Cổ phiếu ngân hàng về mức hấp dẫn
Sau đợt điều chỉnh khá dài, nhóm CP ngân hàng (NH) đang trở về vùng giá hấp dẫn so với thời điểm đầu năm 2018. Càng hấp dẫn hơn với dự báo kết quả kinh doanh (KQKD) quý II của các NH khá sáng sủa.
KQKD khả quan
Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm giảm tốc nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh quan điểm thận trọng hơn của NHNN về hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NH trong năm nay là 17%, so với hạn mức ban đầu của năm ngoái 18%. Một yếu tố khiến tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ do tăng trưởng cung tiền (M2) thấp hơn dự kiến, ước tính M2 đã tăng 7,96% tính đến ngày 20-6 (cùng kỳ năm ngoái đạt 6,75%). Nguyên nhân do NHNN lo ngại lạm phát tăng tốc, và sự giảm giá của tiền đồng có thể ảnh hưởng đến môi trường lãi suất thấp hiện tại. Chính vì vậy, NHNN thận trọng hơn trong cho vay nên giảm tốc độ tăng trưởng M2, là giải pháp đầu tiên để ngăn chặn rủi ro này.
Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh hơn 3 tháng vừa qua, mức định giá của các NH niêm yết đã hấp dẫn hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm 2018. Cụ thể, P/B bình quân các NH hiện đạt 1,77x so với mức đỉnh 2,8x thời điểm đầu năm. Ngoại trừ VCB với mức P/B vẫn tương đương trung bình 3 năm, P/B của các NH như ACB, BID, CTG và MBB đã thấp hơn đáng kể so với P/B bình quân 3 năm.
Tuy tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các NH, bởi yếu tố này đã nằm trong giả định trước đó. Ngoài ra, các NH đang hưởng lợi bởi nhiều yếu tố như: tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng nhờ lãi suất tăng; các dòng thu nhập ngoài lãi tốt nhờ lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối trong môi trường biến động tỷ giá, phí dịch vụ tăng và TTCK khởi sắc trong quý I, cũng như việc bán 1 phần danh mục trái phiếu chính phủ để hiện thực hóa lợi nhuận; từ gia tăng nguồn thu thanh lý các tài sản đảm bảo ngoại bảng đã được trích lập đầy đủ và xóa nợ; ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên từ chuyển nhượng cổ phần tại các NH; đóng góp từ các thương vụ đại lý bảo hiểm; mở rộng mảng tài chính tiêu dùng với sự gia nhập của những tên tuổi mới; chi phí dự phòng giảm khi nhiều NH hoàn thành trích lập dự phòng trái phiếu VAMC và nợ xấu tồn đọng.
Theo dự báo của CTCK TPHCM (HSC), lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 ngành NH sẽ tăng dao động từ 8-150% so với cùng kỳ, và hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm. Phần lớn các NH đều được dự báo sẽ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 50% so với cùng kỳ, ngoại trừ NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG) tăng 8% và NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) tăng 32%, do hệ số an toàn vốn (CAR) thấp làm cản trở tăng trưởng cho vay.
Trên thực tế, đến hiện tại đã có ít nhất 2 NH công bố KQKD sơ bộ quý II như: NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) với lợi nhuận trước thuế tăng 53% so với cùng kỳ, NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy, dù tăng trưởng tín dụng giảm tốc nhưng các yếu tố như đã nói vẫn giúp các NH thúc đẩy lợi nhuận. Đây là tín hiệu cho thấy mùa KQKD hết sức khả quan cho ngành NH.
P/B hấp dẫn
Tính đến phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, nhóm CP NH đã giảm đáng kể so với thời điểm cách đây 3 năm. Đơn cử là VCB có thời điểm giảm xuống sát mốc 50.000 đồng/CP, tương đương với mức giảm hơn 33% so với thời điểm cách đây 3 tháng là 75.000 đồng/CP. Các NH còn lại cũng ghi nhận mức giảm rất lớn so với đỉnh ở phiên giao dịch ngày 10-4 như: BID từ 46.000 đồng/CP xuống còn 23.000 đồng/CP, CTG từ 38.000 đồng/CP xuống còn 21.800 đồng, VIB từ 41.000 đồng/CP xuống còn 24.000 đồng/CP, NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPB) giảm từ 70.000 đồng/CP xuống chỉ còn hơn 26.000 đồng/CP (tính cả phiên điều chỉnh phát hành CP thưởng).
Các NH khác như NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB) từ 50.000 đồng/CP xuống còn 33.000 đồng/CP, NHTMCP Quân đội (MBB) từ 31.000 đồng/CP xuống còn 20.000 đồng/CP, NHTMCP Á Châu (ACB) 44.000 đồng/CP xuống còn 33.000 đồng/CP, NHTMCP Sài Gòn Thương tín (STB) từ 16.000 đồng/CP xuống còn 10.000 đồng/CP, NHTMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) từ 13.500 đồng/CP xuống còn 7.500 đồng/CP, NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) từ 18.000 đồng/CP xuống còn 10.000 đồng/CP. NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) dù mới niêm yết trên HOSE trong tháng 6, nhưng cũng ghi nhận mức suy giảm kinh hoàng. Từ mức tham chiếu 128.000 đồng/CP xuống chỉ còn 26.000 đồng/CP (tính cả phiên điều chỉnh do phát hành CP mới).
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), tỷ lệ vốn hóa so với thu nhập hoạt động trước dự phòng (MC/PPOP) của các NH như ACB, CTG, MBB và VCB đã giảm đáng kể so với tỷ lệ bình quân 3 năm. Đặc biệt, tỷ lệ này còn thậm chí thấp hơn ngưỡng thấp nhất của các NH. Điều này cho thấy VCB đang được giao dịch ở mức định giá hấp dẫn, nếu xem xét trên khả năng tạo ra lợi nhuận của NH trong năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2018 của VCB có phần đóng góp lớn từ thoái vốn và không nằm ngoài kỳ vọng của thị trường. Ngược lại, nếu xem xét ở chỉ tiêu này thì BID và CTG đang được giao dịch ở vùng tương đối hợp lý.
Tuy nhiên theo HSC, các NH với CAR thấp như BID và CTG phải cẩn thận đối với việc mở rộng cho vay. Trong khi đó các NH với tỷ trọng cho vay bất động sản cao như TCB đã phải giảm bớt tốc độ mở rộng của phân khúc cho vay này, khi mà tỷ trọng cho vay bất động sản của NH này đã tăng kể từ đầu năm nay. Một trở ngại khác đối với các NH là quy định giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% tối đa vào cuối năm nay.
Sài Gòn Đầu Tư