MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu SBT đang được định giá như thế nào dưới góc nhìn của các công ty chứng khoán (kỳ 1)

Trong 9 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi những yếu tố bất ổn từ tình hình chính trị kinh tế thế giới, trong đó là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Tuy vậy, theo phân tích của Công ty Chứng khoán (CTCK) VNDIRECT, nếu so sánh giữa định giá và tốc độ tăng trưởng PEG (Price/Earnings to growth ratio) thì mức định giá TTCK Việt Nam khá rẻ. PEG hiện tại của TTCK Việt Nam là 0,87 lần và đang trở nên hấp dẫn nhất khu vực. Nước duy nhất trong nhóm so sánh có PEG thấp hơn Việt Nam là Indonesia với 0,85 lần, tuy nhiên điều này có thể lý giải do thị trường này chịu nhiều rủi ro hơn với những biến động trên thị trường tài chính quốc tế so với TTCK Việt Nam, điển hình là động thái nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua ròng mạnh tại TTCK Việt Nam, trong khi bán mạnh tại TTCK Indonesia. Vì thế, TTCK Việt Nam xứng đáng được định giá ở mức cao hơn so với hiện tại.

Có đôi chút khác biệt với Index, cổ phiếu của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, SBT) trong thời gian qua đã có những bước “lội ngược dòng” làm hài lòng phần lớn các NĐT và Cổ đông (CĐ). Những chuyển biến tích cực được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn từ 02/7/2018 đến 20/9/2018, cổ phiếu SBT đã bật tăng xấp xỉ 45% với thanh khoản tốt nhất trong ngành Mía đường khi khối lượng giao dịch trung bình lên tới hơn 3,6 triệu cổ phiếu/phiên. Từ mức giá 14.450 đồng/cổ phiếu vào ngày 02/7/2018, cổ phiếu SBT đã tăng lên mức 20.950 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/9/2018. Đây là mức giá cao nhất của SBT trong 7 tháng gần đây với khối lượng giao dịch bình quân mỗi ngày xấp xỉ 4,5 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch trung bình vào khoảng 80 tỷ đồng mỗi phiên.

Mức giá trên 2x đã được CĐ, NĐT chờ đợi từ rất lâu vì hoạt động kinh doanh của SBT trong niên độ 17 - 18 đều ghi nhận những con số rất tích cực. Đây là một dấu hiệu triển vọng trên con đường quay lại chinh phục mức giá hợp lý của SBT trong thời gian tới.

Như vậy, tại ngày 20/9/2018, vốn hóa thị trường của SBT đạt 10.379 tỷ đồng tương đương 453 triệu USD, dẫn đầu ngành Mía đường Việt Nam với EPS 12 tháng đạt 1.112 đồng/cổ phiếu.

Trên thực tế, giá cổ phiếu nên phản ánh đầy đủ giá trị nội tại của Công ty thông qua chiến lược phát triển trong dài hạn cũng như kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định qua từng năm một cách hợp lý. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có nhiều CTCK đưa ra nhận định về giá trị cổ phiếu SBT trong tương lai cũng như triển vọng phát triển của Công ty sẽ như thế nào trong bối cảnh ngành không nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi như các lĩnh vực hoạt động khác.

Từ tháng 01 đến tháng 9/2018, các khuyến nghị Nắm giữ và Mua cổ phiếu SBT chiếm đa số trong các phân tích của FPTS, Mirae Asset, HSC, PHS, DVSC, SSI, BVSC với giá mục tiêu tăng cao nhất là 33% so với giá trị giao dịch thời điểm định giá.

Ngày 11/01, FPTS định Giá mục tiêu của SBT có thể đạt 30.000 đồng, tăng 23% so với giá giao dịch tại thời điểm đó là 23.100 đồng, khuyến nghị Mua. Theo FPTS, SBT đang có những chuyển biến lớn về năng lực sản xuất, nỗ lực hạ giá thành Đường thông qua nâng cao chất lượng cây mía và tăng hiệu quả sản xuất bằng cơ giới hóa. Đồng thời, SBT cũng đang tăng mạnh về công suất luyện Đường thô, song song với việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Đối với Mirae Asset, nhấn mạnh các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi như thị phần vượt trội, vùng nguyên liệu lớn cũng như các yếu tố cộng hưởng tích cực có được từ việc sáp nhập với Đường Biên Hòa (BHS) như cắt giảm chi phí vận chuyển, tận dụng tối ưu hệ thống kho bãi. Ngoài ra, họ cũng đánh giá cao hoạt động mua vào cổ phiếu quỹ và động thái mua vào của Người nội bộ và Người có liên quan. Với Giá mục tiêu là 24.000 đồng, tăng trưởng khoảng 33% so với giá giao dịch ngày 14/5, Mirae Asset tiếp tục khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu SBT.

Cũng trong tháng 5, SSI cũng ra báo cáo về hoạt động quý 3 niên độ 17 - 18 của SBT với những đánh giá triển vọng khi cho rằng mặc dù giá Đường trong nước suy giảm, giá bán Đường của SBT vẫn được duy trì nhờ sáp nhập với BHS - Công ty này tập trung vào mảng bán lẻ nhiều hơn bán buôn do đó góp phần giữ giá trung bình của SBT.

HSC, một trong những CTCK hàng đầu trên thị trường hiện nay cũng có báo cáo phân tích về cổ phiếu SBT vào tháng 6. Đây là thời điểm tương đối khó khăn khi giá cổ phiếu SBT rớt xuống mức gần như là đáy trong lịch sử của cổ phiếu này (13.300 đồng vào cuối tháng 5/2018). Tuy nhiên, HSC vẫn có cái nhìn lạc quan về hoạt động sản xuất kinh doanh của SBT và tin tưởng vào khả năng tăng giá trong tương lai khi Giá mục tiêu đưa ra là 17.439 đồng, tăng trưởng 20% so với giá giao dịch thời điểm đó chỉ là 14.532 đồng với khuyến nghị Nắm giữ.

HSC đánh giá khả quan về triển vọng của Công ty nhờ tác động sau sáp nhập, với lợi thế cạnh tranh, chi phí thấp cũng như khả năng giữ vững thị phần ngay cả khi ATIGA có hiệu lực; trong khi các doanh nghiệp Mía đường khác có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập này. Dự báo Lợi nhuận sau thuế (LNST) niên độ 18 - 19 đạt 692 tỷ đồng, tăng 21%. Bên cạnh đó, cũng thời điểm này, Công ty nghiên cứu đầu tư nổi tiếng chuyên cung cấp dữ liệu thị trường và phân tích - Morningstar, Inc, Mỹ đã định giá giá trị thực của SBT vào khoảng 22.000 đồng, cao hơn so với thị giá hiện tại của SBT lúc đó chỉ là 15.800 đồng.

Hàng loạt những phân tích và đánh giá khả quan về tương lai SBT trong thời điểm này vô hình chung là nhân tố khách quan tác động đến các CĐ, NĐT có lòng tin hơn với hoạt động của Công ty và chờ đợi sự tăng trưởng của giá cổ phiếu SBT như nhận định.

(Còn tiếp kỳ 2).

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên