận định.
- 02-04-2018Tăng phi mã, cổ phiếu ngân hàng có đang “bong bóng”?
- 22-03-2018Công ty con của SCIC muốn bán bớt cổ phiếu Ngân hàng Quân đội
- 11-03-2018Vợ Phó chủ tịch MB muốn bán cổ phiếu Ngân hàng Quân đội
Thời gian qua, VN-Index liên tiếp leo lên các vùng điểm mới, thiết lập các đỉnh cao nhất trong hàng chục năm qua. Hiện nay chỉ số sàn HoSE đã tiệm cận vùng 1.200 điểm.
“Tiếp sức” cho đà tăng của chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Việt phải kể đến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng . Hàng loạt cổ phiếu “vua” niêm yết lâu đời như ACB, CTG, VCB… lẫn những mã mới niêm yết như HDB, VPB cũng tạo “sóng” mạnh.
Việc tăng giá mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua có hợp lý và cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành này sắp tới ra sao? Dưới đây là nhận định của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng.
Nhận định của ông về “sóng” cổ phiếu ngân hàng thời gian qua?
Nhóm cổ phiếu này đã có xu hướng tăng điểm trong 3 năm qua và tốc độ nhanh và mạnh nhất trong năm 2017 đầu năm 2018. Đặc biệt từ cuối năm 2017 đến nay nhóm này là nhóm dẫn dắt thị trường. Nhiều phiên số lượng mã giảm áp đảo mã tăng nhưng VN-Index vẫn tăng được nhờ công rất lớn của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Ông có cho rằng mức tăng giá cổ phiếu ngành này đến nay là đã "đáng lo ngại"?
Mức tăng của nhóm này đi kèm với việc tăng trưởng của ngành, quy mô cũng như doanh thu của nhóm ngân hàng tăng nhanh cùng với tốc độ tăng giá cổ phiếu nên không quá bất thường. Tuy nhiên cái đáng lo ngại đó là những tháng gần đây tốc độ tăng giá có phần nhanh hơn. Bên cạnh đó mức tăng giữa các ngân hàng có phần chênh lệch, ví dụ như những ngân hàng nhỏ nhưng nhờ lên sàn đúng thời điểm có giá cao hơn hẳn các ngân hàng lâu đời, hàng đầu trong nhóm cũng như có kết quả kinh doanh tốt hơn.
Vì vậy, điều này nếu diễn biến lâu dài có thể tạo tác động xấu lên ngành hoặc ít nhất sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ trong nhóm trong thời gian tới khi mà chỉ những ngân hàng có nền tảng vững chắc sẽ duy trì đà tăng trưởng tạo khoảng cách với nhóm còn lại.
Kịch bản xấu hơn nếu các yếu tố trong và ngoài nước đặc biệt trong giai đoạn hiện nay TTCK Việt Nam bị tác động nhiều từ thị trường nước ngoài, nếu TTCK quốc tế xấu đi, triển vọng kinh tế Việt Nam giảm bớt sẽ tác động xấu đến nhóm ngân hàng nói riêng và TTCK nói chung.
Ông có đánh giá gì về cơ hội đầu tư các cổ phiếu “vua” dự kiện niêm yết thời gian tới?
Việc lên sàn đúng thời điểm sẽ tạo cho những cổ phiếu ngân hàng mới được hưởng lợi lớn, các cổ đông cũ cũng như ngân hàng được lợi về mọi mặt từ danh tiếng cho đến hưởng lợi về giá từ đó có thể phát hành thêm để huy động vốn...
Tuy nhiên về phía các nhà đầu tư mua khi những cổ phiếu này khi lên sàn nhiều khả năng sẽ gặp những rủi ro lớn khi nhóm này đã có thời gian tăng quá dài với mức tăng lớn. Vì thế lợi nhuận dành cho các NĐT sau này sẽ giảm đi đáng kể và nếu không chọn được thời điểm và giá tốt thì nhiều nhà đầu tư có thể thua lỗ nặng nề.
Ví dụ như nhiều cổ phiếu IPO gần đây của ngành dầu khí khi niêm yết lên sàn như BSR, POW, OIL... chỉ mang lại lợi ích cho những nhà đầu tư tham gia trúng đấu giá ở vùng giá thấp còn những nhà đầu tư mua trên sàn sau đó hầu như chưa ai có lời.
Cảm ơn ông!
BizLive