MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngành khoáng sản tăng nóng: Đầu cơ hay thực chất?

Vừa qua, một số cổ phiếu các doanh nghiệp khoáng sản bất ngờ leo dốc trở lại sau thời gian “ảm đạm”. Liệu đây chỉ là dòng tiền đầu cơ trên thị trường hay các doanh nghiệp khoáng sản đang có những chuyển biến lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư?

Có thực sự hấp dẫn trở lại?

Tuần vừa qua, nhiều cổ phiếu khoáng sản đã ghi nhận mức tăng giá ấn tượng, trong đó không ít cổ phiếu đã liên tục “phá trần” như LCM (tăng 37,27%), KSK (35,7%); KSH (tăng 24,33%), KSA (tăng 16,8%), DHM (tăng 14,6%), KHK (tăng 18,75%). Một số cổ phiếu khác như ATG, KHB… cũng có chiều hướng tăng.

Thực chất từ giai đoạn đầu tháng 6/2017, một số cổ phiếu khoáng sản đã bắt đầu “nổi sóng” sau thông tin Chính phủ đặt quyết tâm tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực khai khoáng… Theo số liệu của Bộ Công Thương, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2017 dự kiến ở mức 8%, cao hơn so với mức tăng năm 2016 là 7,4%.

Bên cạnh đó, yếu tố tác động nữa là một số doanh nghiệp khoáng sản vừa qua đã công bố kết quả kinh doanh có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là diễn biến tăng giá chỉ xảy ra với các cổ phiếu có thị giá thấp từ 1.000-4000 đồng/cp trong khi cổ phiếu của các “anh lớn” trong ngành như KSB, NNC, DHA, C32… lại chìm trong sắc đỏ hoặc “dậm chân” tại chỗ.

Còn nhớ trong quá khứ, nhiều thời điểm nhóm cổ phiếu ngành khoáng sản đã đạt trạng thái “thăng hoa”. Chẳng hạn, như cổ phiếu KSH từng đạt mức giá hơn 80.000 đồng/CP, KHB đạt gần 40.000 đồng/CP hay cổ phiếu KSA từng đạt tới ngưỡng trên 41.000 đồng/CP… Nhưng hiện tại, những cổ phiếu này chỉ ở mức giá dưới 3.000 đồng/CP.

Việc dòng tiền đổ vào một số ít những cổ phiếu khoáng sản có thị giá thấp trong thời gian qua có lẽ chủ yếu đến từ hiệu ứng thị trường. Khi mà ngành có một vài thông tin tốt thì các cổ phiếu thị giá thấp dễ được các nhà đầu tư bỏ tiền hơn bởi vốn ít mà lời có thể lớn. Song việc tăng quá nhanh và nóng này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho NĐT.

KQKD phân hóa mạnh nửa đầu 2017

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành khoáng sản đã công bố BCTC quý II/2017 và kết quả cho ra hai trạng thái rõ ràng.

Theo thống kê của NDH trong số 16 doanh nghiệp khoáng sản công bố BCTC quý II/2017, có 8 doanh nghiệp báo lãi lũy kế 6 tháng tăng, trong đó có 1 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi là LCM; 7 doanh nghiệp giảm lợi nhuận, riêng KHL chuyển lãi thành lỗ so với kỳ năm trước.

Nửa đầu năm, doanh thu của 16 doanh nghiệp khoáng sản ở mức 5.870 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng vẫn tăng trưởng 25%, dừng ở mức 410,4 tỷ đồng.

Ở phía các các doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng, nổi bật nhất là CTCP Khai Thác & Chế Biến Khoáng Sản Lào Cai (HOSE: LCM) khi chuyển lỗ 9,5 tỷ đồng (nửa đầu 2016) thành có lãi 0,8 tỷ đồng. Đây có thể là một trong những yếu tố góp phần tạo nên mức tăng ấn tượng của LCM trong tuần vừa qua.

Hai vị trí tiếp theo đều là doanh nghiệp có quy mô vừa, nổi bật nhất là CTCP Cơ Khí & Khoáng Sản Hà Giang (HNX: HGM) với lãi ròng tăng trưởng gấp 9 lần, đạt 20 tỷ đồng trong 6 tháng đầu 2017, nhờ tăng mạnh doanh thu và giảm giá vốn hàng bán. Theo sau là KSH tăng 456% lãi ròng và đạt mức hơn 2,6 tỷ đồng.

Một số “anh lớn” như KSB, DHA và HLC cũng ghi nhận tăng trưởng, trong đó KSB đạt mức lãi ròng gần 144 tỷ đồng, cao nhất trong tất cả các doanh nghiệp.

KQKD của doanh nghiệp nửa đầu 2017 (Đvt: tỷ đồng)

Ở phía ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho thấy kết quả kinh doanh sụt giảm, bao gồm cả những “anh lớn” như C32, TVD. Trong đó, C32 ghi nhận lãi ròng giảm 16% xuống còn 41,6 tỷ đồng, mặc dù doanh thu tăng nhẹ 6%. CTCP Than Vàng Danh - Vinacomin (HNX: TVD) là một trong 2 doanh nghiệp có mức sụt giảm lớn nhất khi lãi ròng giảm tới 79% từ mức 30 tỷ đồng xuống còn 6,4 tỷ đồng.

Nhóm doanh nghiệp khoáng sản tồn tại nhiều yếu tố bất định để đánh giá chung. Việc cổ phiếu khoáng sản giá thấp liên tục tăng trong thời gian vừa qua mà không có một nền tảng bền vững có thể sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho NĐT.

Theo Phan Tùng

NDH

Trở lên trên